COVID-19 mở ra cơ hội cho bất động sản công nghiệp Việt Nam

Theo các chuyên gia, còn rất nhiều điều chưa thể dự đoán chính xác, tuy nhiên mỗi phân khúc bất động sản đều đang có những biện pháp khác nhau nhằm đối phó với dịch COVID-19.

Trong thời điểm thế giới đang có những căng thẳng về thương mại cùng nhiều diễn biến xã hội bất ổn, dịch cúm COVID-19 đã bất ngờ xuất hiện gây thêm áp lực cho nền kinh tế trong nước và làm suy yếu những triển vọng cho thị trường bất động sản.

Đối với thị trường bất động sản Việt Nam, ông Troy Griffiths - Phó Tổng giám đốc Savills Việt Nam cho rằng Việt Nam là quốc gia đầu tiên công bố hết dịch SARS năm 2003 và sẽ tiếp tục thành công trong việc ngăn chặn dịch bệnh lần này.

Trong bối cảnh này, ngành sản xuất tại Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ “Trung Quốc + 1” - chiến lược mà các các doanh nghiệp nước ngoài đang áp dụng để đa dạng hóa cơ sở sản xuất tới các khu vực khác và giảm thiểu rủi ro khi đầu tư vào Trung Quốc, qua đó sẽ tạo đà tăng trưởng cho nhu cầu cho bất động sản công nghiệp tại Việt Nam.

Ông Troy Griffiths, Phó Tổng giám đốc, Savills Việt Nam

Về những tác động của COVID-19 đến phân khúc mặt bằng bán lẻ, ông Troy Griffiths nhận định các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và giao hàng tại nhà là những phân khúc ghi nhận tăng trưởng trong khi sự tăng trưởng của ngành bán lẻ và du lịch được dự báo sẽ sụt giảm.

Tại Hong Kong, các chủ đầu tư mặt bằng bán lẻ đang giảm giá thuê tới 40%, tuy nhiên với thị trường Việt Nam, phương án này có thể không cần thiết.

Đồng quan điểm, nhận định về ảnh hưởng của dịch COVID-19 đến thị trường Việt Nam, ông Nguyễn Hồng Sơn - Giám đốc bộ phận Tư vấn Savills Hà Nội cho rằng những thiệt hại do dịch bệnh gây ra là rất đáng kể và chưa thể lượng hóa hết được.

Tuy nhiên, việc chủ động ứng phó với các kịch bản cũng như khả năng sẵn sàng đáp ứng khi dịch bệnh được khống chế sẽ là cơ hội để ngành giảm bớt thiệt hại trong ngắn hạn.

Ông Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc bộ phận Tư vấn Savills Hà Nội

Về lâu dài, ông Sơn cho rằng khi Việt Nam thành công trong việc khống chế và kiểm soát dịch bệnh, Việt Nam sẽ có lợi thế của một điểm đến thân thiện, an toàn. Quan trọng hơn, sự dịch chuyển nguồn vốn đầu tư trong khu vực sẽ dành lợi thế cho Việt Nam khi trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn hơn, mở ra cơ hội cho tăng trưởng kinh tế nói chung và thị trường bất động sản với trọng tâm là bất động sản công nghiệp nói riêng.

Nhận định về những tác động của COVID-19 đến thị trường bất động sản được đưa ra dựa trên những phân tích ảnh hưởng của dịch SARS trong quá khứ cũng như bối cảnh kinh tế, xã hội Việt Nam và khu vực hiện nay.

Cụ thể, theo các chuyên gia Savills, dịch SARS xuất hiện vào thời điểm khi thị trường bất động sản đang ở thời kỳ suy thoái, tuy nhiên COVID-19 diễn ra khi thị trường bất động sản đang trên đà phát triển. Điều này có thể gây ra những gián đoạn kinh tế theo diện rộng.

Vai trò của Trung Quốc ngày nay đã thay đổi và mạnh hơn nhiều đối với nền kinh tế toàn cầu. Việc ngắt kết nối với Trung quốc sẽ gây ra những hậu quả nặng nề cho ngành sản xuất và lĩnh vực đầu tư, vượt xa khu vực Châu Á. Dường như chủng virus mới này có thể sẽ tiến triển theo thời gian tương tự như SARS và sẽ thoái trào vào những tháng hè khi thời tiết ấm áp hơn, sau đó mọi việc sẽ quay lại nhịp sống bình thường.

Bên cạnh đó, các chuyên gia Savills cũng nhấn mạnh các dấu hiệu khó khăn lan rộng trong lĩnh vực đầu tư vẫn chưa được cụ thể hóa cho đến nay và nhiều khả năng chủ đầu tư sẽ phải quyết định chờ đợi cho sự kiện này trôi qua nếu tài sản và tiềm lực tài chính của họ vẫn trong khả năng kiểm soát.

Báo cáo của Savills cũng chỉ ra những nguyên tắc cơ bản của thị trường sẽ luôn không thay đổi. Một sự bùng nổ kéo dài quá tháng 6, một đại dịch hoặc các thay đổi đột biến là những yếu tố làm ảnh hưởng đến sự sự linh hoạt của thị trường và có thể là nguyên nhân của một số thương vụ bán và chuyển nhượng ở quy mô lớn.

Giá thuê sẽ có thay đổi dựa vào các điều kiện thị trường. Nhìn chung, các chủ đầu tư thương mại sẽ cần xem xét những phương pháp hỗ trợ ngắn hạn cho các khách thuê. 

Nguồn: https://diendanbatdongsan.vn/

Chat qua zalo