Củng cố niềm tin của doanh nghiệp với môi trường đầu tư
Ngày:14/02/2020 02:52:53 CH
Ông đánh giá thế nào về công tác xúc tiến, thu hút đầu tư của tỉnh Sơn La trong những năm gần đây?
Thời gian qua, hoạt động xúc tiến đầu tư được tỉnh triển khai đồng bộ với nhiều hình thức, góp phần thực hiện hiệu quả chủ trương thu hút đầu tư phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Tỉnh đã lồng ghép các hoạt động xúc tiến đầu tư thông qua các chương trình đối ngoại, trao đổi học tập kinh nghiệm tại các nước và làm việc với tham tán kinh tế thương mại - Đại sứ quán các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Australia,… các nhà tài trợ, tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước để quảng bá, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh địa phương.
Tỉnh cũng làm việc với nhiều tập đoàn kinh tế lớn, các nhà đầu tư tiềm năng như: Công ty Cổ phần đầu tư cao tốc Hòa Bình - Sơn La; Tổng Công ty Hàng không Việt Nam ACV; Tập đoàn FLC; Tập đoàn Quế Lâm; Công ty Cánh đồng Vàng;… nhằm mời gọi đầu tư các dự án trọng điểm; các dự án về bảo quản, chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản, đồng thời hỗ trợ công tác an sinh xã hội và khắc phục hậu quả sau thiên tai.
Sơn La còn đẩy mạnh thông tin tuyên truyền về tiềm năng thế mạnh, môi trường đầu tư, xúc tiến thương mại và xuất khẩu trên các phương tiện thông tin đại chúng của Trung ương và địa phương; tham gia các chương trình xúc tiến đầu tư, thương mại của các bộ, ngành và các tỉnh, thành phố tổ chức như: Tuần hàng nông sản, thực phẩm an toàn Sơn La tại Hà Nội, Quảng Ninh; Bằng Tường (Trung Quốc); Tuần lễ Nhãn Sơn La tại hệ thống các siêu thị Big C, Hapromax, Lotte Mart Hà Nội...
Bên cạnh đó là việc chú trọng xúc tiến đầu tư tại chỗ, tạo mọi thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là việc duy trì đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với doanh nghiệp, nhà đầu tư để kịp thời nắm bắt, xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc giúp các dự án hoạt động hiệu quả, củng cố lòng tin doanh nghiệp đối với môi trường đầu tư của tỉnh.
Nhờ những nỗ lực đó, Sơn La ngày càng thu hút quan tâm của nhiều nhà đầu tư, số lượng và quy mô dự án đăng ký triển khai gia tăng nhanh. Lũy kế đến tháng 9/2019, tỉnh đã cấp chứng nhận, quyết định chủ trương đầu tư trực tiếp cho 593 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký 39.529 tỷ đồng. Đến nay, nhiều dự án đã đi vào hoạt động, đóng góp 40-45% tổng thu ngân sách tỉnh hàng năm, tạo trên 12 nghìn việc làm, góp phần xóa đói, giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.
Ông có thể cho biết quá trình xúc tiến, triển khai của các dự án được trao Giấy chứng nhận đầu tư và ký kết thỏa thuận hợp tác đầu tư tại Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2017 đến nay ra sao? Trong thời gian qua, tỉnh Sơn La đã vào cuộc đồng hành thế nào để các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ dự án theo cam kết?
Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2017, tỉnh Sơn La trao quyết định chủ trương đầu tư và ký cam kết đầu tư với 47 dự án với tổng vốn đăng ký 26 nghìn tỷ đồng, trong đó có 27 dự án được trao quyết định chủ trương đầu tư với tổng vốn đầu tư 11,5 nghìn tỷ đồng và 20 dự án trao cam kết đầu tư với tổng mức đầu tư là 14,6 nghìn tỷ đồng.
Cho đến nay, đối với 27 dự án đã trao quyết định chủ trương đầu tư, đã có 7 dự án hoàn thành đi vào hoạt động; 13 dự án đang triển khai; 7 dự án đang chuẩn bị đầu tư; 1 dự án chưa khởi động (Dự án Phát triển rau, củ, quả và dược liệu Sơn La của Tập đoàn TH); 1 dự án đã thu hồi quyết định đầu tư (Nhà máy may DNN tại thành phố Sơn La). Đối với 20 dự án trao cam kết đầu tư, đã có 2 dự án hoàn thành đi vào hoạt động; 4 dự án đang triển khai; 5 dự án đang chuẩn bị đầu tư và 9 dự án chưa khởi động.
Trong hơn 2 năm qua, UBND tỉnh đã chủ động xây dựng và ban hành 51 văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố phối hợp với nhà đầu tư hoàn thiện thủ tục pháp lý để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án thu hút đầu tư tại Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2017. Trên cơ sở các quy định chung của pháp luật và cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Chính phủ đối với địa bàn kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, UBND tỉnh cũng đã xây dựng trình HĐND tỉnh ban hành 9 nghị quyết về cơ chế, chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Ông đánh giá sao về chất lượng, hiệu quả công tác thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực thu hút đầu tư của tỉnh những năm gần đây?
Tỉnh Sơn La đã chú trọng chỉ đạo các sở, ban, ngành các huyện, thành phố rà soát các thủ tục hành chính liên quan đến việc thu hút đầu tư; các quy hoạch chung, chi tiết ngành, lĩnh vực và địa bàn; kế hoạch sử dụng đất; các thủ tục về đầu tư; đất đai; xây dựng... Sau khi rà soát, cắt giảm bộ thủ tục hành chính, các đơn vị niêm yết công khai trên trang thông tin điện tử cơ quan, đơn vị. UBND tỉnh cũng đã thành lập Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh; huyện nhằm đẩy mạnh thực hiện cơ chế một cửa liên thông hiện đại, giúp các doanh nghiệp, nhà đầu tư rút ngắn thời gian, chi phí trong việc thực hiện các thủ tục hành chính. Tỉnh còn thành lập Trung tâm xúc tiến đầu tư tỉnh để tư vấn, hỗ trợ nhà đầu tư trong quá trình thực hiện thủ tục đầu tư trên địa bàn.
Về mặt tổng thể, có thể nhìn nhận chất lượng, hiệu quả công tác thủ tục hành chính trong lĩnh vực thu hút đầu tư của tỉnh những năm gần đây đã được nâng cao về chất lượng, hiệu quả, góp phần tích cực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh.
“Đề án phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Sơn La giai đoạn 2019-2025” được triển khai trong thời gian tới kỳ vọng sẽ tạo “xung lực” mới cho doanh nghiệp, nhà đầu tư tại tỉnh. Một vài chia sẻ của ông xung quanh vấn đề này?
Những năm gần đây, các doanh nghiệp trên địa bàn Sơn La phát triển về cả số lượng lẫn chất lượng. Đến hết tháng 9/2019, toàn tỉnh có 2.552 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó 2.475 doanh nghiệp nhỏ và vừa (chiếm 97%). Có được kết quả trên là nhờ công tác phát triển doanh nghiệp ngày càng được cấp ủy Đảng, chính quyền tỉnh quan tâm; coi là động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ thúc đẩy doanh nghiệp phát triển được tập trung hoàn thiện, cải cách hành chính gắn với xây dựng chính quyền điện tử, nền hành chính công hiện đại được tăng cường, góp phần tạo môi trường thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp phát triển.
Trong thời gian tới, để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội nhanh, bền vững, phấn đấu sớm xây dựng Sơn La trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực Trung du và miền núi phía Bắc, cần có đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng. Từ điều kiện hiện có, tỉnh đặt ra mục tiêu đến hết năm 2020 có 2.500 doanh nghiệp, đóng góp ngân sách tỉnh 30%; đến năm 2025 có trên 3.000 doanh nghiệp, đóng góp ngân sách tỉnh 35%, tạo thêm nhiều việc làm cho lao động địa phương.
Tỉnh luôn tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp triển khai mở rộng chuỗi giá trị liên kết; khuyến khích ứng dụng khoa học công nghệ vào đầu tư, sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đồng thời đẩy mạnh xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường cho các danh nghiệp. Cùng với tăng cường hỗ trợ pháp lý, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, giảm bớt thời gian, chi phí tuân thủ quy định của pháp luật, tỉnh luôn chú trọng tạo lập môi trường thuận lợi để thúc đẩy hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, thúc đẩy các doanh nghiệp mở rộng sản xuất kinh doanh gắn sản xuất tiêu thụ sản phẩm tại các địa phương.
Để đạt được các mục tiêu trên và triển khai Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tại tỉnh, tại kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh khóa XIV đã ban hành Nghị quyết số 128/NQ-HĐND ngày 17/7/2019 thông qua một số nội dung chủ yếu của Đề án và UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1834/QĐ-UBND ngày 26/7/2019 quyết định ban hành Đề án Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Sơn La giai đoạn 2019-2020. Trong thời gian tới, tỉnh sẽ chỉ đạo đẩy mạnh triển khai các nội dung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa theo Đề án đang được các đơn vị tổ chức triển khai thực hiện.
Trân trọng cảm ơn ông!