CUỘC ĐUA THU HÚT FDI TẠI THỊ TRƯỜNG ĐÔNG NAM Á - VIỆT NAM ĐANG Ở ĐÂU VÀ CẦN LÀM GÌ ĐỂ BỨT TỐC?

Theo bộ tiêu chí EPIC xếp hạng các nước sẵn sàng tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu mới được Công ty IHS Markit (Anh) và ĐH Tennessee (Mỹ) công bố đã xếp Việt Nam đứng thứ 25 trên 60 quốc gia hấp dẫn nhất thế giới thu hút vốn FDI.

Với thứ hạng 25, Việt Nam đã vượt trên các nước trong khu vực Đông Nam Á rất mạnh về thu hút FDI gồm Indonesia, Philippines và Thái Lan. Tuy nhiên, hiện tại sự cạnh tranh giữa các quốc gia trong khu vực để thu hút FDI đang tăng lên rất cao. Trong khu vực ASEAN, các nước như Thái Lan, Indonesia hay Malaysia gần đây đã thay đổi chính sách nhằm tạo thuận lợi hơn cho nhà đầu tư. Trong khi đó, các nước như Campuchia hay Myanmar cũng đã có những bước tiến nhất định.

Do vậy, nếu không tiếp tục cải cách môi trường kinh doanh theo hướng thông thoáng hơn, cũng như gỡ bỏ những điểm yếu nội tại của nền kinh tế, thì Việt Nam sẽ không thể giữ vững vị trí hiện tại. Bài viết dưới đây IIP VIETNAM sẽ cùng bạn đọc phân tích những điều nhà đầu tư ngoại mong muốn, động thái của một số Quốc gia để thu hút vốn FDI cũng như những việc Việt Nam cần làm để bứt tốc trong cuộc chiến thu hút FDI.

NHÀ ĐẦU TƯ NGOẠI QUAN TÂM ĐẾN ĐIỀU GÌ?

Nhà đầu tư ngoại đa số mong muốn một số yếu tố quan trọng sau: 

- Ổn định chính trị, môi trường pháp lý và kinh tế vĩ mô; 

- Cơ chế, chính sách (về đất đai, thuế, lao động, điều hành kinh tế vĩ mô như tỷ giá, lãi suất)... cần đảm bảo tính nhất quán, ít thay đổi, có thể dự báo được;

- Thông tin công khai, minh bạch, dễ tiếp cận, dễ tra cứu và cũng là để góp phần giảm thiểu cơ hội tham nhũng;

- Thủ tục hành chính đơn giản, gọn nhẹ, ra quyết định nhanh chóng vừa là giúp giảm chi phí hành chính, vừa là giảm chi phí cơ hội (thủ tục phiền hà có thể làm mất cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp);

- Cơ sở hạ tầng đồng bộ (khu công nghiệp và các dịch vụ đi kèm, điện, nước, giao thông vận tải, thông tin, logistics, nhà ở cho chuyên gia và người lao động...);

- Nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao, công nhân có tay nghề; 

- Công nghiệp hỗ trợ, phụ trợ nội địa phát triển.

CÁC NƯỚC TRONG KHU VỰC ĐÃ CÓ NHỮNG ĐỘNG THÁI GÌ ĐỂ THU HÚT VỐN FDI?

Qua nghiên cứu các công bố chính sách thu hút FDI gần đây của một số nước trong khu vực; có thể thấy Chính phủ các nước đang chủ yếu dùng 5 công cụ: 

- Thuế (như Indonesia có kế hoạch giảm thuế TNDN từ 25% về mức 23% năm 2021; Ấn Độ miễn thuế từ 4-10 năm cho các dự án đầu tư trong 1 số lĩnh vực ưu tiên);

- Đất đai (Indonesia cam kết dành 4000ha cho các nhà đầu tư; Ấn Độ tuyên bố sẽ tiếp nhận 1.000 nhà máy lớn, đã sẵn sàng đất đai và chuẩn bị mọi thứ cho điều này)

- Tổ công tác đặc biệt (Ấn Độ đã chọn ra 10 ngành chủ chốt để tập trung thúc đẩy sản xuất và chỉ thị đại sứ quán Ấn Độ ở các nước tiếp cận những công ty đang tìm nơi đầu tư…);

- Cam kết giữa các nhà lãnh đạo cấp cao về cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh (như Indonesia);

- Cung cấp gói hỗ trợ đào tạo công nhân lành nghề (Thái Lan);

- Có biện pháp tăng rào cản nhằm ngăn chặn tình trạng thâu tóm trong 1 số lĩnh vực (Mỹ, Nhật Bản, EU, Anh, Úc…).

VIỆT NAM CẦN LÀM GÌ ĐỂ BỨT TỐC TRONG CUỘC CHIẾN HÚT VỐN FDI?

Việc dịch chuyển đầu tư đã và đang diễn ra, và Việt Nam đang được đánh giá là một trong những quốc gia hấp dẫn thu hút sự dịch chuyển. Tuy nhiên, để tạo lợi thế và cạnh tranh với các nước trong khu vực trong thu hút vốn FDI này, theo đánh giá của IIP, Việt Nam cần thực hiện một số giải pháp như sau:

1. Về ngắn hạn (năm 2020):

- Tiếp tục kiểm soát tốt dịch bệnh, xây dựng kịch bản có làn sóng Covid-19 thứ hai;

- Sớm xây dựng và công bố chính sách thu hút dịch chuyển dòng vốn đầu tư; trong đó, cần nêu rõ lĩnh vực ưu tiên, địa phương ưu tiên (gắn với quy hoạch tổng thể, tránh cạnh tranh không lành mạnh giữa các địa phương);

- Rà soát toàn bộ các khu công nghiệp (KCN): các KCN cần ưu tiên mở rộng/ xây mới, các KCN cần thu hẹp, thu lại; công bố danh sách các KCN có quỹ đất sạch, Cơ sở hạ tầng sẵn sàng…v.v.;

- Rà soát, cập nhật, điều chỉnh phù hợp phân cấp phê duyệt đầu tư, tinh gọn quy trình, thủ tục về đầu tư nước ngoài, gắn với đẩy mạnh cải cách TTHC một cách thực chất; công bố qui định, qui trình một cách công khai, minh bạch;

- Đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện chiến lược, hành lang pháp lý cho phát triển kinh tế số, mô hình kinh doanh mới gắn với công nghệ số (lĩnh vực NĐT nước ngoài rất quan tâm);

- Có chính sách, gói hỗ trợ đào tạo nhân lực có tay nghề (nguồn tài trợ từ cả Trung ương và địa phương);

- Khẩn trương có biện pháp ngăn ngừa hình thức thâu tóm, đầu tư chui hoặc núp bóng (gắn với yêu cầu an ninh, quốc phòng và bất động sản);

- Tăng cường gặp gỡ trực tiếp giữa Lãnh đạo Chính phủ, bộ ngành, địa phương với các NĐT lớn để nắm rõ nhu cầu, tháo gỡ vướng mắc nhanh chóng; sớm vận hành hiệu quả Tổ công tác đặc biệt.

2. Về trung và dài hạn:

- Duy trì sự ổn định môi trường vĩ mô, nâng cao năng lực chống chịu của nền kinh tế đối với các cú sốc từ bên ngoài (nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia và DN, phát triển thị trường trong nước; tăng dự trữ ngoại hối, phát triển hệ thống tài chính, kiểm soát nợ xấu...) và luôn đảm bảo tính nhất quán, tính ổn định và tính phù hợp của các cơ chế, chính sách, nhất là các chính sách về đất đai, thuế, lao động, điều hành kinh tế vĩ mô (tỷ giá, lãi suất)... để các nhà đầu tư đầu tư nước ngoài yên tâm xây dựng kế hoạch đầu tư dài hạn tại Việt Nam;

- Có chiến lược dài hạn về cải thiện mạnh mẽ, thực chất môi trường đầu tư kinh doanh, từ đó có lộ trình thực hiện từng năm (thay vì làm từng năm như hiện nay); tiếp tục đẩy mạnh cải thiện mạnh mẽ, thực chất môi trường đầu tư - kinh doanh; đảm bảo yếu tố công khai, minh bạch; thủ tục hành chính cần được tiếp tục đơn giản hóa, thuận tiện, hiệu quả…;

- Đẩy mạnh đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng đồng bộ (KCN, điện, nước, hạ tầng GTVT, thông tin, logistics, dịch vụ đi kèm KCN...) và quyết tâm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực theo đánh giá và khuyến nghị của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) năm 2019;

- Đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, thu hút đầu tư mạnh mẽ hơn vào cả 3 lĩnh vực (công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ); thúc đẩy phát triển nhanh hơn công nghiệp hỗ trợ, phục vụ nhà đầu tư, doanh nghiệp hoạt động theo chuỗi trong và ngoài nước;

- Thực hiện hiệu quả Nghị quyết 58/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.

Chat qua zalo