Đà Nẵng chuyển hướng thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp

Sự chuyển hướng đầu tư, hoạt động nói trên ở các KCN đặt ra yêu cầu mới về giải pháp và chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, phát triển và thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về xây dựng và phát triển Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2045 là phải xây dựng Đà Nẵng thành trung tâm công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ.

Thu hút đầu tư công nghiệp ô-tô, logistics

Năm 2006, KCN Hòa Khánh mở rộng và KCN Liên Chiểu được giao cho Công ty CP Đầu tư Sài Gòn - Đà Nẵng (SDN) làm chủ đầu tư. Qua nhiều năm tích cực xúc tiến, hỗ trợ, thu hút đầu tư có chọn lọc, tại KCN Hòa Khánh mở rộng đang có nhiều nhà máy sản xuất linh kiện, phụ tùng, lắp ráp ô-tô, như: TCIE Việt Nam, TC Motor, Seto, Kamui…

Mới đây, ngày 3-4-2019, Công ty TNHH Phú Thuận Toàn trực thuộc Công ty Hao Hsing Investment Co.,Ltd (Đài Loan) ký kết hợp đồng tiếp nhận mặt bằng có diện tích 4,7ha tại KCN Hòa Khánh mở rộng để xây dựng nhà xưởng chế tạo, gia công ống xả ô-tô với tổng vốn đầu tư 7 triệu USD.

Đặc biệt, Hiệp hội Công nghiệp ô-tô Hàn Quốc (KAICA) với 270 công ty hội viên đã đến làm việc với chủ đầu tư của KCN Hòa Khánh mở rộng và KCN Liên Chiểu để tìm hiểu cơ hội hợp tác, đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất các sản phẩm liên quan đến ô-tô. Vừa qua, Công ty Vafi đã quyết định thuê 2,1ha đất tại KCN Hòa Khánh mở rộng để đầu tư nhà xưởng sản xuất và gia công bộ lọc dầu, bộ lọc không khí của ô-tô với tổng mức đầu tư 5 triệu USD.

Cùng với đó, KCN Hòa Khánh mở rộng cũng đã thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài đến đầu tư xây dựng nhà xưởng sản xuất thực phẩm, lắp ráp linh kiện điện tử, logistics, cho thuê nhà xưởng, đặc biệt là các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản như: Yusen Logistics, Logitem Việt Nam, Nippon Konpo… Đồng thời, nhiều nhà đầu tư Nhật Bản cũng đã đến tìm hiểu để đầu tư lĩnh vực sản xuất công nghiệp tiên tiến và dịch vụ hỗ trợ sản xuất như: Sanwa, Tokiwa, Shinko, Ito…

Hiện KCN Hòa Khánh mở rộng có tổng số vốn đăng ký đầu tư 258 triệu USD vốn FDI và 1.185 tỷ đồng vốn trong nước, tạo việc làm thường xuyên cho 3.240 lao động (DN FDI thu hút 2.920 lao động và DN trong nước thu hút 320 lao động) cùng hàng hàng ngàn lao động mùa vụ.

Trong năm 2018, doanh thu của các DN FDI tại KCN Hòa Khánh mở rộng là 68,4 triệu USD, nộp ngân sách hơn 27 triệu USD; doanh thu của các DN trong nước đạt 83,63 tỷ đồng, nộp ngân sách hơn 4 tỷ đồng. Còn tại KCN Liên Chiểu, hiện có tổng vốn đăng ký đầu tư của DN FDI là 70 triệu USD và DN trong nước là 8.109 tỷ đồng. Hiện các DN FDI chỉ tạo việc làm thường xuyên cho 150 lao động, còn DN trong nước là 7.720 lao động. Trong năm 2018, các DN FDI có doanh thu đạt 68,83 triệu USD, nộp ngân sách 10,16 triệu USD, còn các DN trong nước có doanh thu 4.353 tỷ đồng, nộp ngân sách 182,25 tỷ đồng.

Ông Trần Ngọc Điệp, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Sài Gòn-Đà Nẵng cho hay: “Trong những năm qua, mặc dù cả KCN Hòa Khánh mở rộng và KCN Liên Chiểu đều không thuộc KCN được hưởng ưu đãi đầu tư nhưng đã thu hút được nhiều nhà đầu tư quyết định đầu tư dự án thuộc ngành nghề công nghệ cao, công nghệ sạch và đã mang lại doanh thu, giá trị nộp ngân sách lớn.

Nhiều DN FDI cũng đã bày tỏ mong muốn đầu tư, đang thương thảo hợp đồng thuê đất để đầu tư công nghiệp công nghệ cao ở KCN Hòa Khánh mở rộng. Vì thế, thành phố cần nghiên cứu chính sách hỗ trợ, ưu đãi đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao tại các KCN hiện có để có thêm nhiều DN đầu tư vào lĩnh vực này; đồng thời, đẩy nhanh tiến độ giải tỏa đền bù, bàn giao mặt bằng cho SDN xây dựng hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, thu hút doanh nghiệp vào đầu tư”.

Chuyển hướng hoạt động

Ông Đinh Hiển, Giám đốc Công ty Phát triển và Khai thác hạ tầng KCN Đà Nẵng (Daizico) cho hay, hiện KCN Hòa Khánh và KCN Dịch vụ thủy sản Đà Nẵng đã lấp đầy diện tích với tổng cộng 187 DN đầu tư 199 dự án, trong đó có 29 DN FDI đầu tư 31 dự án có tổng vốn đầu tư 654,42 triệu USD; 158 DN trong nước đầu tư 168 dự án có tổng vốn đăng ký 7.703 tỷ đồng.

KCN Hòa Khánh được đầu tư xây dựng hơn 20 năm trước nhằm thu hút đầu tư các loại hình sản xuất như: may mặc, điện tử, sắt thép, cơ khí, hóa chất, vật liệu xây dựng, giấy, bao bì… KCN Hòa Khánh thu hồi đủ vốn đầu tư cho ngân sách Nhà nước trong 3 năm tới, trong khi thời gian còn thu tiền thuê lại đất là đến năm 2046 (28 năm).

KCN Hòa Khánh đang được chuyển hướng sang xây dựng KCN sinh thái, các DN hoạt động gây ô nhiễm môi trường, không hiệu quả và nợ tiền thuê đất lớn được khuyến khích chuyển sang sản xuất ngành nghề phù hợp, không gây ô nhiễm môi trường hoặc chuyển nhượng dự án cho DN có năng lực. Đồng thời, KCN Hòa Khánh triển khai các thủ tục để khởi kiện, thu hồi nợ tiền thuê đất hoặc thu hồi đất để bố trí cho DN phù hợp và có nhu cầu. Trong khi đó, KCN Dịch vụ Thủy sản Đà Nẵng hiện đã được thu hồi đủ vốn đầu tư. Từ năm 2016 đến nay, thành phố đã cho phép nhiều DN chuyển đổi ngành nghề từ dịch vụ thủy sản sang dịch vụ - thương mại.

Khu công nghiệp Hòa Khánh mở rộng được thu hút đầu tư lựa chọn công nghiệp ô-tô, công nghệ cao, logistics.

Tính đến cuối 2018, có 73 dự án đã đăng ký đầu tư vào KCN Hòa Cầm, trong đó có 6 dự án FDI và 67 dự án trong nước. Từ năm 2015 đến nay, các DN trong nước có doanh thu bình quân 492,2 tỷ đồng/năm, nộp ngân sách Nhà nước 28 tỷ đồng/năm; các DN FDI có doanh thu bình quân 44,44 triệu USD/năm, nộp ngân sách 1,72 triệu USD/năm… “Những năm gần đây, một số DN FDI đã sụt giảm quy mô hoạt động cũng như quy mô sử dụng lao động.

Trước đây, chúng ta chú trọng thu hút các DN vào đầu tư để giải quyết nhiều việc làm, nhưng đến nay, rõ ràng đã có sự thay đổi trong quan niệm thu hút đầu tư. Mặt khác, DN trong nước đang ngày càng thể hiện vai trò của mình, quy mô DN ngày càng phát triển, doanh thu lớn và nộp ngân sách cao. Định hướng phát triển KCN trong thời gian tới là phát triển theo chiều sâu, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động, chuyển dịch cơ cấu đầu tư bên trong KCN.

Thu hút đầu tư vào KCN chuyển hướng sang chọn lọc, ưu tiên các ngành nghề, lĩnh vực có hàm lượng công nghệ tiên tiến, thâm dụng vốn, thân thiện môi trường và các ngành nghề được xác định là mũi nhọn phát triển, có lợi thế, thay vì tập trung thu hút đầu tư nhằm lấp đầy KCN như trước đây”, ông Đinh Duy Chính, Giám đốc Công ty CP Đầu tư KCN Hòa Cầm cho biết.

Ông Lê Hoàng Đức, Phó Ban Quản lý Khu Công nghệ cao và các KCN Đà Nẵng (BQL) cho biết, hiện các KCN đã thu hút 575 dự án. Trong năm 2018, các dự án đóng góp cho ngân sách thành phố hơn 858.000 tỷ đồng. Theo ông Đức, trước đây, khi thu hút đầu tư vào KCN chỉ chú trọng về số lượng, phục vụ các DN giải tỏa di dời để chỉnh trang đô thị. Thời gian qua, BQL thường xuyên rà soát, đánh giá định kỳ năng lực hoạt động của các dự án trong KCN cũng như quỹ đất.

Cạnh đó, BQL cũng nghiên cứu, vận động chuyển đổi ngành nghề trong các KCN theo hướng sinh thái, công nghiệp sạch, phát triển công nghệ mới thay cho nhiều lao động. Với các KCN đang có dân cư “áp sát”, sẽ sắp xếp lại hoạt động của các dự án theo phân khu, trong đó, các ngành nghề có nguy cơ ô nhiễm sẽ được bố trí nơi phù hợp; các nhà máy sử dụng công nghệ cũ được khuyến khích, hỗ trợ đổi mới hoặc dần tiến đến ngừng thuê đất để ưu tiên các công nghệ sạch hơn…

Chat qua zalo