Đặc khu kinh tế: Động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế
Ngày:06/03/2020 01:57:58 CH
Lợi ích không địa giới
Gần 99% cử tri Vân Đồn được lấy ý kiến đồng ý với Đề án Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Vân Đồn, với con số tuyệt đối gần 30.000 người. Thông tin này được đăng tải trên Cổng thông tin UBDN Quảng Ninh chưa lâu. Cử tri Phú Quốc cũng nhất quán quan điểm ủng hộ đề án đặc khu.
Không khó lý giải sự ủng hộ gần như tuyệt đối này của người dân trong vùng đề án, nhất là khi chính họ đang hàng ngày nhìn thấy sự đổi khác, với đường xá, công trình xây dựng sân bay, nhà ga… Chỉ tính riêng Vân Đồn, trong 9 tháng đầu năm 2017, Vân Đồn đã đón 930.000 lượt khách, vượt qua con số 900.000 lượt khách của năm 2016. Con số khách du lịch 9 tháng của Phú Quốc cũng vượt chỉ tiêu cả năm.
Nhưng, trên hết, họ tin vào viễn cảnh phồn vinh khi Vân Đồn, Phú Quốc trở thành đặc khu.
Trong các đề án thành lập đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt, thu nhập bình quân đầu người vào năm 2020 tại Vân Đồn là 5.000 USD, Bắc Vân Phong là 4.000 USD, Phú Quốc dự kiến là 5.300 USD. Đến năm 2030, mức thu nhập tại các khu vực này tương ứng là 12.500, 9.500 USD và 13.000 USD.
Đặc khu sinh ra không phải để cạnh tranh thu hút nguồn lực với các địa phương khác trong cả nước. Chức năng của đặc khu là cạnh tranh và liên kết quốc tế với các đặc khu khác của thế giới và trong khu vực. Vì thế, phải xây dựng năng lực cạnh tranh vượt trội cho đặc khu theo chuẩn mực quốc tế ở đẳng cấp cao nhất. Thậm chí, công dân tại các đặc khu này cũng phải là công dân hạng nhất, như vậy mới cạnh tranh được với thế giới và thu hút các nhà đầu tư hàng đầu. PGS.TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam.
So với thu nhập bình quân đầu người của Vân Đồn năm 2016, 1.750 USD/người, các con số trên là giấc mơ chưa từng có. Nhưng, sẽ không chỉ người dân Vân Đồn, Bắc Vân Phong hay Phú Quốc được hưởng lợi khi các vùng đất này trở thành đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt với những lợi thế vô cùng lớn từ cơ chế, chính sách và mô hình tổ chức bộ máy…
“Lúc này, 3 đặc khu này sẽ là cực tăng trưởng mới của nền kinh tế”, PGS. TS Bùi Tất Thắng, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nhìn nhận.
Khi đó, Nhà nước sẽ thu được 3,3 tỷ USD từ thuế, phí và các nguồn thu từ đất. Tại Vân Đồn và Bắc Vân Phong, con số này lần lượt là 1,9 và 1 tỷ USD trong vòng 10 năm tới.
Các doanh nghiệp tại đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Phú Quốc dự kiến tạo giá trị gia tăng khoảng 19 tỷ USD trong giai đoạn 2017-2030, tại Bắc Vân Phong là 10 tỷ USD và tại Vân Đồn là 9,7 tỷ USD (giai đoạn 2021-2030).
Đương nhiên, động lực từ các cực tăng trưởng sẽ lan tỏa ra toàn nền kinh tế. Vấn đề là cơ chế kích hoạt.
Bài toàn chọn – bỏ
Trong hình dung của TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt hay còn gọi là đặc khu kinh tế sẽ là nơi thể hiện rõ nhất nền kinh tế thị trường tự do, hiện đại và hội nhập.
“Đây phải là nơi đầu tiên đón các dòng luân chuyển, như dòng người, dòng hàng, dòng vốn… tốt nhất, đón nhận các ý tưởng sáng tạo mới nhất trước khi các dòng chảy này tới nơi khác”, ông Cung nói.
Là người tham gia sâu các đề xuất tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, không ít lần ông Cung cho rằng, cho dù 30 năm đổi mới đã đưa nền kinh tế Việt Nam vào quỹ đạo phát triển chung của thế giới, nhưng tính thị trường trong nền kinh tế vẫn chưa được coi là yếu tố quyết định, nhất là trong phân bổ nguồn lực.
"Bộ máy của Nhà nước kiến tạo trong nền kinh tế thị trường hiện đại là phải vừa kéo, vừa đẩy doanh nghiệp, xã hội đi lên. Nhưng ở Việt Nam, bộ máy Nhà nước nhiều nơi, nhiều chỗ luôn tạo ra rào cản và lẩn tránh những vấn đề của mình", ông Cung nói.
Không phải ngẫu nhiên TS. Huỳnh Thế Du của Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright lại nhấn mạnh rất nhiều đến hai từ “dám làm” khi nói về sự thành công của các mô hình khu kinh tế ở Việt Nam.
Theo đó, mô hình khu chế xuất, khu công nghiệp được triển khai đầu những năm 1990 và cả các khu kinh tế sau này đã là “phòng thí nghiệm” cho một số chính sách mới và đã gặt hái được không ít thành công. Tuy nhiên, mô hình này gặp trục trặc và không còn là động lực phát triển của nền kinh tế khi những điểm mới, điểm tích cực đã không được thể chế hóa, thậm chí bị lu mờ bởi sự phức tạp trong tầng lớp thủ tục hành chính và nhiều quy định không phù hợp khác.
Thực tế những ý tưởng đột phá chính sách trở nên khó thực thi, thậm chí là không có môi trường phát triển khi bị bó buộc. TS. Nguyễn Sỹ Dũng cho rằng, thể chế không chỉ nói cách làm mà quan trọng là khuyến khích được sự sáng tạo, dám làm mà không “phải đầu hay phải tai” như hiện nay.
Hệ lụy là sự kém hiệu quả trong sử dụng nguồn lực của cả nhà nước và tư nhân trong các mô hình này. Nhưng, điều ông Cung vẫn nuối tiếc, đó là những cơ hội đầu tư – kinh doanh ở Việt Nam đang rất rộng mở, do là nền kinh tế đang phát triển, hội nhập mạnh mẽ, khác với những nền kinh tế đã phát triển ở trình độ cao... song lại chưa được kích hoạt, để tạo động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế.
“Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc chỉ là đặc khu kinh tế nếu được xây dựng thành nền kinh tế thị trường tự do, hiện đại và hội nhập. Việc xây dựng hệ thống thể chế cho 3 khu vực này phải có ý nghĩa sống còn, thay vì chỉ có những ưu đãi thuần túy về thuế, phí. Có nghĩa là đây phải là nơi rào cản phải ít nhất, môi trường thuận lợi nhất, an toàn nhất mà chi phí lại thấp nhất, nghĩa là nơi thị trường phát triển hoàn thiện nhất”, ông Cung thẳng thắn.
Điều này có nghĩa, mô hình đặc khu kinh tế sẽ là kích hoạt các cơ hội đầu tư – kinh doanh đang bị níu kéo bởi cơ chế chưa thực sự thị trường. Nhưng, đi cùng với mô hình này là sự chấp nhận thay đổi, thậm chí là buông bỏ rất lớn trong thể chế, trong tổ chức bộ máy... và quan trọng nhất là trong tư duy phát triển kinh tế.
“Đừng đề các nhà đầu tư, những người tài phải đổi mặt với thủ tục hành chính nhiêu khê, các rào cản về thực thi. Đừng đề các ý tưởng sáng tạo trong kinh doanh vướng vào các điều kiện kinh doanh hiện hữu”, ông Cung nhấn mạnh và cho rằng, nền kinh tế Việt Nam đã đến lúc phải tạo ra những điểm đột phá mới, tạo dựng nấc thang mới để bước lên giai đoạn phát triển cao hơn.
Nguồn: reatimes.vn