Đại sứ Israel: Việt Nam là một trong số ít quốc gia đạt điểm A trong 'bài kiểm tra thực tế Covid-19'
Ngày:29/12/2020 02:26:53 CH
Đại sứ Israel: Việt Nam là một trong số ít quốc gia đạt điểm A trong 'bài kiểm tra thực tế Covid-19'
2020 là năm gia hạn thời gian làm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Israel tại Việt Nam của ông Nadav Eshcar sau nhiệm kỳ 3 năm. Đại sứ này dự kiến tiếp tục gia hạn thêm 1 năm nữa vì còn rất nhiều mục tiêu muốn đạt được trong năm 2021 tại Việt Nam.
Nhiệm kỳ của các nhà ngoại giao Israel chỉ kéo dài 3 năm, nhưng ông đã đề nghị gia hạn thêm thời gian ở Việt Nam. Điều gì làm ông đưa ra quyết định này?
Tôi đã đề nghị gia hạn thời gian ở Việt Nam của mình sang năm thứ 4 và có lẽ tôi sẽ xin gia hạn thêm một năm nữa. Lý do rất đơn giản, Việt Nam là một nơi tuyệt vời và rất thú vị để làm việc. Tôi tận hưởng thời gian của mình và cũng có thể làm được rất nhiều việc tại đây. Cuộc sống của tôi ở Việt Nam cũng rất thuận tiện, đặc biệt là trong giai đoạn này – giai đoạn năm 2020 với rất nhiều biến động.
Với vai trò là Đại sứ Israel, ông thấy điều gì đặc biệt với Việt Nam trong năm 2020?
Đối với Việt Nam, điểm nổi bật trong năm rất rõ ràng: Chính phủ đã làm rất tốt vai trò của mình trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19. Hầu hết các quốc gia trên thế giới đang gánh chịu nhiều khó khăn, nền kinh tế nhiều nước phải đối mặt với tăng trưởng âm thì Việt Nam lại tránh được điều này.
Tôi cho rằng 2020 là năm Việt Nam chứng minh được năng lực của mình trên thế giới, khẳng định vị thế của mình trên trường quốc tế. Việt Nam là một trong số ít quốc gia đã ‘đạt điểm A’ trong ‘bài kiểm tra thực tế’ lần này.
Việt Nam và Israel đã thiết lập quan hệ ngoại giao được 27 năm và tiềm năng hợp tác giữa hai nước rất đa dạng trên nhiều lĩnh vực. Ông đánh giá thế nào về những thành quả hai nước đạt được trên lĩnh vực kinh tế trong thời gian qua?
Việt Nam và Israel là hai quốc gia rất xa nhau nên trong quá khứ, hầu như không có mối quan hệ nào được thiết lập giữa hai bên, bởi giao thông và liên lạc đều không được tốt như ngày nay.
Sau đó, chính xác là vào ngày 12/7/1993, Việt Nam và Israel đã thiết lập quan hệ ngoại giao. Kể từ thời điểm đó, tôi cho rằng mối quan hệ hai bên luôn phát triển với tốc độ nhanh đáng kể.
Nhìn chung thì mối quan hệ giữa hai nước liên tục phát triển. Về cơ bản, đây là sự kết hợp hoàn hảo giữa hai nền kinh tế. Việc hợp tác giữa hai quốc gia hoàn toàn mang tính chất bổ sung, chứ không phải là cạnh tranh nhau. Điển hình như Israel là một nước công nghệ, Việt Nam là trung tâm sản xuất các lĩnh vực như nông nghiệp, dệt may, điện thoại… Như vậy, hợp tác giữa hai nước sẽ hỗ trợ hoạt động sản xuất của Việt Nam ngày càng tốt hơn, đi lên về cả chất lượng và số lượng.
Đó là lý do hai bên đang rất tích cực trong việc đàm phán hiệp định thương mại tự do (FTA). Nếu được khởi động và đưa vào thực thi, đây sẽ là cú hích rất lớn cho cả hai nền kinh tế. Bởi khi ấy, việc đưa công nghệ của Israel vào Việt Nam cũng như xuất khẩu sản phẩm từ Việt Nam sang Israel sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.
Trong năm vừa qua, ông đã tham dự rất nhiều buổi làm việc tại nhiều tỉnh thành như Điện Biên, Cà Mau, Thái Nguyên… Ông thấy triển vọng hợp tác gì sau những buổi làm việc đó?
Chúng tôi không thể chỉ ngồi một chỗ mà hy vọng những cuộc hợp tác hiệu quả sẽ diễn ra. Nếu hai bên không biết gì về nhau thì làm sao có thể hợp tác được?
Chính vì thế, tôi đi nhiều nơi để cố gắng đưa hình ảnh của Israel đến mọi miền trên đất nước Việt Nam. Được trò chuyện với người dân ở nhiều nơi trên đất nước Việt Nam là điều mà tôi cảm thấy rất vinh dự, và cũng là nghĩa vụ của mình.
Mới đây, tôi đã đến Sơn La và Điện Biên để giới thiệu về các công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp, những phương pháp liên quan đến tưới tiêu, phân bón hay khí sinh học… Và chúng tôi nhận được rất nhiều sự quan tâm từ người dân địa phương.
Hiện nay, chúng tôi đang cố gắng để tạo sự liên kết giữa các doanh nghiệp và người nông dân tại các tỉnh, đồng thời cố gắng hỗ trợ nếu họ cần.
Tương tự, tại Cà Mau, chúng tôi cũng đã có buổi ký kết thỏa thuận hợp tác về kinh tế giữa doanh nghiệp hai bên. Điều này cũng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Israel làm việc tại đồng bằng song Cửu Long.
Khu vực này hiện nay cũng đang đối mặt với nhiều thách thức và cũng khiến người dân nơi đây gặp nhiều khó khăn, như xâm nhập mặn do ảnh hưởng của thủy triều ở biển, hay nhiều vấn đề khác về nước. Đây là những thách thức mà trước đây người dân Việt Nam chưa từng gặp phải.
Ngược lại, đối với người dân Israel, họ là những chuyên gia trong việc sản xuất nông nghiệp với nước nhiễm mặn, với tình trạng thiếu nước. Người Israel phải sống chung với thực tế này từ rất lâu rồi, vì nguồn nước tự nhiên khan hiếm và khủng hoảng nước sạch là một phần của cuộc sống.
Vì vậy, đây là cơ hội tuyệt vời để chúng tôi có thể chia sẻ những kinh nghiệm và thành tựu đạt được trong vấn đề này, từ đó có thể giúp người nông dân Việt Nam.
Vậy đâu là lĩnh vực mà hai bên sẽ tập trung hợp tác trong thời gian tới?
Bên cạnh nông nghiệp, Việt Nam và Israel cũng đã hợp tác rất nhiều trong các lĩnh vực khác, điển hình như an ninh mạng, quốc phòng, y tế, giáo dục, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo. Israel được mệnh danh là quốc gia khởi nghiệp và có mật độ tập trung các startup cao nhất thế giới.
Trước đó, Israel đã hợp tác với Hà Nội, Đà Nẵng để tổ chức chương trình huấn luyện nhằm hỗ trợ startup, và hiện nay chúng tôi đang thực hiện một dự án lớn tại TP. HCM. Theo đó, hai bên có thể thúc đẩy quá trình khởi nghiệp nhờ vào hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo ngày càng rộng lớn.
Hay hồi tháng 8, hai bên đã tổ chức hội thảo về Giáo dục STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học) và rất nhiều giảng viên từ hai nước đã đưa ra những góc nhìn vĩ mô trong việc thúc đẩy giáo dục STEM cũng như cách tiếp cận các nguồn học liệu. Tôi đánh giá cao những buổi làm việc như vậy bởi thực tế, có rất nhiều điều chúng ta có thể làm cùng nhau.
Tôi thấy rằng giáo dục là vấn đề then chốt tại mỗi gia đình của Việt Nam. Cha mẹ thường mong muốn con cái trở thành những học sinh giỏi hơn, và Chính phủ cũng đặt cuộc cách mạng 4.0 là nhiệm vụ trọng tâm trong chính sách của đất nước.
Đặc biệt hơn nữa, chuyển đổi số trong giáo dục Việt Nam thời gian qua đã diễn ra rất nhanh chóng, phần lớn nhờ Chính phủ thúc đẩy cũng như khả năng thích nghi cao của người dân. Đây là hai yếu tố chủ chốt quyết định tốc độ của mọi quá trình chuyển đổi.
Đâu là cơ hội và thách thức cho chuyển đổi số của Việt Nam trong nông nghiệp?
Cơ hội của Việt Nam đó là hầu hết các công nghệ cần thiết cho quá trình chuyển đổi số trong nông nghiệp đã tồn tại, hoặc được mang vào Việt Nam, hoặc là Việt Nam sản xuất. Tôi hy vọng rằng không lâu nữa, Việt Nam sẽ trở thành trung tâm công nghệ, thúc đẩy một số công nghệ mới. Trong tương lai, chúng ta sẽ thấy người Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ, từ nước ngoài và trong nước sẽ phát triển rất nhanh.
Công cuộc chuyển đổi số này vẫn chỉ đang ở giai đoạn đầu, vì vậy cơ hội của chúng ta là rất lớn.
Tuy nhiên, thách thức cũng rất nhiều. Chuyển đổi không bao giờ là dễ dàng. Đơn giản như việc chúng ta có công nghệ rồi, nhưng làm thế nào để thích ứng với công nghệ đó?
Khi thực hiện một cuộc cách mạng, chẳng hạn như cuộc cách mạng 4.0, không chỉ để giới thiệu công nghệ mới mà còn là cách đưa các công nghệ vào thực tiễn. Trong trường hợp này là lĩnh vực nông nghiệp.
Giả sử, một doanh nghiệp đang có công nghệ tuyệt vời để giải quyết một số vấn đề trong hoạt động nông nghiệp. Họ đến và nói với người nông dân rằng: "Cái này dùng rất dễ, và thu nhập sẽ tăng lên rất nhanh", thì tôi cá rằng người nông dân sẽ rất do dự, thậm chí không hề hứng thú.
Bởi vì người nông dân luôn tin vào những kinh nghiệm họ được truyền lại. Họ sẽ cho rằng: "Tại sao phải thay đổi, cách thức cũ vẫn đang rất tốt!".
Đó là thách thức về mặt tư duy, nhận thức.
Có hai nhân tố có thể giúp vượt qua thách thức này. Một là từ giáo dục, hai là từ sức mạnh của thị trường.
Ví dụ, nếu người dân bán cà phê cho doanh nghiệp, Nestlé chẳng hạn, thì họ sẽ phải tuân thủ theo những tiêu chuẩn của Nestlé, đi kèm với những đòi hỏi về công nghệ.
Điều này đòi hỏi cả một quá trình và để thực hiện thành công thì là một thách thức rất lớn.
Hiện nay, còn khá nhiều doanh nghiệp mơ hồ về khái niệm nông nghiệp công nghệ cao và điều này sẽ ảnh hưởng đến quyết định đầu tư. Vậy theo ông, làm thế nào để doanh nghiệp hiểu rõ và đưa ra quyết định đầu tư?
Trên thực tế, khoảng một nửa số vốn đầu tư vào công nghệ cao trong nông nghiệp hiện nay là từ các quỹ đầu tư mạo hiểm. Các quỹ đầu tư tin tưởng vào lĩnh vực này và họ nhìn thấy tiềm năng, do vậy họ quyết định đầu tư.
Về cơ bản, đầu tư công nghệ cao trong nông nghiệp để sản xuất thực phẩm, là những sản phẩm thiết yếu. Ai cũng cần phải ăn chứ. Do vậy, đầu tư vào công nghệ cao trong nông nghiệp đang và sẽ là một thị trường rất hấp dẫn.
Đó là thực tế ở Israel. Rất ít người thất bại trong việc đầu tư vào công nghệ cao trong nông nghiệp. Hơn một nửa số vốn đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao tại Israel là tư các nhà đầu tư nước ngoài (Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, châu Âu và thậm chí cả từ Việt Nam), nửa còn lại đến từ các quỹ đầu tư mạo hiểm.
Vì vậy tôi cho rằng chúng ta không cần lo lắng các doanh nghiệp sẽ ngần ngại khi đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao.
Chính phủ Việt Nam có thể áp dụng kinh nghiệm gì từ Israel trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển nông nghiệp công nghệ cao phát huy hết tiềm lực?
Tại Israel, người dân đã quen thuộc với chiếc máy HomeBiogas. Đây là máy phân hủy sinh học, có tác dụng biến rác thải thành năng lượng để nấu ăn. Đây là một sáng chế từ Israel được áp dụng rất rộng rãi trên toàn cầu.
Vậy Chính phủ Israel đã làm gì? Thực tế thì Chính phủ Israel đã áp dụng rất nhiều chính sách nhằm khuyến khích đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp công nghệ cao như giảm thuế, áp dụng ưu đãi với các sản phẩm thân thiện với môi trường…
Bên cạnh đó, ở Israel cũng có các Trung tâm Khuyến nông tại các tỉnh. Ví dụ về một địa phương trồng cà chua bi – nhân tiện thì đây là sáng chế của Israel (cười), sẽ được Trung tâm Khuyến nông hỗ trợ để tìm ra các giải pháp tối ưu trong việc trồng giống cà chua này.
Cà chua bi có một đặc điểm đặc biệt đó là bạn có thể kết hợp trồng bằng nước mặn và nước ngọt. Nhưng làm thế nào để người nông dân biết tỷ lệ thích hợp là bao nhiêu? Nếu họ phải tự làm các thí nghiệm để tìm ra tỷ lệ đúng, họ sẽ mất rất nhiều. Những người nông dân không có thời gian, tiền bạc cũng như sức lực cho việc đó.
Do vậy, các trung tâm khuyến nông đã thử nghiệm và đưa ra tỷ lệ đúng cho người dân. Điều này vừa tiết kiệm thời gian, sức lực và tiền bạc, cũng như thúc đẩy phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Tôi cho rằng, Chính phủ Việt Nam hoàn toàn có thể áp dụng những biện pháp này.
Cách đây 5 năm, Israel đã đưa ra chính sách "Xoay trục về châu Á", trong đó có ưu tiên phát triển quan hệ với Việt Nam. Vậy chính sách này sẽ tiếp tục được triển khai trong tương lai?
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã triển khai chính sách này và Việt Nam đang nổi lên là một đối tác quan trọng. Trước đây, hầu như các mối quan hệ quốc tế của Israel đều là châu Âu, thì những năm vừa qua Israel đã chuyển hướng sang Đông Á.
Tôi nghĩ rằng lý do thì rất đơn giản. Đây là xu hướng của toàn cầu, mọi người đều có thể thấy sự dịch chuyển đang dần sang khu vực Đông Á.
Vì vậy, đây là một chính sách tự nhiên và nên làm. Nó sẽ còn tiếp tục trong nhiều năm nữa, tôi chắc chắn.
Liệu sẽ có FTA (hiệp định thương mại tự do) giữa hai nước trong thời gian ngắn tới?
Có chứ. Tôi hy vọng rằng một thỏa thuận sẽ được ký kết sớm giữa hai bên, có thể trong vài tháng tới.
Vậy còn kế hoạch mở đường bay thẳng giữa Hà Nội và Tel Aviv?
Đây là điều mà chúng tôi đang cố gắng để biến thành hiện thực. Đại dịch đã khiến kế hoạch bị tạm dừng khá lâu. Hiện nay thì chúng tôi đang liên hệ với một số hãng hàng không và hy vọng rằng đến giai đoạn hậu Covid-19, kế hoạch sẽ tiếp tục được triển khai, bởi tiềm năng của nó rất lớn.
Với vai trò là Đại sứ Israel tại Việt Nam, mục tiêu của ông muốn đạt được trong năm 2021 là gì?
Trong năm 2021, tôi muốn thúc đẩy FDI, tôi muốn tiếp tục đàm phán về hiệp định thương mại tự do giữa hai bên, về kế hoạch bay thẳng giữa Hà Nội và Tel Aviv như đã đề cập trước đó.
Tôi hy vọng hợp tác nông nghiệp công nghệ cao giữa hai bên sẽ phát triển hơn nữa, cũng như phục hồi giữa hai nền kinh tế giai đoạn hậu Covid-19.
Cuối cùng, tôi hy vọng rằng Thủ tướng Việt Nam sẽ sang thăm Israel vào năm tới.