Đầu tư công sẽ là động lực chính cho tăng trưởng 2020
Ngày:09/03/2020 03:53:31 CH
Giải ngân vốn đầu tư công khởi sắc
Theo Bộ Tài chính, ước giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020 của các bộ, ngành, địa phương đến hết ngày 29/2 là hơn 34.749 tỷ đồng, đạt 7,38% kế hoạch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ giao. Trong tổng số hơn 34.749 tỷ đồng vốn đã giải ngân, vốn trong nước giải ngân đạt hơn 33.625 tỷ đồng; vốn nước ngoài đạt hơn 1.124 tỷ đồng.
Bộ Tài chính nhận định, mặc dù tiến độ giải ngân vốn 2 tháng tuy còn chậm so với yêu cầu (phải trên 10% dự toán), song có tiến bộ lớn so với cùng kỳ năm 2019, tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ cả về tiến độ và mức thực hiện.
Theo bà Mai Thị Thùy Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Đầu tư, Bộ Tài chính, một trong những nguyên nhân giúp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đó là các bộ, ngành, địa phương đã sớm phân bổ kế hoạch vốn. Bên cạnh đó, Luật Đầu tư công (sửa đổi) có hiệu lực từ năm 2020 phân cấp triệt để quy trình thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thẩm định (trừ chương trình, dự án thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ) cũng được cho là một trong những nguyên nhân khiến việc phân bổ, giải ngân vốn được cải thiện những tháng đầu năm nay.
Tuy vậy, dù tỷ lệ giải ngân 2 tháng đầu năm 2020 có cao hơn cùng kỳ năm 2019, song theo Bộ Tài chính, vẫn còn thấp do trong 2 tháng đầu năm hầu hết các bộ, ngành địa phương đang tập trung giải ngân kế hoạch vốn năm 2019 còn lại và triển khai công tác phân bổ kế hoạch, nhập dự toán chi cho các dự án được bố trí kế hoạch và do ảnh hưởng của dịch bệnh tác động.
Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020, Bộ Tài chính kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương rà soát, tổng hợp số vốn chưa đủ điều kiện giao kế hoạch năm 2020 của các bộ, ngành, địa phương báo cáo cấp có thẩm quyền bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 cho các bộ, ngành và địa phương làm căn cứ giao kế hoạch vốn năm 2020.
Đối với các bộ, ngành trung ương và địa phương, các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, Bộ Tài chính kiến nghị khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư theo quy định đối với dự án dự kiến sử dụng từ nguồn dự phòng chung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2016 - 2020 gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Đồng thời, tập trung chỉ đạo điều hành đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2020, chi tiết từng tháng cho các dự án làm cơ sở để điều hành.Những vướng mắc trong việc lập hồ sơ, thẩm định thiết kế kỹ thuật thi công; công tác mời thầu, đấu thầu dự án; công tác giải phóng mặt bằng… cần được tháo gỡ kịp thời.
Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương phải điều chỉnh kịp thời kế hoạch vốn các dự án không triển khai được hoặc chậm triển khai sang các dự án có khả năng giải ngân cao. Khẩn trương làm việc với Kho bạc Nhà nước về thủ tục kéo dài các dự án chưa giải ngân hết kế hoạch năm 2019, dự kiến kéo dài sang năm 2020; thu hồi vốn ứng trước kế hoạch ngay khi được giao kế hoạch vốn năm, đồng thời có biện pháp xử lý số dư tạm ứng hợp đồng quá hạn chưa thu hồi...
Động lực chính cho tăng trưởng
Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh khó khăn, giải ngân vốn đầu tư công được nhận định sẽ là một trong những động lực chính cho tăng trưởng năm nay, bên cạnh xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài.
Để đối phó với tác động tiêu cực của dịch COVID-19 tới hoạt động sản xuất, kinh doanh, ngay từ đầu năm, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành hữu quan đưa ra các giải pháp đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, nhất là nguồn vốn đầu tư công còn lại của năm 2019. Đồng thời, thúc đẩy tiến độ triển khai thực hiện các dự án đầu tư, đặc biệt là dự án, công trình trọng điểm như Dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, đường bộ cao tốc Bắc-Nam, Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Dự án Cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM...; giải quyết nhanh thủ tục đầu tư các dự án sử dụng vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài.
Khi nguồn vốn đầu tư công, vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài được đẩy mạnh giải ngân, sẽ kéo theo nguồn vốn đầu tư tư nhân, vốn đầu tư nước ngoài, là động lực để tăng trưởng kinh tế trong năm nay và những năm tiếp theo.
Theo nhận định của TS. Đặng Đức Anh, Phó giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, GDP năm nay sẽ chỉ tăng khoảng 6,76%, thấp hơn so với tốc độ tăng trưởng 7,02% của năm 2019 và 6,8% như mục tiêu Quốc hội đặt ra. Tuy vậy, để đạt được tốc độ tăng trưởng này, ngoài đẩy mạnh vốn đầu tư công, phải trông đợi vào nhiều động lực khác như xuất khẩu và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Do ảnh hưởng của COVID-19, nên thu hút vốn đầu tư nước ngoài năm nay được dự báo không mấy khả quan vì một số quốc gia đối tác chính đều bị ảnh hưởng nặng bởi dịch bệnh. Tuy nhiên, vẫn có điểm sáng là Việt Nam đã thu hút được một “siêu dự án” 4 tỷ USD. Đồng thời đang làm rất tốt công tác kiểm soát dịch. Với nỗ lực này, Việt Nam đang tạo ra tâm lý an toàn cho các nhà đầu tư và hoàn toàn có thể trở thành “ốc đảo” miễn dịch trong bối cảnh các quốc gia xung quanh đều đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh.
Bên cạnh đó, dù thương mại toàn cầu năm nay suy giảm mạnh do dịch COVID-19 khiến hoạt động xuất khẩu 2 tháng đầu năm bị tác động tiêu cực khi chỉ tăng 2,4%, nhưng đáng mừng xuất khẩu tháng 2/2020 đã phục hồi rất mạnh mẽ khi tăng tới 34% so với cùng kỳ năm 2019. Vì vậy, kim ngạch xuất nhập khẩu tháng 2 đã quay trở lại quỹ đạo xuất siêu 100 triệu USD, thay vì nhập siêu 276 triệu USD trong tháng 1/2020.
Với sự phục hồi tăng trưởng xuất nhập khẩu trong tháng 2, cộng với việc cắt giảm thuế quan khi thực hiện các hiệp định thương mại tự do như CPTPP và EVFTA, dự báo năm nay, xuất khẩu sẽ tăng trưởng khoảng 7,5%, nhập khẩu tăng trưởng 7,7% và cán cân thương mại thặng dư khoảng 10 tỷ USD.
“Nếu đạt được các mục tiêu trên, thì khả năng GDP năm nay tăng trưởng 6,76%. Tất nhiên, đây chỉ là dự báo, vì chưa thể biết trước được dịch COVID-19 sẽ diễn biến ra sao và hiệu quả của các chính sách hỗ trợ sản xuất, kinh doanh của Chính phủ nhằm đối phó với dịch COVID-19 sẽ đến đâu”, ông Đặng Đức Anh đánh giá.
Nguồn: nhadautu.vn