Đầu tư dự án Khu công nghiệp Gia Bình quy mô 306ha

Công ty TNHH MTV đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Bắc Ninh, một doanh nghiệp khá non trẻ và "ngủ đông" suốt từ khi thành lập, bất ngờ là chủ đầu tư dự án trị giá 2.500 tỷ đồng đang thu hút rất nhiều sự quan tâm của dư luận.

Chủ đầu tư "ngủ đông" từ khi thành lập

Thủ tướng Chính phủ vừa có quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng khu công nghiệp Gia Bình, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh.

Đây là dự án có quy mô khoảng 306 ha, được thực hiện tại 3 xã tại huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh gồm Đông Cứu, Lãng Ngâm và Đại Bái.

Tổng vốn đầu tư của dự án khoảng 2.578 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư là 390 tỷ đồng. Tiến độ thực hiện dự án không quá 36 tháng kể từ ngày được Nhà nước bàn giao đất. Thời gian hoạt động của dự án là 50 năm kể từ ngày được quyết định chủ trương đầu tư.

Chủ đầu tư dự án là Công ty TNHH MTV đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Bắc Ninh. Quyết định cũng nêu rõ UBND tỉnh Bắc Ninh chịu trách nhiệm về việc đề xuất lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đáp ứng điều kiện theo quy định của pháp luật về đầu tư, đấu thầu, đất đai, kinh doanh bất động sản và pháp luật khác có liên quan...

Theo tìm hiểu của VietnamFinance, Công ty TNHH MTV đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Bắc Ninh (viết tắt là KCN Bắc Ninh) là một doanh nghiệp khá non trẻ, được thành lập vào đầu tháng 5/2018. Trụ sở chính ban đầu ở số 18 đường Âu Cơ, thị trấn Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.

Tài liệu mà VietnamFinance có được cho thấy, cổ đông sáng lập của KCN Bắc Ninh là Công ty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ Phú Hưng, một đơn vị lâu năm trong lĩnh vực xây dựng và cho thuê nhà xưởng tại các khu công nghiệp miền Bắc, như Hưng Yên, Bắc Ninh, Hải Phòng, Quảng Ninh...

Trên thông tin đăng ký doanh nghiệp, Phú Hưng dự chi 150 tỷ đồng để thành lập pháp nhân mới này, tuy nhiên đến hết năm 2018, Phú Hưng mới chỉ rót gần 1 tỷ đồng. Người đại diện kiêm giám đốc khi đó là doanh nhân Vũ Thị Thu, sinh năm 1974 và cũng là bà chủ của Phú Hưng.

Đến nay, bà Thu đã nhường ghế lại cho người bạn đồng niên là ông Bùi Thọ Khang, đồng thời đại bản doanh được chuyển về số 32 đường Lê Văn Thịnh, thị trấn Gia Bình.

Về tình hình kinh doanh, khá bất ngờ khi những năm qua KCN Bắc Ninh dường như không hoạt động. Với cơ cấu nhân sự chỉ 5 thành viên, doanh nghiệp không phát sinh bất kì doanh số và lợi nhuận nào trong giai đoạn 2018 và 2019.

Tài sản cũng không có gì ngoài vốn góp chủ sở hữu, cuối năm 2018 là 770 triệu đồng và tăng lên 390 tỷ đồng vào năm kế tiếp.

Việc một doanh nghiệp khá non trẻ, "ngủ đông" suốt kể từ khi thành lập bất ngờ trở thành chủ đầu tư một dự án trị giá hơn 2.500 tỷ đồng chắc hẳn sẽ khiến không ít người lo lắng về tiến độ và sự hiệu quả... mà chịu trách nhiệm đề xuất chọn lựa ở đây chính là UBND tỉnh Bắc Ninh.

Bóng dáng Capella Group của chủ tịch VietABank

Như đã đề cập phía trên, sau khi được thành lập với số vốn thực góp ít ỏi, KCN Bắc Ninh đã được Phú Hưng âm thầm sang nhượng vào năm 2019. Pháp nhân mới nắm giữ 100% vốn lúc này là Công ty Cổ phần Bất động sản Capella (Capella Land), thành viên nằm trong hệ sinh thái Công ty TNHH Capella Group, đã và đang thuộc sở hữu của doanh nhân quê Bắc Ninh Phương Hữu Việt, hay còn được biết đến với cương vị chủ tịch VietABank.

Còn ông Khang, người kế nhiệm bà Thu ở KCN Bắc Ninh đang là người đại diện tại Công ty TNHH đầu tư Capella Bắc Giang, Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Đô thị và Khu công nghiệp Nhân Hòa và Công ty TNHH Đầu tư Đoan Bái... Nhóm doanh nghiệp này đều là chủ đầu tư của các dự án khu công nghiệp quy mô lớn và rất lớn phía Bắc.

Nói thêm về Capella Group, đây là pháp nhân được thành lập vào tháng 7/2015, vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng và hoạt động dưới sự điều hành của ông Việt. Mặc dù vị chủ tịch VietABank đã thoái vốn khỏi Capella Group vào tháng 4/2018, song dường như đó chỉ là động thái "buông rèm nhiếp chính" bởi sau nhiều lần thay đổi cơ cấu sở hữu, cổ đông lớn nhất nắm 98% vốn Capella Group đến tháng 7/2020 là ông Nguyễn Văn Trọng, người đứng đầu ban điều hành VietABank và là một trong những cánh tay phải của chủ tịch VietABank.

Đến nay, số vốn này tiếp tục được ông Trọng sang nhượng cho ông Nguyễn Vĩnh Huy, người từng là chủ tịch HĐQT Capella Group.

Với vai trò trung tâm, Capella Group điều hành và quản lý nguồn vốn tại hàng loạt các doanh nghiệp thành viên quan trọng của hệ sinh thái ông Việt, trong đó nổi bật là Capella Land, công ty mẹ của KCN Bắc Ninh.

Tương tự ở dự án 2.500 tỷ đồng (KCN Bắc Ninh), thông qua Capella Land, Capella Group trước đó đã nghiễm nhiên trở thành chủ đầu tư của hàng loạt dự án tầm cỡ, sau khi rót vốn mua cổ phần chi phối các doanh nghiệp dự án.

Trong đó, có thể kể đến các dự án như khu công nghiệp Thanh Liêm với quy mô 293ha, của chủ đầu tư Công ty TNHH Đầu tư Capella Hà Nam; khu công nghiệp Tam Thăng II (103ha) của Công ty Cổ phần Capella Quảng Nam; cụm công nghiệp Nham Sơn - Yên Lư (75ha) của Công ty TNHH Đầu tư Capella Bắc Giang; khu công nghiệp Nhân Hoà - Phương Liễu (45ha) và khu công nghiệp An Việt - Quế Võ 6, của Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Đô thị và Khu công nghiệp Nhân Hòa.

Xuất hiện dày đặc ở các khu công nghiệp phía Bắc là vậy, thế nhưng khá bất ngờ khi kết quả kinh doanh của Capella Group rất ảm đạm. Doanh thu và lợi nhuận không tương xứng với những khoản vốn "khủng" được rót vào...

Chat qua zalo