Đầu tư kiểu mỳ ăn liền, “nhiều doanh nghiệp FDI coi Việt Nam là nơi gia công đơn giản”

GS. Kenichi Ohno nhận định, nhiều doanh nghiệp FDI hài lòng với lao động tay nghề thấp giá rẻ và không sẵn sàng đầu tư vào nguồn nhân lực trình độ cao vì họ chỉ coi Việt Nam là nơi gia công đơn giản.

Việc phát triển phụ thuộc vào khu vực FDI lại bộc lộ nhiều điểm yếu

Doanh nghiệp đầu tư vào những ngành “mỳ ăn liền”

Theo GS. Kenichi Ohno, Giáo sư danh dự Viện nghiên cứu chính sách quốc gia Nhật Bản (GRIPS), khi nghiên cứu về sự phát triển của các quốc gia châu Á đã chỉ ra rằng, trong khi Nhật Bản, Hàn Quốc phát triển dựa trên sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế sang ngành chế biến, chế tạo và phát triển khoa học công nghệ thì Việt Nam, Thái Lan và Indonesia lại phát triển dựa trên thu hút nguồn vốn FDI và ODA.

Thực tế, kể từ đầu những năm 2000, năng suất lao động của khu vực FDI giảm đáng kể. Điều này, là do sự xuất hiện của nhiều doanh nghiệp FDI đầu tư vào công nghiệp nhẹ sử dụng nhiều lao động đơn giản như: May mặc, giày dép, lắp ráp điện tử...thay vì cơ khí, khai thác mỏ hoặc công nghệ thông tin.

“Nhiều doanh nghiệp FDI coi Việt Nam là nơi thực hiện các quy trình đơn giản hơn là thiết kế, sản xuất công nghệ cao. Nguyên nhân là do các doanh nghiệp FDI hài lòng với lao động tay nghề thấp giá rẻ và không sẵn sàng đầu tư vào nguồn nhân lực trình độ cao”, GS. Kenichi Ohno nhận định.

Vị chuyên gia này cũng cho rằng, từ chiến lược của các doanh nghiệp FDI đã phản ánh sự thất bại của Việt Nam trong việc đào tạo số lượng lớn các nhà khoa học, kỹ sư, kỹ thuật viên có năng lực... những yếu tố cần thiết cho việc nâng cấp công nghệ. 

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức chia sẻ, Nhật Bản hay Hàn Quốc trở thành những cường quốc trên mọi lĩnh vực đều nhờ vào nguồn nhân lực “chất lượng vàng” trong nước và lấy khoa học, công nghệ làm điểm tựa để đi lên. Việt Nam cũng có đầy đủ yếu tố để phát triển nhanh hơn nữa, mạnh hơn nữa, nhưng đáng tiếc là chúng ta đã từng bỏ lỡ cơ hội.

Ông Đức cho rằng, ngay cả các doanh nghiệp nội địa và tuyệt đại đa số doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đều không tập trung vào nghiên cứu phát triển (R&D) để sáng chế và sở hữu công nghệ lõi, công nghệ nguồn, mà đều tập trung vào gia công ở khâu hạ nguồn trong lĩnh vực chế biến, chế tạo; bất động sản, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm...

“Nói nôm na, doanh nghiệp đầu tư vào những ngành “mỳ ăn liền”, ăn xổi, tranh thủ các cơ chế, chính sách ưu đãi, các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là nguồn nhân công giá rẻ”, ông Đức cho hay.

Cần chú trọng phát triển kinh tế tư nhân

Ở một góc nhìn khác, GS Kenichi Ohno cho biết, trình độ phát triển của một quốc gia đến từ ba yếu tố: Sự năng động của khu vực tư nhân, chất lượng chính sách và các nhân tố bên ngoài.

Trong đó, sự năng động của khu vực tư nhân là nhân tố quan trọng quyết định trình độ phát triển của quốc gia, các yếu tố bên ngoài có vai trò quan trọng nhưng tác động sẽ giảm đi theo thời gian do suy thoái kinh tế toàn cầu, khủng hoảng tài chính, khủng bố, chiến tranh, thảm họa tự nhiên...

Cùng với đó, chất lượng chính sách cũng đặc biệt quan trọng trong việc tăng cường tính năng động của khu vực tư nhân và quản lý các yếu tố bên ngoài. Chất lượng chính sách yếu kém là nguyên nhân chính của các vấn đề do tăng trưởng gây ra trong dài hạn bao gồm cả bẫy thu nhập trung bình.

Mặc dù Việt Nam đạt nhiều thành công về tăng trưởng trong những năm 1990, 2000 và 2010, song chất lượng chính sách vẫn chưa được cải thiện, hỗ trợ chính sách cho doanh nghiệp trong nước chưa đủ.

“Để đối phó với vấn đề này, Việt Nam cần nâng cao năng lực lãnh đạo quốc gia và các nhà kỹ trị kinh tế. Đồng thời, cần tích cực thúc đẩy công nghệ và đổi mới với ít quan liêu hơn”, GS. Kenichi Ohno khuyến nghị.

Trình độ phát triển của một quốc gia đến từ ba yếu tố: Sự năng động của khu vực tư nhân, chất lượng chính sách và các nhân tố bên ngoài.

Cùng quan điểm, TS. Nguyễn Đình Cung, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cũng cho rằng, đã hơn 30 năm kể từ khi đổi mới, các động lực tăng trưởng cũ đang yếu dần và nếu không có động lực mới hoặc làm mới các động lực cũ thì rất khó để bứt phá.

“Có một điều đáng buồn là khi nhìn ở mặt bằng chung doanh nghiệp tư nhân trong nước yếu thế toàn diện so với doanh nghiệp FDI. Không chỉ hội nhập yếu, mà yếu cả năng lực cạnh tranh ngay trên sân nhà”, ông Cung bày tỏ.

Điều này phần nào khiến kinh tế Việt Nam vẫn phải phụ thuộc rất nhiều vào khu vực đầu tư nước ngoài. Vì vậy, quan trọng nhất là cần chú trọng khuyến khích phát triển khu vực kinh tế tư nhân, trong đó tập trung vào các tập đoàn tư nhân lớn.

 

Chat qua zalo