Đến năm 2050, Bình Phước sẽ lột xác thành tỉnh công nghiệp
Ngày:22/04/2020 01:51:04 CH
Đến năm 2030, Bình Phước trở thành tỉnh công nghiệp, quy mô GRDP đứng trong nhóm 15 tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước. Đến năm 2050, trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, phát triển toàn diện, bền vững.
Thủ tướng Chính phủ vừa có Quyết định 518/QĐ-TTg phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, theo đó, mục tiêu lập quy hoạch tỉnh Bình Phước phát huy mọi tiềm năng, lợi thế, nguồn lực và yếu tố con người để đưa Bình Phước phát triển nhanh, toàn diện và bền vững.
Thành phố Đồng Xoài - Bình Phước
Đến năm 2030, Bình Phước trở thành tỉnh công nghiệp, quy mô GRDP đứng trong nhóm 15 tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước; đến năm 2050, trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, phát triển toàn diện, bền vững.
Quyết định nêu rõ việc lập “Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” phải kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bình đẳng giới, giảm nghèo, nâng cao mức sống vật chất, thụ hưởng văn hóa, tinh thần của người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Đồng thời sử dụng hợp lý, hiệu quả đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; chú trọng công tác dân tộc, dân vận, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Bảo tồn, phát huy không gian văn hóa, bản sắc riêng của từng dân tộc trong nền văn hóa Việt Nam.
Đặc biệt, một trong những mục tiêu lập quy hoạch đặt ra là cụ thể hóa quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng ở cấp tỉnh về không gian các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, hệ thống đô thị và phân bố dân cư nông thôn, kết cấu hạ tầng, phân bổ đất đai, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường trên cơ sở kết nối quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn.
Đồng thời, sắp xếp, phân bố không gian các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh gắn với phát triển kết cấu hạ tầng, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường trên địa bàn để sử dụng các nguồn lực phục vụ mục tiêu phát triển cân đối, hài hòa, hiệu quả và bền vững trong thời kỳ quy hoạch.
Đáp ứng yêu cầu phát triển của các ngành, lĩnh vực quan trọng; đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường, quản lý tài nguyên, bảo tồn đa dạng sinh học, thích ứng với biến đổi khí hậu, quốc phòng, an ninh.
Trên thực tế, Bình Phước là tỉnh có lợi thế rất lớn so với các tỉnh, thành vùng Đông Nam Bộ. Tỉnh có quỹ đất rộng, khí hậu ôn hòa, ít khi xảy ra lụt bão. Đặc biệt, Bình Phước có cốt nền cao ráo, phù hợp cho phát triển công nghiệp – đô thị.
Hiện toàn tỉnh Bình Phước đã có 13 khu công nghiệp với tổng diện tích gần 4.700 ha đã được phê duyệt, 5/11 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động có đã lấp đầy 100%, hàng loạt khu công nghiệp mới đang chuẩn bị được đầu tư, mở rộng…
Toàn tỉnh đã thu hút được 230 dự án đầu tư nước ngoài với tổng số vốn đăng ký trên 2,4 tỉ USD; vốn đầu tư trong nước đạt hơn 80 ngàn tỉ đồng. Đây là những con số ấn tượng nói lên sự hấp dẫn của Bình Phước đối với các nhà đầu tư trong thời gian qua.
Chia sẻ "bí quyết" trong thu hút đầu tư, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền cho biết, cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động các cơ quan nhà nước liên quan đến đất đai, đầu tư, xây dựng, thuế, hải quan... là nhiệm vụ quan tâm hàng đầu hiện nay của tỉnh.
“Tất cả vì mục tiêu giải quyết thủ tục hành chính nhanh nhất, thông thoáng nhất cho các nhà đầu tư khi đến với Bình Phước”, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước cho biết.
Song song đó, tỉnh có Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Hoa Lư giáp Campuchia, là một trong những khu kinh tế được kỳ vọng sẽ mở ra nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư đón đầu xu hướng phát triển của khu vực.
Đáng chú ý, Dự án cao tốc nối Thành phố Hồ Chí Minh đến huyện Chơn Thành của Bình Phước có chiều dài hơn 70km vừa được Bộ Giao thông Vận tải chấp thuận chủ trương đầu tư. Có con đường cao tốc này sẽ tạo cầu nối biến Chơn Thành sớm trở thành trung tâm công nghiệp lớn của tỉnh. Đồng thời là trung tâm trung chuyển logistics đến cảng nước sâu, nhanh chóng đưa Bình Phước trở thành tỉnh công nghiệp hóa.
Trên những cơ sở đó, Bình Phước quyết tâm đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển đô thị. Tỉnh phát huy vai trò của cơ quan xúc tiến đầu tư để mời gọi doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực như: Du lịch - dịch vụ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp chế biến, công nghiệp phụ trợ...
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu, về nội dung lập quy hoạch cần đảm bảo tính liên kết, đồng bộ, khai thác và sử dụng hiệu quả hệ thống kết cấu hạ tầng hiện có giữa các ngành và các vùng liên huyện, các địa phương trên địa bàn tỉnh; xác định cụ thể các khu vực sử dụng cho mục đích quân sự, quốc phòng, an ninh ở cấp tỉnh, liên huyện và định hướng bố trí trên địa bàn cấp huyện.
Xây dựng và cụ thể hóa các quan điểm chỉ đạo về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm công bằng xã hội, an sinh xã hội, chú trọng thúc đẩy phát triển các khu vực có điều kiện khó khăn, đặc biệt khó khăn và bảo đảm sinh kế bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân; phân bổ, khai thác và sử dụng hợp lý, hiệu quả đất đai, tài nguyên thiên nhiên gắn với bảo tồn các giá trị lịch sử - văn hóa, di sản thiên nhiên cho các thế hệ hiện tại và tương lai.