Di dời cơ sở công nghiệp ra khỏi khu dân cư: Đến 2020 sẽ di dời 117 cơ sở
Ngày:06/03/2020 02:39:06 CH
Đã có biện pháp, lộ trình di dời nhà máy công nghiệp, trường học
Vừa qua, Bộ Xây dựng đã có văn bản trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Quảng Bình gửi tới Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV liên quan đến việc di dời các nhà máy công nghiệp, trường đại học ra khỏi khu dân cư.
Theo ý kiến của cử tri tỉnh Quảng Bình, hiện nay, mật độ dân số và chất lượng không khí ngày càng trở nên đáng báo động ở các đô thị lớn như Thủ đô Hà Nội, TP.HCM. Đặc biệt, thời gian gần đây, vụ cháy Nhà máy bóng đèn - phích nước Rạng Đông càng làm dấy lên mối lo ngại về các nhà máy trong khu dân cư; tình trạng ách tắc giao thông ngày càng trở nên trầm trọng.
Trước thực trạng đó, cử tri đề nghị Chính phủ chỉ đạo, rà soát di dời các nhà máy công nghiệp, các trường đại học ra khỏi khu dân cư; đồng thời kiên quyết hạn chế cấp phép xây dựng khu dân cư trong khu vực nội đô; sử dụng đất đã di dời các nhà máy, trường đại học thành công trình công cộng như công viên, cây xanh. Chính phủ cần phát động chủ trương xây dựng đô thị “xanh” trong cả nước”.
Về vấn đề này, Bộ Xây dựng cho biết, đã có biện pháp, lộ trình di dời các nhà máy công nghiệp, trường đại học.
Theo đó, trên cơ sở Quy hoạch chung TP. Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được phê duyệt, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 130/QĐ-TTg ngày 23/01/2015 về biện pháp, lộ trình di dời và việc sử dụng quỹ đất sau khi di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan, đơn vị trong nội thành Hà Nội. Hiện nay, các Bộ, ngành và UBND TP. Hà Nội đang tích cực triển khai thực hiện Quyết định số 130/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Kết quả cụ thể đối với công tác di dời cơ sở công nghiệp và cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp như sau:
Về công tác di dời cơ sở công nghiệp, theo báo cáo của UBND TP. Hà Nội, UBND TP đã thành lập Ban chỉ đạo công tác di dời, xây dựng danh mục, đề xuất nguyên tắc phân nhóm tiêu chí, thứ tự di dời theo các giai đoạn trên địa bàn 12 quận nội thành và xác định lộ trình đến năm 2020 sẽ di dời tổng số 117 cơ sở.
Về công tác di dời cơ sở giáo dục đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chưa hoàn thành việc lập đề án để làm cơ sở xác định danh mục, tiêu chí, lộ trình và biện pháp di dời các cơ sở giáo dục đào tạo, giáo dục dạy nghề cần phải di dời. UBND TP. Hà Nội đã bố trí 279,5ha cho các khu trường đại học tập trung tại Hòa Lạc. Ngoài ra, nhiều trường đại học đã lập quy hoạch và cơ sở 2 tại các địa phương trong vùng Thủ đô Hà Nội (Hà Nam, Hưng Yên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc).
Cũng theo Quyết định số 130/QĐ-TTg, quỹ đất sau khi di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp, cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp được ưu tiên để xây dựng, phát triển các công trình công cộng, cây xanh, bãi đỗ xe, công trình hạ tầng xã hội và kỹ thuật đô thị; không làm tăng chất thải cho khu vực nội thành, đảm bảo cân bằng nhu cầu về hạ tầng xã hội, kỹ thuật và môi trường đô thị, không được sử dụng để xây dựng chung cư cao tầng sai quy hoạch như kiến nghị của cử tri tỉnh Quảng Bình đã nêu.
Tuy nhiên, trên thực tế, việc triển khai thực hiện Quyết định số 130/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ còn chậm và gặp khó khăn do nguồn vốn thực hiện công tác di dời và xây dựng cơ sở mới chưa được bố trí và chưa có phương án xã hội hóa; chưa xây dựng cơ chế chính sách về tài chính phù hợp để khuyến khích, khai thác quỹ đất sau di dời có hiệu quả.
Đề xuất phương án sử dụng quỹ đất sau khi di dời được cụ thể hóa trong quy hoạch
Bộ Xây dựng cho biết, hiện nay, tại một số khu vực trong các đô thị lớn, việc kiểm soát xây dựng nhà cao tầng còn thiếu chặt chẽ, chưa tuân thủ quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết và quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc. Những hạn chế này đã dẫn tới việc gia tăng dân số, quá tải về hạ tầng, gây ùn tắc giao thông, gia tăng ô nhiễm môi trường như cử tri phản ánh.
Để giải quyết các tồn tại trên cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các Bộ ngành và UBND các địa phương. Cụ thể, trong thời gian tới, Bộ Xây dựng cho biết sẽ tập trung thực hiện các giải pháp:
Một là hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về xây dựng trong công tác quản lý, triển khai thực hiện theo quy hoạch.
Hai là phối hợp với UBND TP. Hà Nội, TP.HCM, các Bộ ngành và UBND các tỉnh trong vùng Thủ đô, vùng TP.HCM có liên quan trong quá trình thực hiện việc di dời cơ sở công nghiệp, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Thứ ba là kiểm tra, hướng dẫn các địa phương trong tổ chức lập, triển khai thực hiện quy hoạch xây dựng và quy hoạch đô thị.
Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng đề xuất cần từng bước hình thành hệ thống đô thị xanh trên cả nước.
Theo đó, thời gian qua, Bộ Xây dựng đã phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành: Quyết định số 84/QĐ-TTg ngày 19/1/2018 về Kế hoạch phát triển đô thị tăng trưởng xanh đến năm 2030. Bộ Xây dựng đã ban hành Quyết định số 820/QĐ-BXD về Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 84/QĐ-TTg ngày 19/1/2018 của Thủ tướng Chính phủ.
Bộ Xây dựng cho biết, sẽ tiếp tục phối hợp các Bộ, ngành, UBND các địa phương tích cực thực hiện các nhiệm vụ giải pháp được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 84/QĐ-TTg, phấn đấu từng bước hình thành hệ thống đô thị xanh trên cả nước.
Nguồn: reatimes.vn