Địa điểm sôi động tiếp theo của BĐS công nghiệp phía Nam sẽ là tỉnh nào?
Ngày:14/12/2021 05:16:08 CH
Khi mà Bình Dương hay Đồng Nai dần trở nên “chật chội” hơn thì các nhà đầu tư BĐS công nghiệp sẽ tìm kiếm những địa phương đáp ứng tốt các yêu cầu thay thế.
Đó là khẳng định của ông David Jackson, Tổng giám đốc Colliers Việt Nam. Khi mà Bình Dương hay Đồng Nai dần trở nên "chật chội" hơn thì các nhà đầu tư BĐS công nghiệp sẽ tìm kiếm những địa phương đáp ứng tốt các yêu cầu thay thế. Xét trên nhiều phương diện, theo vị chuyên gia này, La Gi (Bình Thuận) nhiều khả năng sẽ là ứng viên sáng giá cho "ngôi vị" này.
Thực tế là vừa có nhiều dự án xây dựng các khu công nghiệp được ký kết, hứa hẹn mang đến những khoản đầu tư trị giá hàng tỷ USD cho La Gi. Có thể kể ra những dự án nổi bật như khu công nghiệp - dịch vụ - đô thị Becamex VSIP Bình Thuận tại Hàm Tân và La Gi với tổng vốn đầu tư 18.840 tỷ đồng được Tổng công ty Becamex IDC và Tổng công ty VSIP hợp tác phát triển; dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp Tân Đức nằm tại thị xã La Gi và Hàm Tân với tổng vốn đầu tư 1.200 tỷ đồng được Công ty Cổ phần Sonadezi Bình Thuận triển khai.
Với "trợ lực" từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã được ký kết cùng nhiều yếu tố thuận lợi khác, Việt Nam sẽ tiếp tục là điểm đến của nhiều tập đoàn quốc tế lớn, thúc đẩy nhu cầu BĐS công nghiệp và để đáp ứng nhu cầu đó, các địa phương giàu tiềm năng như Bình Thuận sẽ là điểm đến phù hợp và hấp dẫn.
Theo ông David Jackson, Bình Thuận nằm không quá xa Tp.HCM và lại đang được đầu tư giao thông rất đồng bộ và hiện đại. Dự án giao thông quan trọng bậc nhất hiện nay là cao tốc Long Thành – Dầu Giây và thị xã La Gi là địa phương nằm ngay cửa ngõ trước khi tuyến cao tốc này chạy qua các khu vực khác của cả tỉnh.
Việc La Gi được định hướng trở thành thành phố trực thuộc tỉnh, đóng vai trò quan trọng trong khu vực kinh tế phía Nam của tỉnh này và sẽ liên kết với Bà Rịa – Vũng Tàu để thúc đẩy phát triển liên vùng càng giúp địa phương này có thêm điều kiện thu hút đầu tư. Bình Thuận nói chung và La Gi nói riêng quanh năm có khí hậu nắng ấm, nền đất vững chãi. Ngoài tiện lợi về giao thông đường bộ, Bình Thuận cũng có cảng quốc tế trong khi sân bay Phan Thiết đã được khởi công xây dựng, chắp thêm "cánh" cho hạ tầng giao thông nơi đây.
Xu hướng "ly tâm" của BĐS công nghiệp, phát triển ra các tỉnh "mới" với hoạt động này giúp giảm bớt áp lực cho các địa bàn "truyền thống" như Bình Dương, Đồng Nai ở phía Nam hay Bắc Ninh, Hải Phòng ở phía Bắc. Đồng thời, khả năng là việc có thêm nhiều khu công nghiệp mới sẽ khiến giá thuê BĐS công nghiệp không quá "nóng", tiếp tục giúp Việt Nam có thêm lợi thế để thu hút doanh nghiệp nước ngoài. Ở phía Bắc, một số địa phương "mới nổi" ở phân khúc này như Thanh Hóa, cũng sẽ giúp nhà đầu tư khu công nghiệp có thêm các lựa chọn về địa bàn, giá thuê.