Dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc: Làm thế nào Việt Nam vượt được Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ để đón sóng?

Dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc: Tại sao chưa chắc Việt Nam vượt được Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ để đón sóng?

Hiệp hội công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) cho biết công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam hầu như không đáp ứng được việc chuyển giao sản xuất, mua hàng của các tập đoàn đa quốc gia có ý định tìm kiếm nguồn cung mới bên ngoài Trung Quốc.

Báo cáo của VASI gửi Bộ KHĐT đánh giá chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ tiếp tục khó khăn, do các nền kinh tế lớn tiêu thụ sản phẩm chế tạo đều có thể còn rất lâu mới hoạt động ổn định trở lại. Do đó, việc phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu sẽ làm cho nhiều công ty công nghiệp hỗ trợ phải đóng cửa.

Theo VASI, có thông tin và nhận định cho rằng, sau đại địch này, các công ty đa quốc gia có thể chuyển sản xuất hoặc mua hàng từ Trung Quốc sang các quốc gia thứ 3, và đây là cơ hội tốt của Việt Nam.

Tuy nhiên, VASI cho biết đến thời điểm này, các doanh nghiệp hội viên nhận được rất ít thông tin lạc quan từ thị trường. Một vài công ty sản xuất linh kiện nhựa và cơ khí nhận được thêm đơn hàng từ khách hàng tại Việt Nam, do việc cung ứng từ Trung Quốc khó khăn trong thời gian trước. Tuy nhiên, ngay khi Trung Quốc phục hồi sản xuất thì các đơn hàng thêm này đã giảm dần và sẽ dừng hẳn.

Theo VASI, thực tế, việc chuyển sản xuất, mua hàng sang quốc gia thứ 3 ngoài Trung Quốc, đã được các công ty trong mạng lưới sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia tìm kiếm từ vài năm trở lại đây. VASI và các doanh nghiệp hội viên đã tiếp rất nhiều các khách hàng như vậy.

Tuy nhiên, Hiệp hội này nhấn mạnh: CNHT của Việt Nam hầu như không đáp ứng được các yêu cầu để đáp ứng việc chuyển giao. Trong khi đó có nhiều quốc gia có lợi thế hơn hẳn Việt Nam trong việc nhận chuyển giao này, như: Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Ấn độ…

VASI cho rằng có 3 nguyên nhân chính của thực trạng trên.

Thứ nhất, quy mô doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam rất nhỏ (trung bình là dưới 200 lao động, máy móc ít, có vài dây chuyền, trình độ quản lý dừng ở mức này), nên chỉ đáp ứng được các đơn hàng nhỏ và linh kiện rời, chỉ một vài công ty có thể sản xuất cả cụm linh kiện. Trong khi khách hàng chuyển từ Trung Quốc luôn cần sản lượng rất lớn/sản phẩm phải là cụm linh kiện hoàn chỉnh.

Thứ hai, số lượng doanh nghiệp đạt yêu cầu về chất lượng rất ít (chỉ khoảng 1000 công ty, so với Trung Quốc là hàng trăm ngàn). Để có thể tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu với sản phẩm là cụm linh kiện hoàn chỉnh, chuỗi phải đầy đủ công đoạn, như thế cần có nhiều doanh nghiệp đảm nhận các khâu.

Việc chia nhỏ này cũng góp phần cạnh tranh về giá. Hiện tại với nhiều hạng mục hoàn thiện, doanh nghiệp Việt Nam phải gửi sang Thái Lan/Trung Quốc gia công rồi gửi về, làm chi phí cao thêm.

Cuối cùng, vấn đề khó khăn nhất hiện nay là ngay cả khi đã đạt về chất lượng và chủng loại sản phẩm, doanh nghiệp Việt Nam rất khó cạnh tranh về giá so với Trung Quốc.

Theo VASI, chi phí cao đến từ lãi vay ngân hàng cao (trong khi doanh nghiệp FDI tại Việt Nam vay theo hệ thống ngân hàng của họ chỉ 1-2%/năm), thuế và phí các loại cao (không có ưu đãi gì), chi phí không chính thức cao, khấu hao nhiều, sản xuất chưa tinh gọn nên lãng phí không tận dụng hết năng lực, thiếu nhiều công đoạn gia công, công nghiệp phụ trợ phải nhập khẩu hầu hết đầu vào.

Mặt khác, các hỗ trợ của Chính phủ về đất đai, công nghệ, vốn, nhân lực chỉ tồn tại trên chính sách, hầu như doanh nghiệp không tiếp cận được, không hiệu quả, hoặc rất ít. Nếu so với các hỗ trợ mà công nghiệp hỗ trợ ngành chế tạo được chính phủ Trung Quốc hỗ trợ (cũng như các quốc gia khác như Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia, Indonesia) thì doanh nghiệp Việt Nam quá thiệt thòi – VASI cho biết.

Xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng của các tập đoàn lớn cũng đem lại cơ hội mới cho nhiều quốc gia. Dù có những lợi thế nhất định, Việt Nam vẫn chỉ là một trong những tay đua trong cuộc chạy đua thu hút đầu tư ngoại. 

Gần như chắc chắn một số sẽ rời khỏi Trung Quốc nhưng cũng chỉ ở mức giới hạn vì Trung Quốc có lợi thế cạnh tranh đáng kể so với các quốc gia khác. Câu hỏi lớn nhất đối với Việt Nam là làm sao xây dựng được năng lực hiệu quả để thu hút những chuyển dịch đó của chuỗi cung ứng. 

Theo ông Đoàn Duy Hưng - Tổng Giám Đốc IIP VIETNAM : Để tối ưu hóa cơ hội trước mắt, Việt Nam cần cải thiện hạ tầng công nghệ cũng như kỹ năng của lực lượng lao động. Ông cho rằng sự chuyển dịch chuỗi sản xuất sẽ đem lại nguồn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) đáng kể cho Việt Nam. FDI mang lại cả những “tác dụng phụ” có lợi đối với doanh nghiệp nội. Tuy nhiên, Việt Nam cần đảm bảo FDI được sử dụng một cách bền vững. Điều đó có nghĩa là FDI không nên chỉ phục vụ mục đích tạo ra tăng trưởng kinh tế cân bằng, mà còn phải củng cố được nguồn vốn xã hội và hỗ trợ việc quản lý môi trường. 

"Bên cạnh việc lôi kéo đầu tư từ nước ngoài, Việt Nam cần chăm chút cho cả sự phát triển của nền công nghiệp nội địa. Ông cho rằng đây là điều rất quan trọng vì phụ thuộc quá nhiều vào đầu tư ngoại là cách làm không bền vững. Việt Nam nên nỗ lực thu hút những doanh nghiệp công nghệ tiên tiến như Google và Microsoft, đồng thời tận dụng tất cả lợi thế từ những hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký trong những năm qua, bao gồm Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam (EVFTA) và Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)." Ông Đoàn Duy Hưng - Tổng Giám Đốc IIP VIETNAM bày tỏ quan điểm.

Chat qua zalo