Dịch vụ phụ trợ trong các khu công nghiệp: "Mỏ vàng lộ thiên” chưa được khai phá

Phát triển KCN, CCN không chỉ nhằm thu hút vốn đầu tư, tạo công ăn việc làm mà còn là ngành kinh doanh sinh lời lớn nếu biết cung cấp thêm các dịch vụ khác, dòng tiền chảy vào KCN sẽ dồi dào hơn.

Sau 3 thập kỷ phát triển, hiệu quả mà các KCN, CCN mang lại cho nền kinh tế cả nước nói chung và các địa phương nói riêng là không thể phủ nhận. Để có thể níu chân nhà đầu tư, khiến họ gắn bó với các KCN, bên cạnh các chính sách thu hút đầu tư, các KCN, CCN cũng cần chủ động có các phương án để tối ưu nguồn thu từ loại hình bất động sản quan trọng này.

Các KCN, CCN tại Việt Nam đang bỏ ngỏ mảng dịch vụ phụ trợ

Bắt đầu từ mong muốn đồng hành cùng doanh nghiệp

Sau khi khảo sát một số ý kiến của chủ đầu tư KCN, có một thực tế rằng các chủ đầu tư vẫn đang coi cho thuê KCN đơn thuần chỉ là cho thuê mặt bằng, nhà xưởng cùng một số các dịch vụ về giải quyết giấy tờ, thủ tục. Ngoài ra, những mảng như dịch vụ phụ trợ, hỗ trợ công việc sản xuất, vận hành của các doanh nghiệp thì chưa được quan tâm đúng mức. Ở nhiều nước phát triển, nhiều KCN cũng đã triển khai dịch vụ tương tự. 

Dự án Circular Economy Centre (2018-2019) do Sitra tài trợ nhằm xây dựng các KCN xanh tại Phần Lan đã chỉ ra rằng, các KCN này sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí về cơ sở hạ tầng, xử lý rác thải, năng lượng, sản xuất, logistics. Chi phí được tiết kiệm nhờ các doanh nghiệp chia sẻ dịch vụ bảo trì, cơ sở, tập huấn, mua sắm. Nhờ đó, việc vận hành KCN sẽ giảm tác động tiêu cực đến môi trường cũng như tăng doanh thu của doanh nghiệp. 

Hướng dẫn quốc tế về khu công nghiệp của Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hiệp Quốc (UNIDO) đã dẫn một số mô hình quản lý KCN. Trong đó, tại Colombia, các KCN cũng được cho thuê như một hình thức kinh doanh bất động sản. Tuy nhiên, ngoài việc cung cấp hạ tầng, điện nước, nhiều công ty quản lý cũng thúc đẩy sự hợp tác giữa các doanh nghiệp trong KCN để mang lại lợi ích chung. 

Mặc dù mô hình khác nhau nhưng có thể thấy, các doanh nghiệp có nhu cầu nhận được sự hỗ trợ từ chủ đầu tư KCN là hiện hữu. Thậm chí, đây còn được coi là một tiêu chuẩn của việc vận hành KCN. Do đó, tại Việt Nam, nếu các chủ đầu tư KCN có thể tích hợp thêm các dịch vụ hỗ trợ khác thì có thể nâng tầm vị thế của môi trường kinh doanh tại Việt Nam trong mặt các doanh nghiệp quốc tế. 

Chủ đầu tư KCN nên làm gì để bổ sung thiếu sót này?

Vấn đề này được một số chủ đầu tư KCN đưa ra nhằm tìm được phương hướng triển khai các dịch vụ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp. Theo ông Đỗ Huy Dũng, Giám đốc Tài chính công ty HT Việt Nga - Chủ đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa, các chủ đầu tư có thể tiếp cận theo hướng đơn giản từ những dịch vụ thông thường như sửa chữa kỹ thuật cho các cơ sở, nhà máy. 

Trong đó, chủ đầu tư KCN có thể cung cấp riêng một đội chuyên thực hiện nhiệm vụ này và sẵn sàng đáp ứng khi các doanh nghiệp có nhu cầu. Như vậy thay vì mỗi công ty lựa chọn một đối tác sửa chữa khác nhau, họ sẽ có đầu mối đáng tin cậy và gần gũi hơn từ chủ đầu tư, nhờ đó tăng mức độ tín nhiệm của doanh nghiệp với nhà cung cấp dịch vụ.

Các doanh nghiệp nước ngoài luôn cần sự hỗ trợ của chủ đầu tư KCN, CCN từ quản lý nhân lực đến các dịch vụ, sản phẩm phụ trợ

Ngoài ra, ông Đỗ Huy Dũng cũng nhấn mạnh, trong quá trình sản xuất hàng hóa, các doanh nghiệp luôn cần đến các sản phẩm như thùng carton, bao bì, túi giấy để đóng gói sản phẩm. Đây đều là những sản phẩm phổ biến và chủ đầu tư KCN, CCN hoàn toàn có thể trở thành đầu mối cung cấp những vật liệu này nhằm tiết kiệm thời gian tìm kiếm đối tác, ký kết hợp đồng, thanh toán của các doanh nghiệp. Đặc biệt, vì nhu cầu của các sản phẩm này khá thường xuyên nên chủ đầu tư KCN hoàn toàn có thể sở hữu nguồn doanh thu đều đặn, bền vững từ các khách hàng của KCN. 

Bên cạnh đó, các KCN, CCN trên cùng địa bàn cũng có thể liên kết với nhau để cùng tạo ra một hệ thống vận hành. Từ đó kết nối doanh nghiệp giữa các bên và giúp các doanh nghiệp tiếp cận với nguồn dịch vụ có sẵn tại địa phương. Nếu có thể thực hiện được mục tiêu này, các KCN, CCN tại Việt Nam có lẽ sẽ tiệm cận với tầm cao mới, phù hợp với bối cảnh ngày càng nhiều tập đoàn lớn của thế giới dịch chuyển về nước ta. 

Nếu làm tốt khâu này, các chủ đầu tư hoàn toàn có thể thành công khi mở nhà máy sản xuất trên chính mặt bằng của mình. Doanh nhân Huỳnh Uy Dũng cũng đã lấn sân sang lĩnh vực sản xuất găng tay, khẩu trang, dụng cụ y tế,...và được sản xuất tại KCN Sóng Thần - một trong những tài sản của doanh nhân này. Nhờ đó, chủ đầu tư KCN, CCN có thể tối ưu doanh thu và trở thành nhà cung ứng những sản phẩm này cho địa phương mình. 

Sắp tới đây, nếu ý tưởng thành lập Hiệp hội Bất động sản công nghiệp Việt Nam trở thành hiện thực, quy tụ các chủ đầu tư KCN, CCN trên cả nước sẽ tạo đà cho những bước chuyển mình mới của KCN, CCN tại Việt Nam. Và các dịch vụ, sản phẩm phụ trợ của KCN, CCN sẽ là mảng lớn để khai thác.

Có lẽ đây chính là lúc các chủ đầu tư KCN, CCN hướng tới những giá trị cao hơn hạ tầng bất động sản, đó là dòng lợi nhuận bền vững cùng dấu ấn khó phai trong lòng các nhà đầu tư nước ngoài. 

Hiện tại, một số KCN, CCN cũng đã có những bước tiến mới trong các dịch vụ chăm sóc doanh nghiệp quốc tế. Hy vọng rằng trong tương lai không xa, các KCN, CCN Việt Nam sẽ trở nên đa năng hơn để tiếp tục là những “thỏi nam châm” thu hút vốn đầu tư từ khắp nơi trên thế giới.

Chat qua zalo