Điểm tựa phục hồi nền kinh tế trong bối cảnh mới

Sáu vấn đề cần lưu ý trong bối cảnh mới gồm: Tác động không đồng đều của đại dịch, những cơ hội mới từ các nền tảng số, phát triển hạ tầng năng lượng, đầu tư vào ngành chăm sóc sức khoẻ, xu hướng sắp xếp lại chuỗi cung ứng toàn cầu, sản xuất hàng xuất khẩu tận dụng EVFTA và RCEP.

Kinh tế toàn cầu đang ở trong một trạng thái bình thường mới

Toàn cầu đã sắp bước qua một năm 2020 với đầy giông bão do đại dịch Covid-19 gây nên. Chưa ai biết trước được thời điểm đại dịch sẽ chấm dứt nhưng rõ ràng, nền kinh tế toàn cầu đã bước vào một trạng thái bình thường mới có không ít thử thách và cả cơ hội. 

Trong đó, với việc ghi nhận kinh tế tăng trưởng dương trong năm nay, Việt Nam đang thể hiện khả năng phục hồi mạnh mẽ hơn hầu hết nền kinh tế tương tự khác; triển vọng của nền kinh tế trong giai đoạn trung và dài hạn vẫn được đánh giá tích cực. Việt Nam có thể được hưởng lợi từ các xu hướng thương mại, đầu tư và sản xuất toàn cầu.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhìn nhận, ba chân kiềng của nền kinh tế Việt Nam vẫn được giữ vững gồm: đổi mới thể chế mạnh mẽ; hội nhập vẫn đang thúc đẩy và đẩy mạnh công cuộc chuyển đổi số. Nhờ đó, đáp ứng được các yêu cầu về ổn định, tăng trưởng và kết nối.

Tuy nhiên, lãnh đạo VCCI chỉ ra rằng, vẫn còn đó rất nhiều khó khăn. Hàng loạt doanh nghiệp phải đóng cửa do không thể trụ vững qua "cơn bão" Covid, doanh nghiệp vẫn chưa thể phục hồi, hàng triệu lao động chưa có việc làm...

Việt Nam là một nền kinh tế hội nhập rất sâu và rộng với nhiều đối tác đầu tư, thương mại, du lịch chủ chốt như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU, Hoa Kỳ,… Các đối tác này đã và đang phải hứng chịu ảnh hưởng của dịch bệnh rất nặng nề, tăng trưởng kinh tế giảm sâu.

Theo quan điểm của ông Vũ Tú Thành, Phó giám đốc điều hành khu vực của Hội đồng kinh tế Hoa Kỳ - ASEAN, đây là giai đoạn vô cùng khó khăn đối với cả nền kinh tế và doanh nghiệp. Nhưng càng khó khăn, càng phải cầm cự và duy trì "năng lượng" để vươn lên mạnh mẽ khi khủng hoảng qua đi.

6 vấn đề cần lưu ý

Đánh giá về xu hướng và hướng đi mới sau đại dịch Covid-19, ông Thành cho biết, có sáu vấn đề cần lưu ý gồm: Tác động không đồng đều của đại dịch, những cơ hội mới từ các nền tảng số, phát triển hạ tầng năng lượng, đầu tư vào ngành chăm sóc sức khoẻ, xu hướng sắp xếp lại chuỗi cung ứng toàn cầu, sản xuất hàng xuất khẩu tận dụng Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

Ông Vũ Tú Thành, Phó Giám đốc điều hành khu vực của Hội đồng kinh tế Hoa Kỳ - ASEAN

Trong đó, tác động không đồng đều của đại dịch được thể hiện về y tế và kinh tế. Châu Âu và Hoa Kỳ là những đối tác lớn của Việt Nam đang chịu tác động nặng nề nhất. 

Châu Á có sức chống chịu tốt hơn mà khu vực ASEAN là một điểm sáng, trong đó có Việt Nam. Tác động không đồng đều còn thể hiện ở việc các doanh nghiệp lớn thường bị ảnh hưởng nhiều hơn với nguyên lý "thuyền to sóng cả".

Kinh tế Internet là một điểm sáng trong năm nay khi Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng 5% trong khu vực ASEAN. Trong đó, một loạt nhóm hàng tăng trưởng mạnh liên quan đến thương mại điện tử như may mặc, hàng điện tử và thực phẩm. Những mảng như cho vay hay dịch vụ giáo dục, giải trí, nội dung số cũng tăng mạnh.

Xét về quy mô nền kinh tế Internet, Việt Nam đang được đánh giá ở mức 14 tỷ USD, ngang ngửa Thái Lan và chỉ xếp sau Indonesia. Nhìn sâu vào bức tranh này sẽ thấy, lượng khách hàng tăng đột biến từ 30-50%, đây là con số mà các ngành kinh doanh mơ ước.

Một ưu thế khác là đa số khách hàng đến từ khu vực thành thị, với những ưu điểm về sức mua, cơ sở hạ tầng với nền tảng công nghệ tốt, cùng mức thu nhập bình quân cao,... 

Trong tương lai, nếu đại dịch vẫn còn tiếp tục, giao dịch Internet sẽ còn tăng"nóng" với các nhóm ngành tiêu biểu như gọi xe điện tử, giao nhận thức ăn, tài chính ngân hàng,...

Riêng dịch vụ tài chính số, Việt Nam tăng trưởng ấn tượng nhất trong khu vực, cụ thể là ứng dụng internet trong ngân hàng. Dự báo trong tương lai gần, các nhóm ngành mà đầu tư nước ngoài sẽ đổ tiền vào gồm lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ và một số dịch vụ khác như phát triển hạ tầng, năng lượng, đòi hỏi nguồn đầu tư lớn.

"Chúng ta cần tận dụng hội nhập kinh tế quốc tế và sắp xếp lại cung ứng toàn cầu, đặc biệt không quên tập trung đầu tư hơn nữa vào lĩnh vực thương mại điện tử đang thắp sáng bức tranh kinh tế hiện nay", ông Vũ Tú Thành nhấn mạnh tại "Diễn đàn kinh tế 2021: Điểm tựa phục hồi, phát triển kinh tế".

Bà Vũ Thị Thuận, Chủ tịch HĐQT Traphaco bày tỏ, trong thời gian qua, ngành dược gặp khó khăn khi tổng cầu giảm, người dân chỉ mua những sản phẩm cần thiết. Tuy nhiên, bà Thuận cho biết, Traphaco vẫn hoàn thành kế hoạch, thậm chí vượt mức doanh thu so với cùng kỳ năm trước từ 12-13%.

Bà Vũ Thị Thuận, Chủ tịch HĐQT Traphaco

Đáng chú ý, doanh nghiệp này đã áp dụng công nghệ số trong triển khai vận hành và mang lại sự chuyển đổi nhanh chưa từng thấy trước đây. Đó là thành quả của một sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ trước.

"Không ai có thể nói trước điều gì cho đến khi khó khăn ập đến, nền tảng thực sự quan trọng, liên tục đổi mới sáng tạo trong hoạt động sản xuất kinh doanh và quản trị tốt hơn. Cuối cùng là văn hoá doanh nghiệp, dù là cơ quan nhà nước hay doanh nghiệp, đoàn kết mới là sức mạnh và cần phát huy trong chặng đường dài", bà Thuận nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Vân, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Hà Nội (Hansiba) cho biết, Việt Nam đứng trước nhiều cơ hội đón nhận dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang dịch chuyển cũng như tăng tính bền vững cho chuỗi kết nối. Tuy nhiên, nút thắt lớn nhất là chưa tham gia sâu vào ngành công nghiệp chế biến - chế tạo khi ngành này đang đi sau so với các quốc gia khác trong khu vực.

Với việc 13 hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương đã có hiệu lực, RCEP mới được ký kết và hai FTA đang được đàm phán, Việt Nam là một trong những nền kinh tế mở nhất thế giới, tạo ra cơ hội lớn để phát triển chuỗi cung ứng mới.

Để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, ông Vân cho rằng cần hai yếu tố là đào tạo nhân lực chất lượng cao và hạ tầng kết nối. Ngoài ra, theo ông Vân, các bộ ngành địa phương xác định ưu tiên chiến lược, tạo khung chính sách, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; nâng cao vai trò của các Hội.

Đáng chú ý, trong bối cảnh hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Việt Nam đang trên đà phát triển mạnh mẽ với các nguồn lực đã sẵn sàng cho doanh nghiệp, Viện trưởng Viên nghiên cứu và phát triển doanh nghiệp (INBUS) Nguyễn Mạnh Quân cho biết, quỹ đổi mới khởi nghiệp quốc gia thành lập nhiều năm nay vẫn chưa hoạt động được, các doanh nghiệp chưa thể tiếp cận do điểm nghẽn cơ chế.

"Các chính sách từ chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa được thực thi, bản thân doanh nghiệp thậm chí không biết để tiếp cận. Nhiều doanh nghiệp cho biết chi phí thời gian, nỗ lực để tiếp cận các gói này là rất lớn, lớn hơn nhiều so với việc hiệu quả từ các nguồn hỗ trợ này", ông Quân nói.

Trong khi đó, ông Quân cho biết, nhiều cơ quan không biết dựa vào đâu để hỗ trợ doanh nghiệp. Do đó, theo ông, chất lượng hỗ trợ cần được bàn tới, cần khảo sát để nắm rõ nhu cầu, mong muốn của doanh nghiệp.

Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, chính sách hỗ trợ cần được tuyên truyền sâu rộng vì nhiều doanh nghiệp không biết về các chính sách hỗ trợ của địa phương.

"Tôi đi hơn chục tỉnh và thấy rằng nhiều doanh nghiệp không biết về các chính sách hỗ trợ của Chính phủ. Tại sao lại như vậy? Qua quá trình tiếp xúc, tôi thấy rằng việc tuyên truyền phổ biến của nhiều địa phương về các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ còn nhiều hạn chế", ông Nguyễn Hồng Long, Phó trưởng ban chuyên trách Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp nhấn mạnh.

Ngoài ra, vấn đề thanh, kiểm tra doanh nghiệp cũng cần phải lưu tâm. Ông cho rằng nhiều tỉnh tập hợp lại tất cả vấn đề thanh tra để làm một cách tổng thể, tránh tình trạng thanh tra rải rác làm khó doanh nghiệp. Với việc này, nhiều nơi như Quảng Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên… đang làm rất tốt.

Chủ tịch Traphaco cũng bày tỏ: "Dược phẩm là ngành kinh doanh có điều kiện khắt khe, chúng tôi cần Nhà nước hoạt động nhanh hơn, mạnh hơn cùng sự chuyển động của doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp về thời gian, chính sách,... Doanh nghiệp cần tăng sức đề kháng trước đại dịch chưa có hồi kết".

Cho biết ngay trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn, nhiều doanh nghiệp đã khẳng định rằng "không cần tiền, chỉ cần thể chế, cơ chế", Chủ tịch VCCI nhấn mạnh, cùng với việc tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp bằng tài khoá, tín dụng luôn mang tính hữu hạn thì những nỗ lực khơi thông thị trường, cải cách thể chế, cắt giảm thủ tục luôn là vô hạn và là động lực lớn nhất cho sự phát triển.

"Xếp hạng về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của Việt Nam tại ASEAN chưa được thay đổi nhiều, cho thấy chúng ta có nhiều dư địa. Tôi tin rằng việc dỡ bỏ rào cản, nâng cao sự cạnh tranh của môi trường kinh doanh, huy động nguồn lực xã hội sẽ là nguồn lực lớn nhất cho sự phát triển. Đây chính là động lực cho phát triển và chính là gói giải pháp quan trọng nhất", Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.

Chat qua zalo