Điện Biên: Tạo quỹ đất “sạch” để thu hút đầu tư
Ngày:18/02/2020 01:48:24 CH
ĐBP - Xác định công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) là một trong những “nút thắt” trong quá trình thu hút đầu tư, thời gian qua UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo nhiều giải pháp tháo gỡ, nhằm kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh.
Quỹ đất “sạch” là quỹ đất đã được Nhà nước thu hồi đất, thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, GPMB theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được phê duyệt. Trong quá trình “trải thảm đỏ” kêu gọi đầu tư, việc tạo dựng quỹ đất “sạch” được đánh giá là yếu tố quan trọng hàng đầu. Thế nhưng, thực tế thường gặp ở tỉnh ta là khi triển khai các dự án thường thiếu quỹ đất “sạch”, nên hầu hết các dự án khi thực hiện đều phải bắt đầu từ khâu áp giá, đền bù, GPMB. Nhiều dự án không có mặt bằng “sạch” hoặc GPMB chậm đã ảnh hưởng lớn đến tiến độ, hiệu quả của dự án.
Dự án Khu đô thị mới Nam Thanh Trường, tại phường Thanh Trường, (TP. Ðiện Biên Phủ) và xã Thanh Hưng (huyện Ðiện Biên) được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư từ tháng 12/2011. Ðây là một trong những dự án trọng điểm, song tiến độ thực hiện chậm, đến năm 2018, UBND tỉnh tiếp tục phê duyệt quy hoạch điều chỉnh. Một trong những nguyên nhân là do vướng mắc công tác GPMB khiến dự án bị chậm tiến độ và làm ảnh hưởng đến đời sống người dân. Trách nhiệm được xác định thuộc về UBND TP. Ðiện Biên Phủ và UBND huyện Ðiện Biên. Mới đây nhất, để đẩy nhanh tiến độ GPMB, Sở Tài nguyên và Môi trường đã có Tờ trình 236/TTr-STNMT ngày 28/8/2019, trình UBND tỉnh phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với các tổ chức và hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất bị thu hồi đất để thực hiện dự án. Tổng giá trị bồi thường, hỗ trợ gần 60 tỉ đồng. Tờ trình ghi rõ: Công ty TNHH Ðầu tư thương mại và Dịch vụ Hoàng Anh (đơn vị thi công) có trách nhiệm ứng trước kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo phương án đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Cụ thể, ứng trước kinh phí cho thành phố và huyện Ðiện Biên để chi trả bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân nhận khoán đang sử dụng đất.
Tương tự, việc thực hiện 6 hạng mục thuộc dự án thuộc Chương trình phát triển đô thị, vốn vay Ngân hàng Thế giới giai đoạn 2 (2017 - 2020) trên địa bàn TP. Ðiện Biên Phủ thời gian qua bị chậm tiến độ do đơn vị thi công chưa được chủ đầu tư bàn giao mặt bằng “sạch”. Hàng loạt các dự án khác trên địa bàn tỉnh chậm tiến độ cũng bởi lý do chưa có mặt bằng “sạch”. Theo thống kê tại kỳ họp thứ 10, HÐND tỉnh khóa XIV, nhiệm kỳ 2016 - 2021 vừa qua, đại biểu Lưu Trọng Lư, tổ đại biểu HÐND TP. Ðiện Biên Phủ cho biết: Toàn tỉnh có đến 40 dự án chậm tiến độ, nguyên nhân đều liên quan đến công tác GPMB.
Lợi ích từ việc tạo quỹ đất “sạch” nhằm thu hút đầu tư là rất rõ ràng tuy nhiên, quá trình xây dựng quỹ đất “sạch” trên địa bàn tỉnh còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Trong đó khó khăn lớn nhất là thiếu kinh phí. Ðể có quỹ đất “sạch” dự trữ, địa phương phải có nguồn vốn lớn thực hiện bồi thường GPMB. Sau khi có quỹ đất “sạch”, đất sẽ được đấu giá, đấu thầu theo quy định. Số tiền thu được dùng để đầu tư cơ sở hạ tầng và bù đắp vào khoản tiền sử dụng để GPMB trước đó. Vì vậy, nếu không có nguồn vốn dồi dào, việc tạo nguồn đất “sạch” dự trữ sẽ rất khó khăn. Không có đất “sạch”, khi có dự án vẫn phải thực hiện GPMB theo quy trình cũ, tiềm ẩn nhiều phức tạp dẫn đến chậm tiến độ thực hiện dự án.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã có một số tập đoàn kinh tế lớn như FLC, VinGroup... quan tâm, tìm hiểu đầu tư và vấn đề họ quan tâm hàng đầu là công tác GPMB, tạo mặt bằng “sạch”. Vì vậy các cấp, ngành tỉnh cần quan tâm giải quyết các vướng mắc trong bồi thường, GPMB. Rà soát lại các cơ chế chính sách đã ban hành, xem xét loại bỏ hoặc sửa đổi, bổ sung đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành và thực tế địa phương.