Điều gì khiến các tập đoàn đa quốc gia muốn di dời nhà máy sản xuất đến Việt Nam ngay cả khi dịch Covid-19 bùng nổ?

Việt Nam là điểm đến đầy hứa hẹn từ khi làn sóng dịch chuyển nhà máy khỏi Trung Quốc bắt đầu. Mặc dù đại dịch Covid-19 đang gây ra những khó khăn nhất định đối với các quyết định cũng như hoạt động di dời, tuy nhiên nhiều chủ đầu tư Khu Công Nghiệp vẫn tự tin tăng giá đất trong quý đầu năm 2020 vì đây là xu hướng đầu tư trong dài hạn.

Dịch viêm phổi cấp tính virus corona, bùng phát từ Vũ Hán, Trung Quốc đang hoành hành khắp thế giới, buộc nhiều nước phải đóng cửa biên giới để tập trung chống dịch. Cách hoạt động trao đổi giữa các dân tộc và các quốc gia bị xáo trộn. Dịch bệnh dù gây ra những thách thức không nhỏ với nền kinh tế, ảnh hưởng đến tất cả các lĩnh vực, nhưng đây cũng là cơ hội để khẳng định sự đoàn kết toàn dân tộc, năng lực, sự sáng tạo của con người Việt Nam

Một số tập đoàn đa quốc gia đã rục rịch lên kế hoạch mở rộng hoạt động ở Việt Nam từ năm ngoái nhằm giảm áp lực hàng rào thuế quan mới với đối với hàng hoá xuất khẩu từ Trung Quốc sang Mỹ và tìm kiếm thị trường thay thế phòng khi giá sản xuất tăng lên.

Việt Nam đang ghi thêm điểm trên trường Quốc tế trong đại dịch Covid-19: là một quốc gia đang phát triển với dân số 93 triệu người, chính trị ổn định, các biện pháp chống dịch của Việt Nam vừa chủ động vừa triệt để đang khống chế tốt sự lây lan của virus SARS-CoV-2 và đến nay chưa có trường hợp tử vong nào vì virus này. Kết quả ban đầu cho thấy năng lực kiểm soát dịch bệnh của Việt Nam đang được thực hiện rất tốt.

Ông Đoàn Duy Hưng - Tổng Giám Đốc của IIP VIETNAM nhận định “Việt Nam đã và đang là trung gian, là cầu nối giải quyết một số vấn đề của các quốc gia lớn. Việt Nam với chính sách đối ngoại đa phương đã từng bước xây dựng được các quan hệ ngoại giao tốt trên cả hai phương diện kinh tế và chính trị với hầu hết các nước phát triển trên thế giới. Với vị thế ngày càng được khẳng định trên trường Quốc tế, Việt Nam là điểm đến đầu tư đầy hứa hẹn hấp dẫn các tập đoàn hàng đầu thế giới”

Báo cáo mới nhất của VinaCapital cho rằng dịch Covid-19 có thể đem lại lợi ích cho Việt Nam. Thời gian gần đây, các công ty đa quốc gia như Samsung, Tập đoàn LG và rất nhiều nhà sản xuất Nhật Bản đã chuyển các nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam, hoặc đã thành lập các cơ sở sản xuất mới tại Việt Nam thay vì mở rộng ở Trung Quốc.

Ảnh minh họa.

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung sẽ đẩy nhanh quá trình di chuyển các cơ sở sản xuất từ ​​Trung Quốc sang Việt Nam. Còn ở thời điểm hiện tại, dịch Covid-19 sẽ tiếp tục là nhân tố thúc đẩy quá trình này.

Bên cạnh đó, các công ty như Foxconn và các nhà cung cấp khác của Apple đã cho biết họ có ý định thành lập các cơ sở sản xuất tại Việt Nam. Tuy nhiên, VinaCapital nói rằng các công ty này có thể sẽ không chỉ tiếp tục thiết lập các cơ sở sản xuất tại đây, mà còn tạo ra động lực lớn hơn nhiều để giúp thúc đẩy phát triển chuỗi cung ứng địa phương trong tương lai.

Chỉ số Reshoring Index (đo lường quá trình chuyển dịch doanh nghiệp hoặc một phần doanh nghiệp có trụ sở tại một quốc gia khác trở về quốc gia ban đầu) do A.T. Kearney công bố gần đây cũng cho ra kết quả tương tự về sự chắc chắn rời đi của các tập đoàn đa quốc gia tại Trung Quốc.

Năm ngoái, các công ty đã chủ động cân nhắc lại về chuỗi cung ứng của họ bằng cách thuyết phục các đối tác Trung Quốc di dời nhà máy đến Đông Nam Á để tránh thuế quan hoặc thay thế hoàn toàn nguồn cung từ Trung Quốc. Và điểm đến lý tưởng của nó không đâu khác là Việt Nam nếu xét ở khu vực Đông Nam Á và Mexico ở châu Mỹ.

Ông Đoàn Duy Hưng – Tổng Giám Đốc IIP VIETNAM cho biết “Việt Nam đang có ưu thế về lao động trẻ, dồi dào chi phí thấp (bằng khoảng 40% so với Trung Quốc). Mặt khác, Chính phủ Việt Nam đang có chính sách thuế quan ưu đãi rất tốt cho các nhà đầu tư ngoại. Đấy cũng là lý do mà nhiều thương hiệu nổi tiếng đã quyết định đặt nhà máy tại Việt Nam. Để thu hút tốt hơn các tập đoàn lớn quyết định đầu tư, Việt Nam cần tập trung nâng cao năng lực sản xuất nội địa trong chuỗi cung ứng toàn cầu”.

Trong quý I/2020, miền Bắc thu hút phần lớn các tập đoàn lớn muốn đa dạng hóa danh mục sản xuất bên cạnh cơ sở tại Trung Quốc, với nền tảng cơ sở hạ tầng phát triển khá tốt và vị trí gần kề với Trung Quốc.

Ở khu vực phía Nam, nhu cầu thuê đất sản xuất liên tục tăng cao là điều giúp các chủ đầu tư tự tin tăng giá thuê đất.

Tuy nhiên không phải tất cả các ngành sản xuất đều có thể dễ dàng chuyển sang Việt Nam. Mức lương công nhân sản xuất tại Trung Quốc tuy cao gấp gần 3 lần nhưng trình độ tay nghề của công nhân nơi này cũng cao hơn Việt Nam. Mặt khác, quy mô của Trung Quốc không thể được nhân rộng: lượng lao động công nghiệp di cư ở Trung Quốc còn cao hơn dân số Việt Nam. Hơn nữa, thị trường nội địa vô cùng lớn của nước này cũng là một yếu tố khiến các nhà sản xuất phải cân nhắc.

“Chúng ta phải tập trung nâng cao chất lượng lao động, phải có những bộ phận lọc các dự án đầu tư từ nước ngoài, đặc biệt nằm trong dòng chảy dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam. Việt Nam vẫn là điểm đến đầy hứa hẹn cho nhà đầu tư, đó là điều cần nhìn thấy nhưng phải xóa bỏ trong tư duy nhà đầu tư rằng, đây cũng là nơi để họ trút các công nghệ thải loại. Vì thế, khi nói đến dòng lưu chuyển đầu tư từ Trung Quốc sang các nước khác, trong đó có Việt Nam, chúng ta phải cẩn trọng hơn, đắn đo hơn, nên đưa các tiêu chuẩn thu hút đầu tư lên tầm cao mới” - Đại diện IIP VIETNAM bày tỏ ý kiến

Chat qua zalo