Đo đạc mức độ công khai, minh bạch trong quản lý ngân sách nhà nước của các tỉnh thành trên cả nước thông qua chỉ số POBI

TÌM HIỂU VỀ CHỈ SỐ CÔNG KHAI NGÂN SÁCH TỈNH (POBI)

POBI là một sáng kiến quốc gia, được thực hiện độc lập bởi các tổ chức nghiên cứu, phi lợi nhuận. Khảo sát POBI 2019 được thực hiện chính bởi hai tổ chức thành viên của Liên minh Minh bạch Ngân sách (BTAP) là Trung tâm Phát triển và Hội nhập (CDI) và Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), với sự hỗ trợ của tổ chức Oxfam và Viện Konrad Adenauer tại Việt Nam, trong khuôn khổ dự án “Thúc đẩy công khai, minh bạch và sự tham gia của người dân vào quản lý ngân sách Nhà nước”. 

POBI 2019 là khảo sát dựa trên bằng chứng về công khai các tài liệu ngân sách địa phương của toàn bộ 63 tỉnh, thành phố Việt Nam. Nguồn minh chứng là các tài liệu ngân sách tỉnh được công khai trên cổng thông tin điện tử của UBND, HĐND, Sở Tài chính và Sở Kế hoạch và Đầu tư của tỉnh theo đúng hạn định. Chỉ số công khai minh bạch của Việt Nam (OBI) 2019 và Chỉ số công khai minh bạch Bộ, cơ quan Trung ương (MOBI) 2019, và POBI 2019 cùng tạo nên bức tranh toàn cảnh về tình hình công khai, minh bạch ngân sách các cấp tại Việt Nam.

POBI là công cụ giúp các tỉnh, thành phố có thể tham chiếu và đo đạc mức độ công khai, minh bạch trong quản lý ngân sách nhà nước và mức độ thực thi Luật ngân sách nhà nước năm 2015.

Bên cạnh đó, POBI giúp tăng niềm tin của người dân và các đối tác phát triển đối với quản lý ngân sách tại địa phương thông qua các hình thức minh bạch, giải trình và sự tham gia về ngân sách.

Ngoài ra, POBI cũng là công cụ giúp cho Việt Nam thực hiện ngày càng tốt hơn nỗ lực cải cách hành chính và tài khóa, góp phần thực hiện cam kết với mục tiêu phát triển bền vững SDG 16 về minh bạch, giải trình có sự tham gia của người dân. Với POBI, chính quyền địa phương có thể theo dõi, đánh giá mức độ công khai minh bạch về ngân sách nhằm nâng cao hiệu quả và hiệu lực quản trị địa phương.

CÔNG BỐ CHỈ SỐ CÔNG KHAI NGÂN SÁCH TỈNH POBI 2019

Sáng 8/7, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) phối hợp với Trung tâm Phát triển và Hội nhập (CDI) tổ chức Hội thảo Công bố Chỉ số Công khai Ngân sách tỉnh POBI 2019. Khảo sát nằm trong khuôn khổ dự án “Thúc đẩy công khai, minh bạch và sự tham gia của người dân vào quản lý ngân sách Nhà nước” do Oxfam Việt Nam và Viện KAS tại Việt Nam tài trợ.

cong bo chi so cong khai ngan sach tinh pobi 2019

Kết quả khảo sát POBI 2019 cho thấy, chỉ số trung bình về công khai ngân sách tỉnh đạt 65,55 điểm trên tổng số 100 điểm quy đổi, xếp hạng cao hơn trung bình xếp hạng năm 2018 là 51 điểm.

Theo đó, kết quả cho thấy: Nhóm A - công khai đầy đủ - nhóm những tỉnh có mức điểm cao nhất từ 75 đến 100 điểm, có 24 tỉnh bao gồm: Bình Thuận, Lâm Đồng, Bắc Ninh, Hà Nam, Bắc Kạn, An Giang, Ninh Thuận, Hà Nội, Lai Châu, Khánh Hòa, Quảng Ninh, Bình Dương, Cao Bằng, Quảng Trị, Trà Vinh, Yên Bái, Tây Ninh, Bình Định, Bắc Giang, Hải Dương, Vĩnh Long, Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu và Quảng Nam.

Nhóm B - công khai tương đối - bao gồm 27 tỉnh, là những tỉnh có điểm POBI quy đổi từ 50 đến dưới 75 điểm. Nhóm này bao gồm: Kon Tum, Điện Biên, Hà Giang, Long An, Lào Cai, Thái Bình, Bến Tre, Cần Thơ, Đắk Nông, Phú Thọ, Hải Phòng, Gia Lai, Tiền Giang, TP Hồ Chí Minh, Sơn La, Thừa Thiên Huế, Vĩnh Phúc, Bình Phước, Đắk Lắk, Phú Yên, Quảng Ngãi, Thanh Hóa, Đồng Nai, Sóc Trăng, Thái Nguyên, Cà Mau, và Hưng Yên.

Nhóm C - công khai chưa đầy đủ - bao gồm 9 tỉnh, là những tỉnh có điểm POBI quy đổi từ 25 đến dưới 50 điểm. Nhóm này bao gồm: Ninh Bình, Tuyên Quang, Hậu Giang, Nam Định, Bạc Liêu, Quảng Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, và Kiên Giang.

Nhóm cuối cùng là nhóm D - ít công khai - gồm 3 tỉnh, là những tỉnh có điểm POBI quy đổi từ 0 đến dưới 25 điểm, bao gồm: Hòa Bình (1,69 điểm), Đồng Tháp (7,9 điểm), và Lạng Sơn (21,61 điểm).

POBI 2019 cho thấy sự khác biệt giữa mức độ công khai ngân sách tỉnh của các vùng. Xếp theo 7 vùng địa lý trên cả nước, Duyên hải Nam Trung Bộ và Đông Nam bộ là 2 vùng có điểm xếp hạng POBI trung bình cao nhất, lần lượt là 77,16 và 73,81 điểm, tiếp theo đó là vùng Tây Nguyên (70,27 điểm) và Đồng bằng sông Hồng (68,24 điểm). Vùng Bắc Trung Bộ có số điểm trung bình thấp nhất trong 7 vùng địa lý, chỉ đạt 52,62 điểm, cao hơn đó là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (58,7 điểm) và khu vực Trung du và miền núi Bắc bộ với 63,5 điểm.

Ở Vùng Đồng bằng Sông Hồng, Hải Dương đứng đầu với 88,14 điểm, tiếp đến là Quảng Ninh (81,71điểm), Hà Nội (79,59 điểm), Nam Định thấp nhất (42,63 điểm).

Về xếp hạng sự tham gia của người dân vào quá trình công khai ngân sách, số điểm quy đổi trung bình của 63 tỉnh, TP là 38.2 điểm. Tỉnh Vĩnh Long đạt điểm số cao nhất với 90 điểm. Phú Yên và Thái Bình là 2 tỉnh có số điểm bằng nhau và là các tỉnh có số điểm thấp nhất cả nước (10 điểm).

Kết quả khảo sát POBI 2019 về mức độ tham gia của người dân cho thấy, nhìn chung các tỉnh ít tạo điều kiện để người dân tham gia vào quy trình ngân sách. Số điểm quy đổi trung bình của 63 tỉnh, TP là 38,1 điểm. Tỉnh Vĩnh Long đạt điểm số cao nhất với 90 điểm. Phú Yên và Thái Bình là 2 tỉnh có số điểm bằng nhau và là các tỉnh có số điểm thấp nhất cả nước (10 điểm).

Chat qua zalo