Doanh nghiệp cần làm gì khi bị vu khống trên mạng xã hội?

Ông Lê Quang Tự Do, Cục phó Cục Phát thanh – Truyền hình và Thông tin điện tử - Bộ TT&TT cho rằng, khi các vấn đề dân sự trở nên phát triển mạnh mẽ thì việc nói xấu bôi nhọ giữa các cá nhân và các tổ chức doanh nghiệp với nhau gia tăng và phát triển.

Doanh nghiệp cần làm gì khi bị vu khống trên mạng xã hội?

Ông Lê Quang Tự Do dự tọa đàm

Báo Người Lao Động và Công ty CP Thương mại Dịch vụ và Đầu tư Sparkling ngày 14/12 phối hợp tổ chức chương trình tọa đàm với chủ đề "Doanh nghiệp nói không với vu khống trục lợi trên mạng xã hội".

Tham dự chương tình có lãnh đạo Cục Phát thanh-Truyền hình và Thông tin Điện tử, Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM, lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM và các đại diện Hiệp Hội, doanh nghiệp lớn.

Tại tọa đàm, ông Lê Quang Tự Do nhấn mạnh, các doanh nghiệp (DN) có sự bức xúc không hề nhẹ đối với những vấn đề vu khống trên MXH, và DN trước hết phải bảo vệ mình và tìm ra các biện pháp xử lý khủng hoảng truyền thông cho mình.

Ông chỉ ra 3 bước ưu tiên khi xử lý một thông tin không xác thực lan tỏa trên mạng xã hội như Facebook (FB). Đó là: Thông tin ngay đến người tiêu dùng của mình, khẳng định thông tin sai sự thật với những bằng chứng rõ ràng cụ thể; Chuyển ngay những thông tin, thông cáo báo chí cho cơ quan chức năng yêu cầu FB hạn chế thông tin phát tán ra ngoài; Doanh nghiệp phải họp với chính quyền địa phương và công an địa phương để truy tìm ra những người tung tin để xử lý.

Theo ông, 3 bước này sẽ hỗ trợ doanh nghiệp tức thời khi gặp khủng hoảng. Cục phó Cục Phát thanh – Truyền hình và Thông tin điện tử - Bộ TT&TT cho biết, ông dự tính sẽ tổ chức 1 buổi làm việc giữa Cục với một số doanh nghiệp và hiệp hội để bàn cách tạo ra cơ chế thông báo cho Facebook, Google… nhằm tạo con đường nhanh nhất để FB tiếp cận đến những thông tin đến với DN.

Theo ông Đỗ Quốc Huy – Giám đốc Marketing Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP HCM, người bị ảnh hưởng nhiều nhất là người đọc tin giả. Người ta không biết được mình đang đọc tin giả, nên lan truyền nhanh do tốc độ MXH làm ảnh hưởng tới DN.

Ông Phạm Ngọc Hưng - Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP. HCM nhìn nhận, nhờ công nghệ MXH nên công tác marketing rất là nhanh, người mua hàng, người tiêu dùng cũng được rất lợi. Tuy nhiên, cái hại lớn của nó là tính lan truyền rất nhanh.

DN cần tự bảo vệ mình trước. Khi phát hiện có sự vu khống cần thu thập ngay bằng chứng, từ đó có thể đưa ra tòa án hay công an để bảo vệ quyền lợi chính đáng. Và quan trọng hơn cả, DN cần giữ hình ảnh của mình dù có bị nói xấu, vu khống thì có thể vẫn lật ngược lại vấn đề.

Doanh nghiệp cần làm gì khi bị vu khống trên mạng xã hội?

 

Không để doanh nghiệp đơn độc

Về biện pháp ngăn chặn việc vu khống, nói xấu doanh nghiệp trên MXH, ông Từ Lương - Phó GĐ Sở TT&TT kiêm GĐ Trung tâm Báo chí TP HCM - cho biết, Việt Nam nằm trong top 10 các quốc gia sử dụng MXH nhiều nhất trên toàn thế giới. 80% thông tin trên MXH hiện nay là thông tin giả, thông tin chưa kiểm chứng và thông tin không đúng sự thật. Hiện nay trên mạng có KOLs còn quyền lực hơn cả Tổng giám đốc.

“Chúng tôi khi xử lý rất mong có sự chia sẻ của báo giới và doanh nghiệp, ứng xử văn minh hơn, không thỏa thuận thỏa hiệp, bắt tay và chấp nhận với nó. Chúng ta có pháp luật, chúng ta có quyền, chúng ta xứng đáng được bảo hộ”, ông nói. 

Ông cho hay, tháng 11 năm nay, Singapore đã chính thức hợp thức hóa cho luật phòng chống thông tin giả. Thái Lan chính thức công bố và ra mắt trung tâm phòng chống thông tin giả, được Chính phủ Thái Lan thành lập bởi 5 thành phần: Cơ quan nhà nước, doanh nghiệp nhà nước, hội nhà báo Thái Lan, trường đại học, nhóm quân đội công an…

Thái Lan yêu cầu quy định mỗi cơ quan nhà nước nói trên phải cử tối thiểu 3 người để mục tiêu là trong vòng 2h khi phát hiện tin giả, tin sai sự thật phải đưa thông tin xác thực được bởi cơ quan nào đó.

Theo ông Lê Quang Tự Do, con số hơn 62 triệu người dùng MXH tại Việt Nam phản ánh người Việt đang "nghiện" MXH và đặt ra bài toán khó cho cơ quan quản lý. Trước thực trạng ngày càng nhiều DN bị bêu xấu ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh, thương hiệu, uy tín khiến cơ quan quản lý nhà nước phải quan tâm, có giải pháp xử lý.

"Sắp tới, cơ quan quản lý sẽ nghiên cứu, đề xuất cơ chế phối hợp giữa DN, cơ quan quản lý và DN nước ngoài sở hữu MXH để xử lý nhanh trong trường hợp xuất hiện thông tin sai sự thật, tin giả, bôi xấu DN. Một số quy định mới về tin giả và ảnh hưởng đến DN cũng đang được nghiên cứu ban hành để hỗ trợ tốt hơn cho cộng đồng DN trong "cuộc chiến" với tệ nạn này, không để DN đơn độc đi kiện" - ông Lê Quang Tự Do khẳng định.

Phát biểu tại tọa đàm, ông Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, đánh giá, đây là một vấn đề lớn và không thể giải quyết ngày 1 ngày hai được phải có lộ trình và phải có thời gian.

Với DN, MXH tạo nên những thuận lợi lớn để đẩy mạnh giao dịch thương mại điện tử, truyền thông, tiếp thị cho thương hiệu và sản phẩm của mình…Nhưng nếu DN bị vu khống, trục lợi trên MXH thì hậu quả sẽ rất lớn cả về thương hiệu, hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Do đó, cần nhận diện, phê phán tệ nạn vu khống, trục lợi trên MXH nhằm vào đối tượng DN; đồng thời đề cao văn hóa ứng xử và tìm giải pháp để ngăn chặn, đẩy lùi tệ nạn này, không để tin xấu tin giả lan tràn dẫn tới mất niềm tin trong xã hội. 

Nguồn: diendanhoptacdautu.vn

Chat qua zalo