Doanh nghiệp đối mặt với bài toán chi phí thuê đất tại Đà Nẵng

Các dự án đầu tư mới tại Đà Nẵng mỏi mắt tìm mặt bằng, trong khi các doanh nghiệp đang hoạt động trong khu công nghiệp (KCN) lại đang đối mặt với bài toán chi phí thuê đất.

Thiếu quỹ đất cho các dự án

Là trung tâm kinh tế của miền Trung, bên cạnh các dự án du lịch - dịch vụ, bất động sản, Đà Nẵng còn thu hút một lượng lớn các dự án đầu tư vào khu công nghiệp (KCN).

Báo cáo của Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các KCN Đà Nẵng cho thấy, đến nay, tại các KCN trên địa bàn TP. Đà Nẵng có 474 dự án đã được triển khai đầu tư (355 dự án trong nước và 119 dự án FDI) trên tổng diện tích 681,55 ha. Trong 6 KCN đang hoạt động, có 3 KCN đã lấp đầy 100% (Đà Nẵng, Hòa Khánh, Dịch vụ thủy sản Đà Nẵng); 2 KCN (Hòa Cầm, Hòa Khánh mở rộng) đã lấp đầy trên 92%; riêng KCN Liên Chiểu có tỷ lệ lấp đầy 56,5%. Diện tích đất có thể cho thuê còn lại tại các KCN chỉ khoảng 89,52 ha (12% tổng diện tích đất được quy hoạch).

Ông Hà Đức Hùng, Giám đốc Công ty cổ phần Cơ khí Hà Giang Phước Tường, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng cho biết, quỹ đất còn lại tại các KCN ở Đà Nẵng rất ít, lại phân tán, dẫn đến hạn chế trong việc thu hút đầu tư.

“Không chỉ các dự án lớn không tìm được quỹ đất, mà cả những dự án có nhu cầu sử dụng 1.000 - 2.000 m2 cũng gặp khó. Các dự án này chưa đủ quy mô để vào KCN, chỉ phù hợp triển khai tại các cụm công nghiệp, song Đà Nẵng hiện cũng rất thiếu các cụm công nghiệp dành cho dự án quy mô nhỏ. Chưa kể, việc triển khai xây dựng hạ tầng tại các cụm công nghiệp này cũng rất chậm”, ông Hùng chia sẻ.

Quỹ đất công nghiệp khan hiếm, nên không quá khó hiểu, khi giá cho thuê đất tại các KCN neo ở mức cao.

Theo ông Hùng, để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp đầu tư dự án quy mô vừa và nhỏ, ngoài các KCN do tư nhân đầu tư, Đà Nẵng nên chủ động bố trí vốn để đầu tư các khu - cụm công nghiệp mới. Nếu không, doanh nghiệp, nhà đầu tư sẵn sàng bỏ Đà Nẵng để lựa chọn các địa phương lân cận, nơi quỹ đất, nguồn nhân công đều sẵn.

Giá thuê đất công nghiệp khó giảm

Mới đây, UBND TP. Đà Nẵng công bố quyết định về việc điều chỉnh 2 nội dung tại bảng giá đất chu kỳ 2020 - 2024. Theo đó, giá đất thương mại dịch vụ được điều chỉnh giảm từ 80% xuống 70% so với giá đất ở cùng vị trí; giá đất sản xuất - kinh doanh được điều chỉnh giảm từ 60% xuống 50%.

Ông Lê Quang Nam, Phó chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng nhấn mạnh, việc điều chỉnh này sẽ tạo điều kiện giảm giá trị nộp tiền thuê đất cho nhà đầu tư trong bối cảnh khó khăn chung do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Tuy nhiên, trên thực tế, quyết định điều chỉnh giá đất này không hướng đến các doanh nghiệp đã và đang đầu tư tại KCN, mặc dù họ cũng là đối tượng chịu tác động không nhỏ từ đại dịch.

Ông Phạm Trường Sơn, Trưởng ban Quản lý khu công nghệ cao và các KCN Đà Nẵng cho hay, đơn giá cho thuê đất và sử dụng hạ tầng của các KCN do Thành phố đầu tư (KCN Hòa Khánh và KCN Dịch vụ thủy sản Đà Nẵng) hiện áp dụng theo Quyết định số 272/QĐ-UBND ngày 14/01/2016 của UBND TP. Đà Nẵng và giữ ổn định trong 5 năm kể từ ngày 1/2/2017. Vì thế, giá đất cho thuê tại các KCN không điều chỉnh theo quyết định nói trên.

Cũng theo lãnh đạo Ban Quản lý khu công nghệ cao và các KCN Đà Nẵng, đối với các KCN do tư nhân đầu tư, theo quy định tại Nghị định số 82/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 của Chính phủ quy định về quản lý KCN và khu kinh tế và Nghị định số 118/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư, nhà đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng KCN định giá cho thuê, cho thuê lại đất đã xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật; các loại phí sử dụng hạ tầng liên quan khác tại KCN được áp dụng theo quy định của pháp luật và nhà đầu tư đăng ký với Ban Quản lý về khung giá, các loại phí. Việc đăng ký khung giá và phí được thực hiện định kỳ 6 tháng/lần hoặc trong trường hợp có sự điều chỉnh khác so với khung giá đã đăng ký.

Đại diện cho tiếng nói của các doanh nghiệp, ông Hà Đức Hùng cho rằng, ngay cả khi Thành phố điều chỉnh giảm giá đất áp dụng tại các KCN, thì cũng chỉ có tác dụng tại các KCN do Nhà nước đầu tư. “Việc giảm giá tại các KCN do tư nhân đầu tư rất khó được chủ đầu tư hưởng ứng, vì sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của họ”, ông Hùng nói.

Trao đổi về vấn đề này, ông Phạm Trường Sơn chia sẻ: “Ban Quản lý khu công nghệ cao và các KCN Đà Nẵng thực hiện chức năng quản lý nhà nước trực tiếp đối với các KCN trên địa bàn. Việc giải quyết các vướng mắc của doanh nghiệp thuê đất tại KCN thực hiện theo thẩm quyền được giao, theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, Ban cũng đóng vai trò trung gian, cầu nối để nhà đầu tư và công ty kinh doanh hạ tầng KCN ngồi lại để cùng thương lượng, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc liên quan đến thuê lại đất, sử dụng hạ tầng trên tinh thần hợp tác vì lợi ích của đôi bên”.

Chat qua zalo