Doanh nghiệp kích hoạt trạng thái “năng lượng thấp – ngủ đông” để đi qua qua mùa dịch

Kích hoạt trạng thái “năng lượng thấp – ngủ đông” là cách được nhiều doanh nghiệp lựa chọn để có thể sống sót, đi qua mùa dịch, khi đơn hàng bị hủy, hoãn, và người lao động thiếu việc làm.

Ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Vinatex kích hoạt trạng thái “năng lượng thấp – ngủ đông”
Ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Vinatex cho biết, doanh nghiệp thuộc Vinatex kích hoạt trạng thái “năng lượng thấp – ngủ đông” để đi qua mùa dịch và chuẩn bị năng lượng cần thiết, bước vào sản xuất ngay khi hết dịch.

Trong bối cảnh khó khăn đang bủa vây tất cả các ngành, các lĩnh vực, doanh nghiệp cần kích hoạt trạng thái "năng lượng thấp - ngủ đông" để sống sót qua mùa dịch, đồng thời chuẩn bị nguồn lực để phục hồi sau khủng hoảng.

Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) mỗi năm xuất khẩu trên 3 tỷ USD, sở hữu hơn 120 ngàn nhân sự, quỹ chi lương khổng lồ mỗi tháng, cũng đang đứng trước những rủi ro lớn khi nhiều khách hàng đã hủy, tạm hoãn đơn hàng từ nửa cuối tháng 3/2020.

Theo tính toán, nếu đại dịch không sớm bị chặn lại, thì chắc chắn các doanh nghiệp với trên 90% sản lượng cho xuất khẩu của Vinatex sẽ không khỏi ảnh hưởng. Trước mắt, hầu hết các doanh nghiệp trong Tập đoàn đều thiếu từ 30-50% việc trong tháng 4 và tháng 5/2020.

Do lượng nhân sự đông đảo, chỉ cần 3 tháng không có việc làm, mà vẫn duy trì trả lương cho toàn bộ lực lượng lao động, thì các doanh nghiệp dệt may sẽ hết vốn. Làm thế nào để doanh nghiệp không phá sản, người lao động không mất việc làm? Đó là một thách thức chưa có tiền lệ đặt ra cho Vinatex do khủng hoảng của đại dịch Covid-19.

Theo ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Vinatex, khó khăn là vậy nhưng Vinatex cam kết ưu tiên số 1 cho giữ việc làm và trả lương duy trì đời sống cho lao động, bằng cách tận dụng các gói hỗ trợ từ chính phủ, các nguồn vay ngân hàng, tìm kiếm những hợp đồng mới bù đắp lượng việc làm thiếu hụt do nhiều đơn hàng bị hủy, hoãn. Tổ chức lại sản xuất để đảm bảo ai cũng được đi làm.

"Với tinh thần giảm giờ làm, nghỉ luân phiên, chứ không sa thải lao động, tận dụng thời gian để sáng tạo, tái cấu trúc, tiết kiệm chi phí, thay đổi phương thức làm việc hiệu quả hơn. Chúng ta kích hoạt trạng thái “năng lượng thấp – ngủ đông” để sống sót qua mùa dịch và chuẩn bị hành trang để sẵn sàng bắt tay vào lao động sản xuất ngay khi tan dịch , ông Trường nói.

Với mục tiêu "Người lao động là trung tâm của sự phát triển doanh nghiệp", Vinatex và các doanh nghiệp thành viên cùng đội ngũ người lao động cuủa mình đồng sức đồng lòng nắm tay nhau vượt qua cơn bão. Trong đó, ưu tiên số một là bảo đảm sự an toàn tính mệnh, sức khỏe cho lao động trong sản xuất trong giai đoạn đại dịch đang hoành hành. Tiếp đó là đảm bảo việc làm cho lao động, sao cho không ai bị mất việc làm, không ai bị sa thải, không ai bị bỏ lại phía sau, trong khi vẫn giữ gìn để doanh nghiệp không bị phá sản.

Giải pháp "ngủ đông" cũng được ông Đặng Hồng Anh, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam nói tới như một cách để giúp doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng mùa dịch. 

Theo quan điểm của Chủ tịch Hội Doanh nhân Trẻ Việt Nam, trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp nên chuyển sang trạng thái “ngủ đông”. Lý do là dù doanh nghiệp bị giảm doanh thu nhưng khi áp dụng biện pháp “ngủ đông” sẽ giúp doanh nghiệp duy trì được dòng tiền tối thiểu, giữ được bộ máy chủ chốt hoạt động để có thể phục hồi kinh doanh ngay sau khi kết thúc khủng hoảng.

"Khi chưa biết khủng hoảng bao giờ kết thúc thì giải pháp “ngủ đông” là cần thiết và cấp bách cho tất cả các doanh nghiệp lớn hay nhỏ, dù có hay không có áp lực mất thanh khoản hay khủng hoảng dòng tiền", ông Đặng Hồng Anh lưu ý.

Nguồn: Baodautu.vn

Chat qua zalo