Đổi mới công nghệ trong lĩnh vực dệt may ở Hà Nam
Ngày:25/02/2020 04:41:41 CH
Tập đoàn may mặc Hoàng Gia là một trong những doanh nghiệp dệt may lớn ở Hà Nam, có thâm niên hoạt động trong lĩnh vực may mặc thời trang xuất khẩu hơn 10 năm. Thị trường chủ yếu của Hoàng Gia Group là các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Mỹ và một số nước thuộc EU. Trong khi những thị trường lớn đang đóng cửa hoặc hạn chế việc mở cửa thị trường đối với sản phẩm dệt may, sự ứng biến kịp thời của doanh nghiệp trước yêu cầu thay đổi về công nghệ, cách thức quản lý, điều hành đã giúp Tập đoàn may mặc Hoàng Gia tiếp tục ổn định và phát triển trong kinh doanh và chứng tỏ năng lực cạnh tranh của mình trên cơ sở thực hiện nhiều giải pháp thiết thực, triết lý sản xuất kinh doanh phù hợp, áp dụng hiệu quả mô mình quản lý Lean (phương pháp quản lý tinh gọn) trong ngành may…
Ông Phan Đình Vụ, Phó Giám đốc Công ty Deasung Hà Nam (Tập đoàn Hoàng Gia) cho biết: Trong lĩnh vực dệt may luôn có sự cạnh tranh lớn giữa các doanh nghiệp, đặc biệt trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0). Muốn tồn tại được, chúng tôi phải đổi mới công nghệ, tăng năng suất lao động, rút ngắn thời gian giao hàng và ổn định mức lương cho công nhân. Tuy nhiên, sản xuất của ngành dệt may Hà Nam hiện nay chủ yếu là gia công sản phẩm, nếu đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại đòi hỏi vốn lớn, đầu tư cao… điều này vô cùng khó cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Thách thức này thực sự không dễ vượt qua.
Theo Cục Thống kê, toàn tỉnh hiện có trên 250 doanh nghiệp dệt may thu hút gần 25.000 lao động với mức lương bình quân trên 5,3 triệu đồng/người/tháng. So với các ngành nghề khác, mức thu nhập của người lao động ngành dệt may thấp hơn. Vì thế, trong thời gian qua, không ít doanh nghiệp dệt may trên địa bàn đã phải “bở hơi tai” tìm kiếm lao động. Khi tìm kiếm được rồi lại lo người lao động không gắn bó lâu dài vì điều kiện làm việc và mức thu nhập chưa đáp ứng nhu cầu.
Bà Phạm Thị Xuân, Giám đốc Xí nghiệp may Hưng Công (Tập đoàn May Hồ Gươm) nói: “Chỉ những lao động thực sự cần mẫn, yêu nghề mới gắn bó lâu dài với nghề này. Bởi vì, làm việc trong lĩnh vực may mặc không quá vất vả, nhưng mất thời gian, phải ngồi nhiều. Nếu lao động nào không có tính kiên trì, nhẫn nại hoặc có vấn đề về cột sống sẽ rất khó có thể làm việc lâu dài”. Trước thực tế đó, doanh nghiệp may mặc nào cũng muốn thay đổi công nghệ, “mơ” một ngày có thể sử dụng rô-bốt hoặc các thiết bị tự động hóa cho các khâu kỹ thuật khó như bổ túi, tra tay, vào cổ nhằm giảm lao động trong các dây chuyền này. Theo ông Phan Đình Vụ, nếu có điều kiện sử dụng rô-bốt trong khâu trải vải, cắt thì sẽ giảm được 80% lao động, tiết kiệm được 3 - 5% nguyên vật liệu. Hay trong khâu thiết kế, nếu ứng dụng công nghệ in 3D thì việc định hình sản phẩm của mình sẽ vô cùng có ích, hiệu quả.
Còn với trên 100 doanh nghiệp dệt, nếu công nghệ được cải tiến, các thiết bị dệt được hiện đại hóa kỹ thuật thì năng suất sẽ tăng, lao động giảm đáng kể. Ví dụ như ở xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, với những sáng chế không quá phức tạp nhưng hiệu quả cao của anh Trần Quang Huy, một loại máy mới đánh suốt vải sợi, chạy bằng động cơ với 6 con suốt tự động dừng khi được sản phẩm, cho năng suất chất lượng gấp 6 lần so với thủ công trước kia, đã đem lại sự phát triển rất lớn cho cả một làng nghề dệt ở đây. Tuy nhiên, để sản xuất ra những loại máy móc thế này cần có vốn, có mặt bằng, có thị trường… Việc tận dụng các điều kiện sẵn có ở địa phương đối với các doanh nghiệp dệt chưa hiệu quả.
Phải đến trên 30% số doanh nghiệp dệt may Hà Nam đã thực hiện đổi mới công nghệ trong sản xuất. Công ty May Nofooc – Hatexco (Duy Tiên) là một trong số những doanh nghiệp may áp dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất. Nhiều năm qua, doanh nghiệp này đã đưa công nghệ bán tự động vào sản xuất, giảm bớt nhân lực trong một số dây chuyền. Lao động làm việc trong doanh nghiệp này chủ yếu là lao động nông thôn, được đáp ứng các chế độ đãi ngộ tốt.
Hay như Daesung Hà Nam, chuyên gia công các sản phẩm may mặc, doanh nghiệp này đã khai thác lợi thế về nguồn lao động dồi dào của địa phương, thực hiện quy chế hợp tác trong sản xuất kinh doanh bài bản và khoa học. Daesung nhận nguyên liệu từ đối tác, tổ chức sản xuất tại chỗ dưới sự giám sát kỹ thuật chặt chẽ của chuyên gia may mặc Hàn Quốc, bảo đảm yêu cầu của đối tác nên chỉ một thời gian ngắn, công ty đã ổn định sản xuất, tạo việc làm cho 500-600 công nhân với mức lương những năm đầu từ 4,5 triệu đồng đến 6 triệu đồng/người/tháng. Mỗi tháng, Daesung sản xuất trên 50.000 sản phẩm, theo mẫu thiết kế của các hãng nổi tiếng thế giới, chủ yếu là quần các loại xuất khẩu sang một số thị trường lớn như Hàn Quốc, Mỹ và EU.
Ông Phan Đình Vụ, Phó Giám đốc Công ty Daesung Hà Nam (Tập đoàn may mặc Hoàng Gia) nói: “Chúng tôi mới chỉ đổi mới máy móc, chuyển từ máy may cơ sang máy điện tử, lập trình thiết kế… Thực tế, công nghệ ngành may mặc không có gì quá phức tạp. Tuy nhiên, so với một số nước trong khu vực như Hàn Quốc chẳng hạn, họ bắt đầu tiến quân sang Lào, Campuchia vì nhân công ở các nước đó rẻ hơn mình. Trong khi ở Hà Nam, nhiều doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực khác trả nhân công giá cao hơn dệt may nên lao động chạy sang những doanh nghiệp đó ngày một đông. Muốn giữ chân lao động, doanh nghiệp dệt may sẽ phải nâng cao thu nhập và bảo đảm các chế độ đãi ngộ tốt cho người lao động. Làm được việc này thì giá thành sản phẩm nâng cao, doanh nghiệp sẽ gặp khó. Vì thế, bắt buộc anh phải đổi mới công nghệ, dù cho việc đầu tư tốn kém”.
Giải pháp đổi mới sản xuất đối với doanh nghiệp dệt may Hà Nam trong thời gian tới là nâng cao trình độ cán bộ quản lý kỹ thuật, công nghệ; tạo liên kết với đối tác; liên kết với các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu đổi mới công nghệ như in 3D trong thiết kế thời trang, sử dụng rô-bốt, công nghệ thông tin… Dệt may vẫn là ngành kinh tế mang lại nhiều triển vọng trong phát triển công nghiệp đối với Hà Nam. Giá trị sản xuất ngành dệt may toàn tỉnh năm 2019 duy trì mức tăng trên 10%, trong đó sản xuất trang phục tăng 24,7% với hơn 77 triệu sản phẩm quần áo may sẵn và hơn 91 triệu m2 vải…
Nguồn: izhanam.gov.vn