Động lực mới cho Khu Kinh tế Vân Phong
Ngày:22/05/2020 08:34:58 SA
Cảng tổng hợp Nam Vân Phong tại thị xã Ninh Hòa đi vào hoạt động đón chuyến tàu đầu tiên đã tạo thêm động lực cho Khu Kinh tế Vân Phong
Ngày 21-5, ông Hoàng Đình Phi, Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế (KKT) Vân Phong, cho biết cảng tổng hợp Nam Vân Phong vừa đi vào hoạt động là tín hiệu tốt, tiếp thêm nguồn lực phát triển kinh tế cho KKT Vân Phong và khu vực Nam Trung Bộ.
Cảng biển quy mô
Giữa tháng 5-2020, tàu Vinaship Diamond dài 150 m, cao 30 m mang theo 15.000 tấn hàng là đường thô đã cập cảng tổng hợp Nam Vân Phong một cách an toàn. Đây là chuyến tàu đầu tiên cập cảng này sau khi cảng nghiệm thu đưa vào hoạt động. Chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Thanh Yến Vân Phong cho rằng khi một trong những bến cảng tổng hợp lớn nhất tại khu vực vịnh Vân Phong đi vào hoạt động và khai thác sẽ mang đến nhiều sự lựa chọn cho các hãng tàu.
Cảng tổng hợp Nam Vân Phong được đầu tư xây dựng với quy mô lớn nhất khu vực, độ sâu mực nước 15 m. Cảng có diện tích 14 ha, gồm nhiều hạng mục về hạ tầng, cầu cảng, trang thiết bị phục vụ công tác bốc dỡ hàng hóa, kho bãi… Tổng kinh phí xây dựng khoảng 1.000 tỉ đồng. Cảng có thể đón các tàu tải trọng đến 70.000 tấn, trong tương lai sẽ tiếp tục được đầu tư để có thể đón tàu lên đến 100.000 tấn.
Cảng tổng hợp Nam Vân Phong vừa đi vào hoạt động là tín hiệu tốt
"Công suất cảng mỗi năm có thể tiếp nhận từ 2-3 triệu tấn. Cảng Nam Vân Phong vừa hoàn thành trước mắt phục vụ nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa tại KCN Ninh Thủy (thị xã Ninh Hòa) và các KCN vùng phụ cận cũng như các dự án lớn đang đầu tư tại Nam Vân Phong. Cảng này còn giữ vai trò quan trọng trong việc tiếp nhận cũng như xuất nhập khẩu hàng hóa giữa 2 vùng Khánh Hòa - Tây Nguyên" - ông Hoàng Đình Phi nhấn mạnh.
Thu hút nguồn lực
Ban Quản lý KKT Vân Phong cho biết hiện nay, KKT đã thu hút được 156 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký hơn 4 tỉ USD, vốn thực hiện là 719 triệu USD, đạt 18% vốn đăng ký.
Một số dự án lớn đang triển khai và đi vào hoạt động như: Nhà máy đóng tàu Hyundai Vinashin, kho xăng dầu ngoại quan Vân Phong, KCN Ninh Thủy... Tuy nhiên, thời gian vừa qua, khu vực kinh tế Bắc Vân Phong vẫn chưa được cởi bỏ khiến sức hấp dẫn của Khánh Hòa sụt giảm. Bên cạnh đó, tình hình dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế.
Cảng tổng hợp Nam Vân Phong đi vào hoạt động sẽ là chất xúc tác để các nhà đầu tư lớn như: ASA Holding Inc, Livingstone, BCG… mạnh dạn đầu tư sau nhiều lần khảo sát. Theo đánh giá của chuyên gia, với cảng tổng hợp thì đến hiện tại, cảng Nam Vân Phong có quy mô lớn nhất nhưng theo quy hoạch cảng Bắc Vân Phong là cảng 1A tiếp nhận các container quốc tế nên có quy mô lớn hơn. Những cảng biển này gắn liền với KCN Ninh Thủy, KCN Suối Dầu (huyện Cam Lâm), Cụm Công nghiệp Diên Phú (huyện Diên Khánh)…
Bộ Giao thông Vận tải đang chuẩn bị bổ sung quy hoạch tuyến cao tốc Đông - Tây, kết nối từ Đắk Lắk - Khánh Hòa. Theo đề nghị của tỉnh Khánh Hòa, tuyến cao tốc này sẽ được kết nối vào khu vực Nam Vân Phong theo đường song song với Quốc lộ 26 để tiếp cận với cảng Nam Vân Phong. Như vậy, KKT Vân Phong sẽ có sự kết nối đồng bộ với Quốc lộ 26B đi Đắk Lắk, gần sân bay Cam Ranh, sân bay Tuy Hòa… Ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, cho biết hiện nhu cầu xuất khẩu hàng hóa, nông sản ở tỉnh Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung rất lớn. KKT Vân Phong có 2 cảng biển Nam Vân Phong và Bắc Vân Phong thì việc đưa hàng hóa từ Đắk Lắk xuống để vận chuyển, xuất khẩu sẽ hết sức thuận lợi, thúc đẩy phát triển kinh tế.
Theo ông Hoàng Đình Phi, khu vực Nam Vân Phong cũng đang được nghiên cứu để mở thêm KCN tại vùng dốc đá Trắng và Ninh Tịnh cũng như một số dự án liên quan đến điện khí, tổng kho khí…