Đồng Nai chưa thể giải cơn khát bất động sản công nghiệp
Ngày:28/02/2020 01:56:24 CH
Khó tìm diện tích lớn
Gần 79% là tỷ lệ lấp đầy của các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn Đồng Nai. Diện tích đất chưa cho thuê đa số vì còn vướng khâu bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Theo quy hoạch, tỉnh Đồng Nai được Chính phủ phê duyệt phát triển 35 KCN, song hiện tại mới thành lập được 32 KCN. Trong đó, 31 KCN đang hoạt động, 1 KCN trong giai đoạn bồi thường, giải phóng mặt bằng để làm hạ tầng kỹ thuật, còn lại 3 KCN đã có quy hoạch, đang mời gọi nhà đầu tư hạ tầng kỹ thuật và hoàn tất các thủ tục đầu tư.
Ban quản lý các KCN tỉnh Đồng Nai cho biết, trong số 31 KCN đang hoạt động trên địa bàn tỉnh, có đến gần 20 KCN đã lấp đầy 100%. Các KCN còn lại cũng có tỷ lệ lấp đầy rất cao, trong khi nhu cầu thuê đất để làm nhà xưởng sản xuất, kinh doanh vẫn tương đối lớn. Vì thế, Đồng Nai dự kiến mở rộng và xây mới hàng loạt KCN để đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp.
Ông Kim Chi Hyung, Tổng giám đốc Công ty TNHH Hyosung Việt Nam, doanh nghiệp 100% vốn Hàn Quốc ở KCN Nhơn Trạch 5 cho biết, Hyosung Việt Nam muốn tiếp tục tăng vốn, mở rộng sản xuất tại KCN Nhơn Trạch 5, nhưng lại gặp khó vì không có sẵn quỹ đất để thuê.
Từ góc độ của doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng KCN, bà Somhatai Panichewa, Tổng giám đốc Amata Việt Nam, chủ đầu tư hạ tầng KCN Amata (TP. Biên Hòa) và KCN công nghệ cao (huyện Long Thành) cho biết, KCN Amata đã cho thuê hết đất và đang tiến hành mở rộng giai đoạn II, nhưng do vướng mắc khâu giải phóng mặt bằng nên vẫn chưa làm xong hạ tầng để cho nhà đầu tư thứ cấp thuê đất.
Tương tự, ông Hồ Đức Thành, Tổng giám đốc Công ty cổ phần D2D, chủ đầu tư KCN Nhơn Trạch 2 cho biết, đất tại KCN Nhơn Trạch 2 đã được cho thuê hết từ lâu. Công ty D2D có dự định đầu tư mở rộng lĩnh vực kinh doanh hạ tầng KCN để đáp ứng nhu cầu thuê đất của các doanh nghiệp nước ngoài, song dù có tiền, có nhân lực, nhưng không thể thực hiện vì trở ngại ở khâu thủ tục hành chính và tìm kiếm quỹ đất, cũng như đền bù giải phóng mặt bằng.
“Cơn khát” còn kéo dài?
Mới đây, UBND tỉnh Đồng Nai đã thống nhất bổ sung quy hoạch mở rộng, đầu tư mới các KCN, dành hơn 5.000 ha để phát triển công nghiệp cho giai đoạn tới. Theo đó, Đồng Nai sẽ điều chỉnh mở rộng 3 KCN gồm: Dầu Giây (huyện Thống Nhất) tăng thêm 75 ha; Long Khánh (TP. Long Khánh) điều chỉnh tăng thêm 500 ha và Tân Phú (huyện Tân Phú) tăng thêm 170 ha. Cùng với mở rộng, địa phương này bổ sung quy hoạch các KCN mới, với diện tích trên 4.300 ha.
Để đẩy nhanh tiến độ, sớm có đủ đất công nghiệp nhằm hấp thụ tốt nhất dòng vốn đầu tư nước ngoài, Đồng Nai cần tập trung đẩy nhanh việc hoàn thành các hồ sơ thủ tục, giúp các KCN sớm hình thành.
Theo dự báo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, với lợi thế có hàng loạt dự án hạ tầng về giao thông đang được đầu tư xây dựng, trong tương lai gần, tỉnh Đồng Nai sẽ trở thành khu vực đầu mối về giao thông của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Cùng với đó, dư địa để thu hút và phát triển công nghiệp trong thời gian tới có triển vọng rất tốt.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, ông Cao Tiến Dũng cho biết, cùng với việc mở rộng, bổ sung mới nhiều KCN, tỉnh Đồng Nai sẽ chú trọng phương án bảo vệ môi trường và tái định cư cho người dân bị thu hồi đất. Bên cạnh đó, có kế hoạch đào tạo nguồn lao động, xây dựng, kết nối hạ tầng kỹ thuật cho các KCN. UBND tỉnh đang giao Sở Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện đề án mở rộng, bổ sung khu công nghiệp để trình các cấp thẩm quyền địa phương trước khi xin ý kiến Trung ương cập nhật quy hoạch trong giai đoạn tới.
Theo các chuyên gia, quá trình hoàn tất các thủ tục pháp lý, mời gọi nhà đầu tư hạ tầng, cho đến khi có thể cho thuê đất KCN còn phải trải qua một giai đoạn dài. Tính riêng khâu giải phóng mặt bằng, thu hồi đất để làm hạ tầng cũng mất từ 3 đến 5 năm. Để đẩy nhanh tiến độ, sớm có đủ đất công nghiệp để hấp thụ tốt nhất dòng vốn đầu tư nước ngoài, Đồng Nai cần tập trung đẩy nhanh việc hoàn thành các hồ sơ thủ tục, giúp các KCN hình thành nhanh chóng. Trước tiên, tỉnh Đồng Nai phải sớm hoàn tất đề án mở rộng, bổ sung khu công nghiệp trình Chính phủ chấp thuận đưa vào quy hoạch KCN Việt Nam.
Mặt khác, tỉnh Đồng Nai cũng phải có phương án tối ưu hoá khâu bồi thường giải phóng mặt bằng để các dự án đầu tư nói chung và đầu tư hạ tầng KCN nói riêng, nhanh chóng có đất sạch để xây dựng.
Nguồn: baodautu.vn