Đồng Nai muốn “cải tổ” hệ thống cảng biển

Tính toán lại việc quy hoạch và đầu tư hệ thống cảng nhằm đồng bộ hạ tầng cao tốc, quốc lộ, Sân bay Quốc tế Long Thành, Đồng Nai đặt mục tiêu trở thành trung tâm logistics của khu vực.

Việc kêu gọi đầu tư phát triển hệ thống cảng biển tại Đồng Nai thời gian qua gặp không ít khó khăn.

Phát triển manh mún

Theo đánh giá của Sở Giao thông - Vận tải tỉnh Đồng Nai, hệ thống cảng biển tỉnh này đang trong tình trạng manh mún, nhỏ lẻ, kết nối hạ tầng giao thông kém.

Quy hoạch nhóm cảng biển Đông Nam bộ (nhóm 5) được duyệt, đến năm 2030, trên địa bàn tỉnh sẽ có 46 cảng biển được đầu tư xây dựng, gồm 20 bến cảng tổng hợp và 26 bến cảng chuyên dùng. Sau 4 năm thực hiện quy hoạch, Đồng Nai hiện có 17 bến cảng biển đang hoạt động, gồm 5 bến tổng hợp và 12 bến chuyên dùng. Việc kêu gọi đầu tư phát triển hệ thống cảng biển tại Đồng Nai thời gian qua cũng gặp không ít khó khăn.

Do đó, để “vươn ra biển lớn” và hiện thực hóa mục tiêu trở thành trung tâm logistics của khu vực trong 5 năm tới đây, tỉnh Đồng Nai muốn điều chỉnh quy hoạch, “cải tổ” hệ thống cảng biển.

Theo đề xuất điều chỉnh quy hoạch, trên địa bàn huyện Nhơn Trạch sẽ phát triển 5 cụm cảng tổng hợp, gồm: Cụm cảng trên sông Đồng Nai (78 ha), Cảng Việt Thuận Thành (69 ha), Cảng tổng hợp Vĩnh Hưng (26 ha), Cảng tổng hợp Phước Khánh (bến 1, diện tích hơn 22 ha) và Cảng tổng hợp Phước Khánh (bến 3, diện tích 10 ha). Cùng với đó là 4 cụm cảng chuyên dùng (3 cụm cảng chuyên dùng xăng dầu và 1 cụm cảng chuyên dùng ngành gỗ).

Huyện Nhơn Trạch có số lượng cảng biển được quy hoạch nhiều nhất, với 35 cảng biển. Tuy nhiên, hiện nay, hệ thống cảng biển chưa được đầu tư còn khá nhiều, chủ yếu do không kêu gọi được nhà đầu tư vì hệ thống giao thông kết nối kém.

Ông Lê Quang Bình, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải tỉnh Đồng Nai cho biết, hệ thống giao thông đường bộ kết nối cảng biển còn nhiều hạn chế. Đồng Nai sở hữu hệ thống sông tốt, có thể tiếp nhận tàu trọng tải 30.000 tấn, nhưng đường bộ kết nối cảng biển chưa tốt, nên ảnh hưởng đến sức hấp dẫn của cảng biển.

Không những vậy, việc đầu tư, phát triển hệ thống cảng biển cũng đang tồn tại nhiều bất cập, như tình trạng manh mún. Số liệu thống kê cho thấy, trong số 17 cảng biển đang hoạt động, chỉ có 2 cảng biển có quy mô diện tích trên 30 ha.

Tăng quy mô, năng lực cụm cảng

Theo tỉnh Đồng Nai, Bộ Giao thông - Vận tải đang thực hiện quy hoạch lại tổng thể hệ thống cảng biển, trong đó có hệ thống cảng biển trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Về cơ bản, trong quy hoạch mới, số lượng và định hướng phát triển cho giai đoạn sau năm 2020 vẫn giữ nguyên theo quy hoạch đã được duyệt năm 2017 và chỉ thay đổi tên gọi nhóm cảng từ nhóm 5 thành nhóm 4.

Theo quy hoạch mới đang hoàn thiện, những cảng biển đã triển khai và có chủ trương thực hiện thì sẽ tiếp tục thực hiện. Với các cảng biển chưa triển khai thực hiện, tỉnh Đồng Nai kiến nghị Bộ Giao thông - Vận tải cho phát triển theo hướng cụm cảng, tăng quy mô để đón tàu trọng tải lớn.

Song song với việc kiến nghị điều chỉnh quy hoạch, UBND tỉnh Đồng Nai đang xem xét thực hiện điều chỉnh đối với các cảng biển chưa triển khai trên địa bàn trọng điểm, huyện Nhơn Trạch thành các cụm cảng có diện tích lớn để mời gọi các nhà đầu tư tiếp cận dự án phù hợp với quy hoạch mới cũng như đáp ứng nhu cầu phát triển của tỉnh Đồng Nai thời gian tới.

Đối với một số vị trí khó thu hút nhà đầu tư, có lợi thế phát triển các mục tiêu khác, tỉnh Đồng Nai kiến nghị loại khỏi danh mục quy hoạch nhóm cảng biển Đông Nam bộ và điều chỉnh thành mục tiêu đất dự trữ phát triển.

Cụ thể, theo đề xuất, trên địa bàn huyện Nhơn Trạch, thời gian tới sẽ phát triển 5 cụm bến cảng tổng hợp và 4 cụm bến cảng chuyên dùng. Các cụm cảng này có diện tích từ 9,3 đến hơn 78 ha.

Để thực hiện mục tiêu phát triển cụm cảng, theo ông Lê Quang Bình, đối với các cảng chưa triển khai đầu tư, thời gian tới, tỉnh cần có quy định về diện tích cần có để được xây dựng cảng biển. Khi có quy định, những doanh nghiệp đã có đất, nhưng chưa triển khai dự án sẽ phải thực hiện liên doanh, liên kết để tạo thành cụm cảng.

“Cảng lớn mới có thể đón được tàu có tải trọng lớn và khi đó, cảng mới đáp ứng được nhu cầu phát triển và khắc phục được tình trạng đầu tư manh mún”, ông Bình nói.

Chat qua zalo