Đồng Nai - Thách thức tăng trưởng kinh tế 2020

“Tăng trưởng hợp lý” là cụm từ thường “có mặt” trong mục tiêu tổng quát kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội nhiều năm gần đây, nhưng trong Dự thảo Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, cụm từ này đã không còn nữa. Thay vào đó là “nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ và sức cạnh tranh của nền kinh tế”, “tăng trưởng nhanh và bền vững”. Điều đó có nghĩa, những kỳ vọng đặt vào nền kinh tế trong năm tới cao hơn. Áp lực và thách thức đối với nền kinh tế, theo đó, cũng “nặng” hơn.

Mặc dù vậy, một lần nữa, báo cáo Quốc hội, Chính phủ chỉ đặt ra mục tiêu tăng trưởng GDP 6,8% trong năm 2020, tương đương năm 2019. Tương đương về con số, nhưng nếu đặt trên nền tảng GDP của năm 2019, cũng như đặt trong bối cảnh kinh tế toàn cầu và trong nước đang đối mặt với nhiều khó khăn, rủi ro lớn, thì tốc độ tăng trưởng như vậy là khá thách thức.

Thậm chí, một cách thẳng thắn, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) còn cho rằng, mục tiêu duy trì nhịp độ tăng trưởng 6,8% là rất gian nan, trong bối cảnh kinh tế và thương mại thế giới đang giảm tốc.

“Kinh tế 2019 đang duy trì đà tăng trưởng tốt, nhưng nhìn về tầm nhìn 2020 và những năm tiếp theo, chúng ta chưa thể yên tâm”, ông Lộc nói. Theo ông Lộc, trong bối cảnh nhiều dự báo cho thấy, kinh tế thế giới có thể sẽ chạm “ngưỡng suy thoái toàn cầu”, thì với một nền kinh tế có độ mở cao như Việt Nam, phụ thuộc nhiều vào đầu tư nước ngoài và xuất khẩu, mục tiêu tăng trưởng 6,8% không biết có “khả thi” không.

Trong khi đó, có đại biểu Quốc hội lại tỏ ra lo lắng, khi nhiều mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội 2020 không cao hơn, thậm chí thấp hơn kết quả đạt được của năm 2019.

Chẳng hạn, tăng trưởng GDP chỉ là 6,8%, trong khi năm 2018 đạt 7,08%, năm 2019 ước đạt 6,8%. Tương tự, mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu năm 2020 là 7%, thấp hơn mức 13,3% của năm 2018 và khoảng 7,9% của năm 2019. Hơn nữa, trong những năm qua, nền kinh tế liên tục có xuất siêu, song mục tiêu 2020 vẫn là kiểm soát nhập siêu ở mức dưới 3%.

Thậm chí, rất thẳng thắn, đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) còn bày tỏ sự quan ngại dù tăng trưởng trung bình của Việt Nam vẫn cao so với khu vực và thế giới, song xét về con số tuyệt đối thì GDP của thế giới ngày một cách xa so với Việt Nam. Đó là lý do ông Hàm nhắc đến một sự “tụt hậu ngày càng xa hơn về kinh tế”.

Một báo cáo được Trường đại học Kinh tế quốc dân công bố cách đây ít ngày cho thấy, nếu duy trì tốc độ tăng trưởng ở mức 6%/năm và 7 - 8%/năm, Việt Nam gần như không có cơ hội đuổi kịp các nền kinh tế trong khu vực vào năm 2045.

Điều này càng đặt ra thách thức cho kinh tế Việt Nam 2020, năm cuối cùng của Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020 và Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 2016 - 2020. Dù mục tiêu chỉ đặt ra ở mức 6,8%, song có lẽ, nhiều kỳ vọng đang trông chờ ở mức cao hơn.

Trụ cột nằm ở khu vực tư nhân

Có rất nhiều vấn đề cần giải quyết để kinh tế Việt Nam có thể “tăng trưởng nhanh và bền vững” trong năm 2020. Các điểm nhấn được đề cập trong mục tiêu tổng quát của Dự thảo Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 2020 đã cho thấy điều đó, từ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát đến đẩy mạnh cải cách thể chế, khơi thông nguồn lực, tạo môi trường đầu tư - kinh doanh thông thoáng, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng…

- Đại biểu Nguyễn Như So (Bắc Ninh)

Nhưng một yếu tố xquan trọng để duy trì được nhịp độ tăng trưởng 6,8%, đồng thời cải thiện được chất lượng tăng trưởng, theo ông Vũ Tiến Lộc, là phải “nâng cao sức cạnh tranh của cộng đồng doanh nghiệp”.

“Để vượt qua giai đoạn khó khăn này, các nước trên thế giới đua nhau hạ lãi suất, giảm chi phí và ban hành các gói kích thích kinh tế để hỗ trợ doanh nghiệp. Còn ở Việt Nam, chúng ta đang làm gì khi lạm phát thấp, nhưng lãi suất lại cao và chi phí kinh doanh ngày càng lớn?”, ông Lộc đặt câu hỏi.

Đại biểu Nguyễn Như So (Bắc Ninh) cũng đặt một câu hỏi tương tự. Theo ông So, chỉ trong 9 tháng đầu năm, vốn đầu tư của khu vực ngoài nhà nước đạt 624.600 tỷ đồng, tăng 16,9% so với cùng kỳ năm 2018, cao nhất trong các khu vực kinh tế, đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế.

“Sự chuyển dịch về cơ cấu này thể hiện kinh tế tư nhân là một trong những động lực quan trọng của nền kinh tế. Tuy nhiên, kinh tế trong khu vực tư nhân vẫn phát triển dưới tiềm năng, chưa bứt phá được trụ cột mới của nền kinh tế. Vậy nút thắt ở đây là gì?”, ông So nhấn mạnh.

Các giải pháp mà ông So đề xuất là cần có sự đột phá về cơ chế, chính sách, nhằm xóa bỏ rào cản phát triển doanh nghiệp tư nhân. Đồng thời, thúc đẩy hoàn thiện cơ chế thị trường đầy đủ, tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp trong nước, giúp kinh tế tư nhân nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường trong nước và thế giới.

Có cùng quan điểm, đại biểu Phạm Phú Quốc (TP.HCM) cũng cho rằng, phải thực chất cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ những quy định chồng chéo giữa các dự luật và nuôi dưỡng môi trường khởi nghiệp, tạo lập, phát triển thị trường vốn, tăng cường các chính sách ưu đãi, khuyến khích doanh nghiệp phát triển để tăng niềm tin và tạo sự an tâm cho người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư tiếp tục đưa vốn đầu tư vào nền kinh tế.

Chat qua zalo