Dòng tiền đổ vào bất động sản 2020 có chững lại?
Ngày:02/03/2020 04:48:26 CH
Báo cáo thị trường bất động sản năm 2019 của Hiệp hội Bất động sản TP HCM “vẽ” ra bức tranh khá ảm đạm. Hiệp hội đánh giá, năm qua là năm thứ hai thị trường phải đương đầu với nhiều khó khăn, thách thức rất lớn. Hầu hết các doanh nghiệp đều bị sụt giảm mạnh về doanh thu và lợi nhuận, một số thua lỗ hoặc đứng trước nguy cơ phá sản.
Thống kê của Bộ Xây dựng cho thấy, tổng giao dịch nhà đất thành công năm 2019 là 83.136 giao dịch, giảm hơn 26% so với năm 2018. Trong đó, bất động sản du lịch nghỉ dưỡng có 6.280 giao dịch, sụt mất 20%.
Cũng trong năm qua, cả nước có gần 600 doanh nghiệp bất động sản đăng ký tạm dừng hoạt động, tăng 36,8% và 686 doanh nghiệp bất động sản giải thể, tăng 39,4%, so với năm 2018.
Riêng tại TP HCM, số lượng dự án nhà ở thương mại được chấp thuận chủ trương đầu tư, công nhận chủ đầu tư, chấp thuận đầu tư sụt giảm lần lượt là 92%, 85% và 80%. Toàn thành phố chỉ có 47 dự án chung cư được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai, giảm 14% so với năm trước.
Nguồn cung sụt giảm trong khi nhu cầu vẫn cao đã đẩy giá nhà đất tại TP HCM tăng vọt. Căn hộ chung cư ghi nhận mức tăng giá khoảng 15-20% trong năm vừa qua, cá biệt, có dự án tại quận 9 có mức giá bán tăng đến 39% trong một năm.
Bà Trang Bùi – Giám đốc thị trường Việt Nam của JLL cho biết, việc giá bán bị đội lên quá cao đã phần nào tác động đến tâm lý của nhà đầu tư, khi lo ngại giá bán hiện tại đã cao hơn giá trị thực.
Tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-2019 cũng phần nào tác động đến tâm lý của nhà đầu tư. Nhiều người có tâm lý cầm chừng, chờ xem động thái của thị trường. Bên cạnh đó, chính sách siết chặt tín dụng vào bất động sản cũng bắt đầu phát huy tác dụng. Cụ thể, dư nợ tín dụng bất động sản trong năm qua của thành phố là 288.000 tỷ đồng, chỉ chiếm 12% tổng dư nợ.
Tuy nhiên, với một quốc gia đông dân thứ 3 và có tốc độ gia tăng dân số tại thành thị đứng đầu trong khu vực, nhu cầu mua nhà để ở của người dân vẫn còn rất lớn. Tổng cầu có khả năng thanh toán vẫn cao, bằng chứng là gần như 100% căn hộ trung cấp – bình dân đã được tiêu thụ và có những dự án nhà ở cao cấp có tỷ lệ tiêu thụ lên đến hơn 60% trong năm 2019. Cùng với đó là hàng trăm triệu USD đang chờ đổ về Việt Nam.
Theo các chuyên gia, sự do dự của các nhà đầu tư chỉ kéo dài trong ngắn hạn. Khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, nhà đầu tư sẽ nhanh chóng tham gia thị trường cùng với sự sôi động trở lại của các hoạt động triển khai dự án, vốn đang bị đình lại.
Nguồn: cafeland.vn