EVFTA, không chỉ là xóa thuế

Lưu ý hàng rào kỹ thuật

Thông tin được lan tỏa nhiều nhất trên mạng lưới truyền thông nói chung là việc giảm thuế (chẳng hạn trang web evfta.moit.gov.vn là một nguồn tham khảo rất cần xem). EU xóa bỏ 85,6% dòng thuế và sau bảy năm sẽ xóa tổng cộng 99,2%; phía Việt Nam cũng đáp lại tương ứng 48,5%; 91,8%, và sau 10 năm sẽ đạt tới 98,3%.

Thế nhưng, cụ thể là những mặt hàng gì, ngành gì và với điều kiện ra sao? Các doanh nghiệp vẫn cần tìm kiếm các thông tin qua trang web nêu trên, qua các hiệp hội ngành nghề, hệ thống hải quan và nhất là thông tin cụ thể từ bạn hàng xuất nhập khẩu để nắm vững các sự thay đổi (có thể thuận lợi hoặc khó khăn, tùy vị trí, chất lượng sản phẩm, lợi thế cạnh tranh, kênh phân phối được cấu trúc hóa của từng doanh nghiệp... chứ không đơn giản là được xóa thuế).

Thí dụ, ngành dệt may hưởng lợi trên thuế suất đánh “từ vải trở đi” và việc này liên quan đến cấu trúc đầu vào của chúng ta vốn lệ thuộc nguồn cung cấp từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ...

Những hàng rào kỹ thuật vẫn là trở ngại lớn trong thực tế xuất khẩu hàng qua EU.

Không có chuyện xóa thuế và lưu thông hàng hóa thiếu kiểm soát chất lượng.

Mặc dù có đỡ hơn, tốt hơn quy tắc “từ sợi trở đi” (yarn-forward) trong Hiệp định CPTPP hay WTO, nhưng những hàng rào kỹ thuật vẫn là trở ngại lớn trong thực tế xuất khẩu hàng qua EU. Không có chuyện xóa thuế và lưu thông hàng hóa thiếu kiểm soát chất lượng. Và những rào cản này ngày một nâng cao.

Nếu bạn vào siêu thị một số nước trong khối EU hiện nay, bao bì đang chuyển qua giấy kháng khuẩn, giấy hút ẩm, mực in trên bao bì thân thiện với trẻ em, nghĩa là ngay cả chạm vào miệng vẫn không hại gì cho sức khỏe. Hay như các sản phẩm nhựa không được chứa một chút nào chất BPA (Bisphenol A - chất dùng trong chế tạo nhựa polycarbonate).

Xin đề cập đến ngành dệt may vì đây là lĩnh vực chủ yếu gia công OEM (tạm dịch: sản xuất thiết bị gốc) đang được khoảng 4.000 công ty với 2,5 triệu lao động sản xuất, đứng hàng thứ năm trên thế giới và cũng là đối tác xuất hàng qua EU đứng vị trí thứ năm (khoảng 4 tỉ đô la Mỹ trong năm 2019).

Ngành giày dép cũng ở tình trạng tương tự như dệt may. Còn ngành thủy hải sản thì vẫn phải đối mặt với những vấn đề cũ của tác động môi trường, của sản xuất sạch và xanh, của nguồn gốc xuất xứ và nhật ký tọa độ đánh bắt. Đó là chưa nói những tiêu chuẩn khác của nhà nhập khẩu.

Về phía EU, trước giờ hàng hóa của EU có tiêu chuẩn và chất lượng vượt trội, không hề sợ rào cản kỹ thuật nếu có, và nay thuận lợi hơn rất nhiều khi xuất qua Việt Nam. Thí dụ, mức thuế đang là 78% đối với ô tô, 50% đối với rượu vang, 35% đối với máy móc...

Sức cạnh tranh của một số mặt hàng này của EU sẽ tăng lên mạnh mẽ, chẳng hạn thuế ô tô và rượu giảm 50%, dược phẩm giảm 8%, chocolate giảm 30%... Tuy nhiên, xin đừng quên là rất nhiều mặt hàng của khối ASEAN đang hưởng mức thuế 0%.

Nông sản vẫn không dễ dàng qua EU vì những tiêu chuẩn hữu cơ, tiêu chuẩn môi trường và vệ sinh dịch tễ, an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, về mặt đầu tư nước ngoài, nếu có chính sách và chế độ ưu đãi, lĩnh vực này có thể có nhiều chuyển biến tích cực, dựa trên thuận lợi về thuế và cải thiện chất lượng từ phương pháp nuôi trồng.

Vì khuôn khổ bài báo có hạn, không thể nói thêm và nói sâu về các ngành nghề khác. Dự báo nhìn thấy được là kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ EU sẽ tăng mạnh (năm 2019, EU xuất qua Việt Nam 14,91 tỉ đô la Mỹ và nhập từ Việt Nam 41,48 tỉ đô la giá trị hàng hóa).

Các mặt hàng trước đây chưa chiếm tỷ trọng lớn, nay có thể tăng vọt. Thí dụ, vải của Ý, sữa bột Ba Lan, máy móc thiết bị của Cộng hòa Czech, Slovakia, Ý, Tây Ban Nha; dược phẩm của Pháp, chocolate của Bỉ và Thụy Sỹ, thịt heo của Đan Mạch và Đức, nông sản của Hà Lan...

Ngoài ra, vẫn còn hạn ngạch cho một số mặt hàng, bao gồm cá ngừ (11.500 tấn), gạo (80.000 tấn), sản phẩm ngành đường (20.400 tấn), tinh bột sắn (30.000 tấn), bắp ngọt (500 tấn), surimi (500 tấn), tỏi (400 tấn), nấm (350 tấn)... Các doanh nghiệp xuất khẩu liên quan cần lưu ý kỹ điều này.

Triển vọng đầu tư trực tiếp và dịch vụ

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến hết năm 2018, EU là đối tác thương mại lớn thứ tư (sau Trung Quốc, Mỹ và Hàn Quốc) và là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai (sau Mỹ) của Việt Nam. EU còn là đối tác đầu tư nước ngoài (FDI) lớn thứ tư của Việt Nam (sau ASEAN, Hàn Quốc và Nhật Bản). Ngược lại, Việt Nam cũng là đối tác kinh tế quan trọng thứ hai của EU trong khu vực Đông Nam Á, chỉ sau Singapore.

Theo số liệu thống kê của Eurostat và ASEANstats, năm 2017, FDI của EU chủ yếu là FDI nội khối (chiếm hơn 61%), FDI vào Mỹ chiếm 29,35%, FDI vào ASEAN đạt 5,7%, tương đương 175,2 tỉ đô la Mỹ trong giai đoạn 2010-2017. Trong tương quan với các nước ASEAN khác, Việt Nam chưa phải là đối tác đầu tư lớn với tỷ trọng chỉ chiếm khoảng 3% tổng đầu tư của EU vào ASEAN, đứng thứ ba sau Singapore (85%) và Malaysia (10%).

Khả năng tăng số lượng và quy mô FDI của EU tại Việt Nam rất lớn, vì dư địa còn nhiều, đồng thời EVFTA đã đề cập đến cả những dịch vụ tương quan, như ngành bảo hiểm, ngân hàng, M&A (mua bán và sáp nhập), R&D (nghiên cứu và phát triển), AI (trí tuệ nhân tạo), Blockchain và FinTech...

FDI ở Việt Nam nói chung có kim ngạch xuất khẩu (kể cả dầu thô) của năm 2019 đã đạt mức 181,35 tỉ đô la Mỹ, chiếm 68,8% tổng kim ngạch xuất khẩu. Điều này nên mừng hay nên lo, hay vừa mừng vừa lo? Vì có thể thấy, sự “lệ thuộc” hay “cộng sinh” vào những tập đoàn nước ngoài đang tăng cao.

Một số góc nhìn khác

Trong một dịp khác, những vấn đề sau đây nên được đào sâu để hiểu rõ hơn bối cảnh, điều kiện, mục tiêu tiềm ẩn, các chủ ý chiến lược từ phía EU và từ phía Việt Nam.

1. Triết lý kinh tế - chính trị: Sau Singapore, Việt Nam là nước thứ hai của khối ASEAN ký hiệp định thương mại tự do (FTA) với EU. Triết lý chính trị của EU xem FTA là một phương cách hữu hiệu để thực hiện chiến lược toàn cầu hóa theo hình dung của EU, dựa trên vùng địa chiến lược như ASEAN, nghĩa là bao gồm cả địa kinh tế và địa chính trị, nhất là khi biển Đông đang là một khu vực rất nóng đối với tự do hàng hải và các mặt khác.

EU ký EVFTA là hiệp định bao quát và rộng nhất so với các FTA trước đây, sau chín năm bốn tháng đàm phán gay go, một phần vì bị chính trị hóa. Việc đàm phán của EU về FTA với Thái Lan, Malaysia và Indonesia đang tiến hành.

Nếu chỉ nhìn EVFTA và EVIPA bằng nhãn quan chính trị và chính trị hóa nó thì sẽ rất phiến diện, vì EU rất xem trọng việc phổ cập hóa các quy chuẩn giá trị châu Âu, các tiêu chuẩn, tiêu chí bảo vệ môi trường, và nhất là mục tiêu phát triển bền vững, xem đó là sứ mệnh bao quát cả mặt chính trị.

2. Quyền của người lao động: Việt Nam phải tham gia thêm ba công ước (Norm) của Tổ chức Lao động thế giới (ILO) liên quan đến quyền của người lao động để EU thông qua được EVFTA. Ràng buộc này là một bước tiến của cả hai phía. Các công ước 87, 98 và 105 sẽ góp phần hoàn thiện và cải cách thể chế.

3. Bảo vệ môi trường và phát triển bền vững: Các đảng xanh của EU đã không bỏ phiếu thuận cho việc ký EVFTA, nhưng đó là những cảnh báo cần thiết để chú ý hơn vấn đề bảo vệ môi trường, bảo vệ những quyền cơ bản của con người đã được ghi rõ trong Hiến pháp Việt Nam và Công ước EU.

Phát triển bền vững được hiểu theo ý nghĩa nhân văn cao nhất và cần có những thiết chế phù hợp từng bước một để thay đổi, cải tạo và hoàn thiện thể chế cũng như mối bang giao Việt Nam - EU.

Nói tóm lại, việc nghiên cứu EVFTA và EVIPA theo trọng tâm ngành nghề, sản phẩm, dịch vụ của mình là rất cần thiết đối với mọi doanh nghiệp.

Đặc biệt, cần hiểu rõ các điểm nghẽn, khuynh hướng phát triển, lợi thế cạnh tranh, bối cảnh thị trường hiện nay và tương lai trong vòng mươi năm tới, để vận dụng cơ hội và vượt thắng thách thức

Nguồn: TBKTSG

Chat qua zalo