Giải ngân vốn FDI đạt tiến độ khá tích cực

Dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp và có thể còn kéo dài thêm một thời gian nữa, sẽ khiến quá trình xúc tiến đầu tư hay mở rộng đầu tư của nhiều nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài có thể bị chậm lại.

Tuy nhiên, điểm đáng mừng trong “bức tranh” FDI là vốn giải ngân đạt khá tốt. Cụ thể, trong 2 tháng, giải ngân vốn FDI là gần 2,5 tỷ USD, bằng 95% so với cùng kỳ năm 2019. Điều này cho thấy, trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam cũng chịu tác động lớn từ dịch bệnh, nhưng NĐT nước ngoài vẫn khá lạc quan, tin tưởng vào môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Đây là nhận định của ông Nguyễn Văn Toàn – Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) đầu tư nước ngoài, trong cuộc trao đổi với phóng viên TBTCVN.

PV: Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về tác động của dịch Covid-19 đến thu hút vốn FDI trong những tháng đầu năm nay?

Ông Nguyễn Văn Toàn: Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 2 tháng đầu năm 2020, tổng vốn FDI vào Việt Nam (bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của NĐT nước ngoài) đạt gần 6,5 tỷ USD, chỉ bằng khoảng 76,4% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, riêng Dự án Nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu của NĐT Singapore đã có vốn đăng ký lên đến gần 4 tỷ USD. Như vậy, giả sử nếu không có dự án quy mô rất lớn đó thì thu hút vốn FDI sẽ còn giảm sâu hơn nữa. 

Về nguyên nhân của sự sụt giảm, tôi cho rằng, một mặt, tháng 1, tháng 2 đầu năm là thời điểm sau Tết Nguyên đán nên thường thu hút FDI cũng thấp hơn các giai đoạn khác trong năm. Mặt khác, do sự bùng phát mạnh dịch Covid-19 nên cũng có phần ảnh hưởng nhất định đến việc thu hút FDI từ đầu năm đến nay. Tôi cũng cho rằng, tác động của dịch Covid-19 sẽ còn ảnh hưởng mạnh hơn vào khoảng cuối quý I, đầu quý II năm nay và sự ảnh hưởng này là trong ngắn hạn (tức là có thể kéo dài khoảng 3 – 6 tháng).
Bên cạnh sự sụt giảm lượng vốn FDI thu hút, điểm đáng mừng trong “bức tranh” FDI là vốn giải ngân đạt khá tốt. Cụ thể, trong 2 tháng, giải ngân vốn FDI là gần 2,5 tỷ USD, bằng 95% so với cùng kỳ năm 2019. Điều này cho thấy, trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam cũng chịu tác động lớn từ dịch bệnh, nhưng NĐT nước ngoài vẫn khá lạc quan, tin tưởng vào môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Vì vậy, dòng vốn FDI thực sự chảy vào nền kinh tế vẫn khá tốt.

PV: Một số ý kiến cho rằng, dịch Covid-19 cũng được cho là cơ hội để Việt Nam đón nhận nhanh hơn dòng vốn FDI, đặc biệt là dòng vốn đầu tư dịch chuyển khỏi Trung Quốc. Ông nhìn nhận như thế nào về khả năng này?

Ông Nguyễn Văn Toàn: Qua quan sát hoạt động đầu tư nước ngoài trong nước, thế giới những năm gần đây, tôi cho rằng, xu hướng nhiều NĐT nước ngoài dịch chuyển nhà máy ra khỏi Trung Quốc đã bắt đầu từ vài năm trở lại đây. Bởi, những giai đoạn trước rất nhiều NĐT từ các quốc gia trên thế giới đổ xô đầu tư vào Trung Quốc, biến Trung Quốc trở thành “công xưởng của thế giới”. 

Nhưng đến giai đoạn hiện nay, các NĐT nhận thấy công xưởng Trung Quốc đang quá lớn và đến một thời điểm sẽ đi đến giới hạn, do đó nếu tập trung quá nhiều vào thị trường Trung Quốc, các NĐT có thể gặp rất nhiều rủi ro. Vì vậy, các NĐT sẽ phải đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường đầu tư nhiều hơn để phân tán rủi ro, theo đó có xu hướng NĐT tìm những thị trường lân cận trong khu vực có tiềm năng, lợi thế để dịch chuyển đầu tư ra khỏi Trung Quốc, trong đó có Việt Nam.

Do đó, tôi cho rằng, xu hướng nhiều NĐT dịch chuyển khỏi Trung Quốc vẫn đang tiếp tục diễn ra và dịch Covid-19 chỉ là “cú huých” nhẹ chứ không hẳn là nguyên nhân chủ yếu tạo nên dòng dịch chuyển đầu tư khỏi Trung Quốc. 

PV: Ông dự báo như thế nào về mức thu hút FDI của cả năm 2020?

Ông Nguyễn Văn Toàn: Như trên tôi đã phân tích, năm nay, biến động lớn nhất là sự bùng phát của dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến toàn nền kinh tế thế giới, trong đó nhiều đối tác thương mại, đầu tư lớn nhất của Việt Nam như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc… lại đang là những tâm dịch. Do dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp và có thể còn kéo dài thêm một thời gian nữa, sẽ khiến quá trình xúc tiến đầu tư hay mở rộng đầu tư của nhiều NĐT nước ngoài có thể bị chậm lại, hoãn lại, từ đó sẽ ảnh hưởng đến lượng vốn FDI chảy vào Việt Nam trong năm nay. Trong bối cảnh đó, tôi cho rằng, lượng vốn FDI thu hút cả năm nay sẽ sụt giảm khoảng từ 10 - 15% so với năm 2019.

Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi, cũng không nên đặt nặng quá về vấn đề lượng vốn FDI thu hút. Thay vào đó, chúng ta cần quan tâm nhiều hơn đến lượng vốn giải ngân và chất lượng nguồn vốn. Bởi, lượng vốn giải ngân và nguồn vốn có chất lượng cao mới phản ánh thực chất hiệu quả của hoạt động thu hút FDI. Dự báo về lượng vốn giải ngân năm nay, tôi cho rằng, lượng vốn giải ngân sẽ đạt khá và không sụt giảm nhiều so với năm 2019.

PV: Từ những vấn đề chia sẻ ở trên, theo ông, để duy trì tốt các hoạt động thu hút FDI, cần phải làm gì?

Ông Nguyễn Văn Toàn: Như tôi đã nói, thay vì thu hút thật nhiều vốn FDI, thời điểm này, chúng ta cần tập trung thu hút nhiều nguồn vốn chất lượng cao, nhất là nguồn vốn từ các nước phát triển tiên tiến trên thế giới. Đặc biệt, cần nâng cao tỷ lệ nội địa hóa của khu vực DN FDI, để hoạt động đầu tư của khu vực DN FDI đem lại giá trị giá tăng cao hơn cho nền kinh tế đất nước…

Mới đây, Samsung Việt Nam công bố bắt đầu xây dựng Trung tâm Nghiên cứu và phát triển mới (R&D) với quy mô lớn nhất khu vực Đông Nam Á và cũng là trung tâm R&D lớn nhất từ trước đến nay của DN FDI tại Việt Nam. Dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 220 triệu USD, trên diện tích xây dựng chỉ hơn 1 ha, cho thấy suất đầu tư vào công nghệ của họ rất lớn. Đây là một tín hiệu rất tích cực trong “bức tranh” chung về FDI. Tôi hy vọng, trong tương lai, Việt Nam sẽ thu hút được nhiều hơn những dự án có chất lượng cao như thế này, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đã và sẽ thực thi nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, qua đó đóng góp nhiều hơn, hiệu quả hơn cho sự phát triển nền kinh tế đất nước. 

PV: Xin cảm ơn ông!

Nguồn: Thoibaotaichinhvietnam.vn

Chat qua zalo