Global Times: Phép màu kinh tế Việt Nam liệu có tiếp tục tạo ra kỳ tích trong 2021?
Ngày:26/01/2021 10:47:36 CH
Năm 2020, Việt Nam được ghi nhận là quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao nhất ở châu Á và sẽ một lần nữa gây tiếng vang khu vực vào năm 2021, theo báo cáo Kinh tế châu Á hàng quý của HSBC.
Vẽ nên kỳ tích từ những cuộc suy thoái
Nền kinh tế Việt Nam đã duy trì tăng trưởng suốt 3 thập kỷ, đứng vững qua cuộc khủng hoảng tài chính châu Á và cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, tiến tới một quốc gia thu nhập trung bình từ một đất nước nghèo. Và ngay cả cuộc suy thoái toàn cầu trong bối cảnh đại dịch cũng không thể cản nổi kỳ tích Việt Nam.
Tờ Global Times nhận định, xuất khẩu là một trong những động lực chính để kinh tế bứt phá. Xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ tăng 29,1% vào năm 2019 và tiếp tục tăng 24,5% vào năm 2020, đạt kim ngạch 76,4 tỷ USD. Qua đó Việt Nam trở thành đối tác nhập khẩu lớn thứ 2 của Mỹ.
Thặng dư thương mại cao với Hoa Kỳ cũng đảm bảo đà tăng trưởng của thặng dư thương mại Việt Nam trong 5 năm liên tiếp để tiến tới mức kỷ lục 19,1 tỷ USD vào năm 2020. Đặc biệt, nằm ở vị trí kết nối ASEAN và Trung Quốc, Việt Nam có được lợi thế thị trường chung của hợp tác khu vực, đồng thời có thể tiếp cận các thị trường rộng lớn của ASEAN và Trung Quốc.
Theo đó, dòng chảy đầu tư từ các nước ASEAN đổ vào Việt Nam đã không ngừng tăng lên trong những năm qua. Trong đó Singapore vẫn đứng đầu về đầu tư, chiếm 31,5% dòng vốn FDI vào Việt Nam. Tác giả Nie Huihui cho biết, mô hình sản xuất Trung Quốc+1 đã đem đến nhiều cơ hội cho Việt Nam nhờ vị trí tiếp giáp Trung Quốc.
Bên cạnh đó, quan hệ thương mại giữa 2 nước cũng ngày càng được đẩy mạnh ở cả 2 chiều khi Trung Quốc đóng vai trò là đối tác nhập khẩu lớn nhất và là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2. Điều này đã góp phần giúp Việt Nam nắm giữ vị trí quan trọng trong mạng lưới thương mại châu Á - Thái Bình Dương.
Một động lực khác tạo ra phép màu kinh tế của Việt Nam chính là cải cách môi trường kinh doanh. Tờ Global Times nhấn mạnh, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, Việt Nam đã duy trì ổn định chính trị và hòa bình xã hội, đặc biệt là đạt được mục tiêu kép trong đại dịch Covid-19.
Nổi bật trong năm 2020, Việt Nam đã ký Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do Liên minh Châu Âu - Việt Nam (EVFTA) và hiệp định thương mại Anh - Việt, mở rộng hơn nữa thị trường xuất khẩu. Như vậy, Việt Nam đã ký kết hiệp định thương mại tự do với hầu hết các nền kinh tế lớn trên thế giới.
Ngoài ra, Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp cũng được sửa đổi năm 2020 nhằm tạo điều kiện tốt hơn cho việc thu hút đầu tư nước ngoài.
Vẫn còn nhiều thách thức trong cả ngắn hạn và dài hạn
Trong ngắn hạn, Covid-19 vẫn tiếp tục đồng nghĩa với việc ngành du lịch chưa thể phục hồi.
Đặc biệt là ngành da giày và dệt may, chiếm ¼ kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam lại chịu ảnh hưởng lớn từ nhu cầu tiêu dùng ở Mỹ và châu Âu. Lần đầu tiên sau 25 năm, ngành đã chứng kiến tăng trưởng âm vào năm 2020. Tỷ trọng xuất khẩu sang EU giảm từ con số 15% trong những năm qua xuống còn 12,7%.
Về lâu dài, việc Việt Nam phụ thuộc nhiều vào đầu tư nước ngoài và dựa vào các thị trường nước ngoài cũng gây nên nhiều nỗi lo. Các công ty nước ngoài tại Việt Nam chiếm đến 70% hoạt động ngoại thương, trong đó Samsung chiếm 25% tổng kim ngạch xuất khẩu. Do đó, chỉ một sự biến động trong doanh thu của Samsung cũng ngay lập tức gây ra bất ổn kinh tế Việt Nam. Sự kiện thu hồi dòng điện thoại Note 7 của Samsung chính là một bài học đắt giá.
Cuối cùng, Global Times bày tỏ sự quan đặc biệt đến Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam, một sự kiện trọng đại của Việt Nam với vai trò là "ngôi sao đang lên".