“Hạ nhiệt” chi phí logistics: Cần quản lý việc tăng phí và phụ phí (Kỳ III)
Ngày:09/12/2020 01:51:46 CH
Doanh nghiệp kiến nghị Nhà nước đẩy mạnh việc quản lý các hãng tàu container nước ngoài không được tăng thu phụ phí THC và các phụ phí khác.
Chi phí logistics tại Việt Nam, chi phí vận tải quá cao, tương đương 30 – 40% giá thành sản phẩm, trong khi tỷ lệ này chỉ khoảng 15% ở các quốc gia khác. Điều này làm giảm đáng kể khả năng cạnh tranh hàng hóa của các doanh nghiệp Việt Nam. Thực tế, thị trường vận tải đường bộ, logistics còn chưa minh bạch, thiếu thông tin, giá cước vận tải cao từ vận tải đường bộ đến đường biển.
Có 90% hàng hoá xuất nhập khẩu của Việt Nam đi bằng đường biển, trong khi đó, các hãng tàu vận chuyển container nước ngoài đang áp đặt việc thu phí và phụ phí rất cao.
Quản lý các hãng tàu container nước ngoài
Cụ thể, có 90% hàng hoá xuất nhập khẩu của Việt Nam đi bằng đường biển, trong khi đó, các hãng tàu vận chuyển container nước ngoài đang áp đặt việc thu phí và phụ phí rất cao tại các cảng biển Việt Nam đối với hàng hóa xuất nhập khẩu ngoài tiền cước vận chuyển.
“Đây là gánh nặng làm gia tăng cao chi phí logistics đối với hàng hóa vận chuyển bằng đường biển. Cũng như cước vận tải biển, mức phí và phụ phí các hãng tàu container nước ngoài thu chỉ chênh lệch đôi chút giữa các hãng vận chuyển”, Hiệp hội Logisitcs Việt Nam (VLA) nhận định.
Cùng với đó, các hãng tàu container nước ngoài đang thu phụ phí THC (Phụ phí xếp dỡ tại cảng) cao nhưng chỉ trả lại cho cảng ở mức chỉ bằng 30% - 45% mức thu từ các khách hàng xuất nhập khẩu.
“Đề nghị các cơ quan quản lý Nhà nước về vận tải biển và giá cần đẩy mạnh việc quản lý các hãng tàu container nước ngoài không được tăng thu phụ phí THC và các phụ phí khác, thể hiện công cụ quản lý Nhà nước là yếu tố quan trọng nhằm góp phần cắt giảm chi phí logistics quốc gia", VLA khuyến nghị.
Các hãng tàu container nước ngoài đang thu phụ phí THC (Phụ phí xếp dỡ tại cảng) cao nhưng chỉ trả lại cho cảng ở mức chỉ bằng 30% - 45% mức thu từ các khách hàng xuất nhập khẩu.
Xem xét lại các BOT
Không khá khẩm hơn, vận tải đường bộ cũng luôn ở mức cao do đơn vị chủ phương tiện không trực tiếp làm việc với chủ hàng mà phải thông qua nhiều khâu trung gian, môi giới làm hiệu quả khai thác thấp và hệ số chạy rỗng cao.
VLA đánh giá, tính kết nối giữa chủ hàng và chủ phương tiện vận tải, các nhà cung cấp dịch vụ logistics chưa tốt cho nên chưa kết hợp được phương thức vận tải tối ưu làm hạ chi phí logistics. Để tận dụng nguồn hàng đi hai chiều phải thiết lập được một sàn giao dịch uy tín do cơ quan quản lý có thẩm quyền trực tiếp điều hành và kiểm tra các nhà xe uy tín mới cho phép được lên sàn, hoặc một công ty cộng đồng điều hành.
Do đó, kiến nghị, cơ quan chức năng cần xem xét lại đối với các trạm thu phí BOT có chi phí còn khá cao, các trạm lại rất gần nhau trên một cung đường ngắn. Đồng thời, nghiên cứu giảm bớt số lượng trạm BOT và giảm bớt chi phí cho từng trạm để tránh đội chi phí của doanh nghiệp lên nhiều lần. Hoàn thiện việc thu phí điện tử nhằm giảm ùn tắc và tiết kiệm thời gian lưu thông.
Cùng với đó, tình trạng tắc nghẽn giao thông hiện tại và các quy định của thành phố lớn về việc xe tải lớn chở hàng hóa được phép vào thành phố theo giờ quy định làm ảnh hưởng đến lưu lượng và thời gian đình trệ trong vận chuyển, làm tăng chi phí hoạt động cho các doanh nghiệp vận chuyển logistics. Điển hình là TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội.
“Để giải quyết vấn đề này, các thành phố, nhất là TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội nên xem xét việc thành lập các khu trung chuyển, giao nhận hàng hóa ở gần nội”, VLA đề xuất.