Hà Nội đầu tư tuyến metro số 5
Ngày:15/03/2021 11:04:30 SA
UBND TP. Hà Nội sẽ phải chuẩn bị nhiều nguồn lực để có thể đưa vào khai thác Dự án Đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến số 5 trị giá 65.404 tỷ đồng vào năm 2026.
Phối cảnh một đoạn của Dự án metro số 5 (Hà Nội)
Giải bài toán nguồn lực
Quyết tâm sớm triển khai Dự án Đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến số 5: Văn Cao - Ngọc Khánh - Láng - Hòa Lạc (Dự án metro số 5) là điều có thể nhận thấy trong Công văn số 593/UBND-KH&ĐT tham gia ý kiến thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án vừa được UBND TP. Hà Nội gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Với tư cách là đơn vị chủ trì xây dựng Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án metro số 5, Công văn số 593/UBND-KH&ĐT mang tính chất giải trình, hơn là phản biện, cho ý kiến như các thành viên của Hội đồng Thẩm định khác.
Vào cuối tháng 10/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1699/TTg-QĐ thành lập Hội đồng Thẩm định Nhà nước để thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án metro số 5. Theo đó, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao làm Chủ tịch Hội đồng; Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm Phó chủ tịch Hội đồng; 15 ủy viên Hội đồng là đại diện lãnh đạo các bộ: Giao thông - Vận tải (GTVT), Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quốc phòng, Công an, Khoa học và Công nghệ, Ngoại giao, Tư pháp, Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và UBND TP. Hà Nội.
Tại Công văn số 593/UBND-KH&ĐT, ngoài việc tái khẳng định việc sớm triển khai Dự án metro số 5, lãnh đạo UBND TP. Hà Nội tập trung làm rõ việc huy động các nguồn lực tài chính để tuyến đường sắt đô thị này được triển khai tại Thủ đô.
Tại Tờ trình số 151/TTr-UBND ngày 16/9/2020 gửi Thủ tướng về việc thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án metro số 5, UBND TP. Hà Nội dự kiến, tổng kinh phí xây dựng tuyến metro số 5 theo tiêu chuẩn đường đôi, điện khí hóa, gồm 6,5 km đi ngầm, 2 km đi trên cao và 29,93 km đi trên mặt đất (với 21 ga đi qua địa phận các quận: Ba Đình, Đống Đa, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm; các huyện: Hoài Đức, Quốc Oai, Thạch Thất) khoảng 65.404 tỷ đồng.
Trong Công văn số 593/UBND-KH&ĐT, ông Dương Đức Tuấn, Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho biết, do định hướng khung kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm của TP. Hà Nội giai đoạn 2021-2025 mới đây đã định hướng phân bổ 8.000 tỷ đồng vốn từ cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp giai đoạn 2021-2025 cho hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản khác của Thành phố, nên UBND TP. Hà Nội đề nghị được điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn huy động cho Dự án metro số 5 so với phương án đề xuất tại Tờ trình số 151/TTr-UBND.
Cụ thể, để có đủ vốn xây tuyến metro số 5, UBND TP. Hà Nội sẽ dành 15.000 tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư công và tiết kiệm chi trong giai đoạn 2021 - 2025 (trung bình 3.000 tỷ đồng/năm); 10.000 - 12.000 tỷ đồng vốn từ cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp; 15.000 tỷ đồng từ đấu giá một số khu đất; phát hành trái phiếu dự kiến 10.000 tỷ đồng; vay tổ chức tài chính trong và ngoài nước cho phần kinh phí còn lại (6.900 tỷ đồng).
Những tín hiệu thuận
Một điểm rất thuận lợi cho UBND TP. Hà Nội trong việc cân đối ngân sách cho Dự án metro số 5 là việc Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 115/2020/QH14 ngày 19/6/2020 về một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội. Nghị quyết này quy định mức dư nợ vay của ngân sách TP. Hà Nội được nâng từ không vượt quá 70% lên không vượt quá 90% số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp. Như vậy, khi Nghị quyết có hiệu lực, mức dư nợ vay tối đa của TP. Hà Nội năm 2020 dự kiến là 91.828 tỷ đồng (tăng thêm khoảng 20.000 tỷ đồng).
UBND TP. Hà Nội cũng khẳng định sẽ chỉ đạo các sở, ngành liên quan, các quận, huyện, thị xã rà soát, xác định quỹ đất dự kiến tạo nguồn vốn để đầu tư Dự án metro số 5, trong đó dự kiến quy định điều tiết 100% về ngân sách Thành phố số tiền sử dụng đất thu được đối với quỹ đất trên địa bàn Thành phố dự kiến dành riêng để đầu tư Dự án metro số 5 trong Kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025 của Thành phố (Đề án phân cấp nguồn thu ngân sách Thành phố giai đoạn 2021-2025 trình HĐND TP. Hà Nội).
Đặc biệt, thay vì phân kỳ đầu tư Dự án metro số 5 thành 2 giai đoạn (giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2020 thực hiện đoạn Văn Cao - Vành đai 4; giai đoạn 2020 - 2030 thực hiện đoạn Vành đai 4 - Hòa Lạc; trên tuyến bố trí 17 ga), UBND TP. Hà Nội kiến nghị thực hiện đầu tư toàn tuyến trong một giai đoạn.
“Việc đầu tư toàn tuyến trong giai đoạn 2021- 2025 phù hợp với thời điểm hiện tại, giúp nâng cao hiệu quả đầu tư, phát huy tối đa hiệu quả kinh tế - xã hội và thực tế yêu cầu phát triển khu vực Dự án. Ngoài ra, với khả năng TP. Hà Nội đủ thu xếp vốn đầu tư toàn bộ Dự án trong một giai đoạn, thì việc không phân kỳ đầu tư sẽ góp phần tiết giảm, hạ giá thành đầu tư xây dựng (chi phí huy động, thuê thiết bị thi công, quản lý dự án...”, ông Dương Đức Tuấn khẳng định.
Bộ GTVT cũng đã bật đèn xanh ủng hộ Hà Nội sớm triển khai Dự án metro số 5.
“Với tình trạng ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng, việc đề xuất nghiên cứu, đầu tư tuyến đường sắt đô thị số 5 để dần hoàn chỉnh mạng lưới đường sắt đô thị theo quy hoạch là rất cần thiết, nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại và tiến tới hình thành loại hình vận tải công cộng văn minh, hiện đại trên địa bàn TP. Hà Nội”, ông Nguyễn Ngọc Đông, Thứ trưởng Bộ GTVT đánh giá.