Hà Nội đề xuất đánh thuế biệt thự, nhà liền kề “ma”

Nhiều căn biệt thự, nhà liền kề có giá từ 10 tỉ đến hàng chục tỉ đồng được xây dựng ồ ạt tại nhiều khu vực ở Hà Nội rồi lại bỏ hoang nhiều năm nay. Trước vấn đề này, TP Hà Nội vừa đề xuất Bộ Tài chính phương án đánh thuế đối với nhà bỏ hoang, không đưa vào sử dụng.

Các biệt thự, nhà liền kề bị bỏ hoang nhiều năm đang gây lãng phí rất lớn nguồn lực xã hội

Mới đây, Báo Lao Động đã có những bài viết phản ánh về tình trạng nhà liền kề, biệt thự bỏ hoang nhiều năm nay trên địa bàn TP Hà Nội. Các căn nhà bị bỏ hoang trong tình trạng nhếch nhác, rêu cỏ mọc um tùm, phía trong đầy rác rưởi, kim tiêm…

Có thể kể đến các khu biệt thự, nhà liền kề ở khu đô thị Nam An Khánh (Hoài Đức), khu đô thị Vân Canh (huyện Hoài Đức), khu đô thị Xuân Phương (quận Nam Từ Liêm) hay khu đô thị Ledico (ở Trạm Trôi, huyện Hoài Đức) cũng đang có "kịch bản" tương tự, bởi hàng loạt căn biệt thự, nhà liền kề bỏ hoang cả 10 năm nay mà không ai về ở.

Các biệt thự, nhà liền kề bị bỏ hoang nhiều năm đang gây lãng phí rất lớn nguồn lực xã hội

Trước tình trạng này và để tránh lãng phí, gây mất cảnh quan đô thị, TP Hà Nội vừa đề xuất Bộ Tài chính phương án đánh thuế đối với nhà bỏ hoang, không đưa vào sử dụng.

Theo đề xuất của TP Hà Nội, biệt thự bỏ hoang 3 tháng có thể áp thuế khoảng 5% trên giá trị hợp đồng, còn sau một năm biệt thự vẫn bỏ hoang sẽ bị tính thuế 10% trên tổng giá trị.

Bên cạnh đó, Hà Nội còn đề xuất xử phạt hành chính chủ sở hữu biệt thự, với mức phạt 10 - 20 triệu đồng/căn, đồng thời kiến nghị Chính phủ áp dụng thu thuế cao lũy tiến đối với người mua từ ngôi nhà thứ hai trở lên.

Trao đổi với Lao Động về đề xuất này, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (chuyên gia kinh tế) cho rằng, các khu đô thị bỏ hoang đang gây lãng phí lớn nguồn lực xã hội, là một trong vấn đề cần có cơ chế chính sách giải quyết để sử dụng hợp lý. Thông thường, người mua nhà đều có nhu cầu sử dụng, hoặc là cho thuê, hoặc là đầu tư sinh lời, nhưng hiện nhiều khu phải bỏ không vì kết nối hạ tầng chưa tốt, điện – đường – trường – trạm chưa khai thông… Người mua nhà muốn ở không được, muốn cho thuê cũng không xong.

Ông Thịnh cho rằng, nếu mua nhiều bất động sản rồi để không thì nên đánh thuế người sở hữu căn hộ. Trường hợp nếu chỉ là căn nhà thứ hai thì cần đánh thuế chính chủ đầu tư – là căn nguyên để khu đô thị bỏ hoang, chứ không phải đánh thuế người sở hữu căn hộ và người mua để đầu tư.

“Biện pháp đánh thuế có lẽ hợp lý với trường hợp sở hữu nhiều nhà không sử dụng. Các cơ quan quản lý và chính quyền địa phương cần có nghiên cứu kỹ để đưa ra chính sách, đề xuất chính sách thấu đáo vừa có cơ sở khoa học vừa có thực tiễn” - chuyên gia này nêu quan điểm.

Cũng theo ông Đinh Trọng Thịnh, trong trường hợp đánh thuế căn hộ bỏ hoang thì cơ quan quản lý cần đánh thuế tương xứng với giá trị coi như nhà chưa sử dụng; còn trường hợp mua để đó, không sử dụng thì đánh thuế như cho thuê.

Vào đầu tháng 5.2021, Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) cũng có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất các giải pháp đặc trị sốt đất, sốt giá nhà. Về vấn đề này, Bộ Tài chính cho rằng, để góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về bất động sản thì việc nghiên cứu, hoàn thiện các chính sách thuế liên quan là cần thiết, tuy nhiên giải pháp về thuế cần được nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng trước khi trình cấp có thẩm quyền ban hành.

Chat qua zalo