Hà Nội: Hạ tầng phát triển mạnh sẽ xoá bỏ các dự án ma
Ngày:11/03/2020 02:41:58 CH
Là doanh nghiệp có dự án quy mô lớn nhất tại khu vực Nam Hà Nội, ông Dennis Ng Teck Yow - Phó Tổng giám đốc Công ty Gamuda Land Việt Nam cho rằng một trong những vấn đề mà mà doanh nghiệp bất động sản quan tâm nhất hiện nay là sự đồng bộ và tốc độ theo kịp của hạ tầng so với tốc độ đô thị hóa và quy hoạch.
Thách thức đặt ra cho Hà Nội
Theo đó, nếu như hạ tầng không phát triển tốt và theo kịp thì chi phí phát triển dự án sẽ tăng lên cũng như làm mất đi những lợi thế đáng lẽ là có của dự án. Do đó, ông Dennis Ng Teck Yow mong muốn Chính phủ và các địa phương cần ưu tiên phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng về giao thông thì mới tạo ra được những dự án bất động sản tốt.
Chia sẻ quan điểm trên, ông Desmond Sim - Trưởng bộ phận nghiên cứu thị trường của CBRE tại Singapore và Đông Nam Á nhấn mạnh hạ tầng sẵn sàng là một trong những thách thức lớn đối với Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng do tốc độ đô thị hóa nhanh dẫn đến việc hạ tầng không đáp ứng được tốc độ đô thị hóa. Nếu hạ tầng không theo kịp thì tất yếu cũng sẽ kìm hãm sự phát triển của thị trường bất động sản nói chung.
Hạ tầng cũng là yếu tố được ông Lê Quốc Huân - Giám đốc thương mại dự án ParkCity Hanoi khẳng định là tầm quan trọng hàng đầu bên cạnh câu chuyện bài toán tài chính quyết định đến sự thành công của một dự án bất động sản.
Đặc biệt hơn, với xu hướng được CBRE chỉ ra về việc thị trường bất động sản Hà Nội 2020 dự kiến sẽ chứng kiến sự mở rộng hơn nữa tới các quận ngoại thành trong khi sức hấp thụ của thị trường vẫn duy trì tích cực do người mua đang chú ý nhiều hơn đến các khu vực này. Theo đó, sẽ sớm hình thành các dự án, cụm dân cư mới ra xa hơn tại các khu vực phía Tây và Bắc thành phố, đến từ cả các chủ đầu tư trong nước và nước ngoài.
"Như vậy, để hiện thực hóa được dự báo tích cực trên thì hạ tầng, nhất là hạ tầng về giao thông tiếp tục là thách thức đặt ra cho Hà Nội trong việc đầu tư hạ tầng theo kịp tốc độ đô thị hóa" - ông Huân cho biết.
Nhu cầu thực tăng lên
Nhìn ở góc độ thị trường, bà Dương Thùy Dung - Giám đốc cấp cao, Trưởng bộ phận nghiên cứu CBRE Việt Nam phân tích, xu hướng dịch chuyển ra ngoài trung tâm thành phố xuất hiện 5 năm trở lại đây, phát triển mạnh mẽ 2 năm nay là sự dịch chuyển ra vùng ven. Sự phát triển này từ sự cải thiện rất lớn từ cơ sở hạ tầng.
“2 năm nay, bất động sản vùng ven khởi sắc trở lại. Một thời gian dài chúng ta nói đến khu đô thị ma, khu đô thị bỏ hoang bởi kết nối cơ sở hạ tầng chưa sẵn sàng. Giờ cơ sở hạ tầng sẵn sàng, nhu cầu mua tăng lên, khả năng chi trả tăng lên, những khu đô thị này đã được khoác áo mới”, bà Dung nói.
Bà Dung cho biết thêm, khả năng hấp thụ của khu đô thị này tốt, người dân bắt đầu chuyển về ở. Đặc biệt, nếu như trước đây, người mua tại những khu đô thị này là để đầu cơ và không chuyển về ở. Nhưng hiện nay, nhu cầu thực tăng lên. Có khu đô thị về khoảng cách rất xa nhưng thời gian đi lại chỉ khoảng 30 phút đến trung tâm nhưng đều kín người thuê và người ở. Những khu vực xa trung tâm, chủ đầu tư tích hợp nhiều tiện ích.
“Việc chuyển ra ngoài trung tâm bởi hạ tầng trong trung tâm không theo kịp sự đô thị hóa của các thành phố lớn. Vì vậy, hệ lụy từ đô thị hóa quá nhanh như ô nhiễm môi trường, ô nhiễm tiếng ồn, ngập lụt, kẹt xe… Đấy là cái xu hướng đã thấy và trong tương lai sẽ là xu hướng định hình thói quen mua nhà của nhiều người”, bà Dung cho hay.
Không chỉ có vai trò quan trọng đố với sự phát triển của của các sản phẩm bất động sản phục vụ đời sống như nhà ở, khu đô thị, chung cư,… hạ tầng còn là yếu tố quan trọng hàng đầu đối với sự phát triển của phân khúc bất động sản công nghiệp tại Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
Theo báo cáo của CBRE, với xu hướng dịch chuyển dòng vốn đầu tư từ các nước sang Việt Nam ngành bất động sản công nghiệp Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển chưa từng thấy. Tuy nhiên, bài toán đặt ra là tỷ lệ lấp đầy tại các khu công nghiệp ở các tỉnh, thành phố lớn tại phía Bắc và Phía Nam hiện đang ở mức rất cao lần lượt là 92% và 80% vào cuối năm 2019.
Với việc quỹ đất phát triển bất động sản công nghiệp tại các tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Hồ Chí Minh, Bình Dương… đang ngày càng khan hiếm và có giá quá cao tất yếu các nhà phát triển bất động sản công nghiệp phải tìm đến các địa phương có vị trí địa lý xa hơn, hạ tầng kém hơn. Như vậy, nếu hạ tầng không theo kịp thì Việt Nam sẽ khó tận dụng được tối ưu xu thế dịch chuyển đang diễn ra.
Về vấn đề này, ông Đặng Thanh Sơn - Luật sư thành viên, Baker & McKenzie Việt Nam dẫn ra một ví dụ về một nhà đầu tư FDI rất lớn đến từ Đức dù rất thiện chí đã quyết định không đầu tư tại Việt Nam khi yêu cầu về hạ tầng điện không đảm bảo.
Nguồn: tapchitaichinh.vn