Hàn Quốc vượt Hồng Kông trở thành 'quán quân' đầu tư FDI vào Việt Nam năm 2019
Ngày:17/01/2020 08:44:51 SA
Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và đầu tư, năm 2019, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 38,02 tỷ USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2018.
Tính lũy kế, cả nước có gần 31.000 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 362,6 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế ước đạt 211,8 tỷ USD, bằng 58% tổng vốn đăng ký còn hiệu lực.
Trong năm 2019, ước tính các dự án FDI đã giải ngân 20,38 tỷ USD, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2018.
"Trong bối cảnh suy giảm chung của dòng FDI toàn cầu, việc vẫn duy trì được mức tăng trưởng vốn thực hiện là thành quả đáng khích lệ", Cục Đầu tư nước ngoài nhận định.
Mặc dù vốn thực hiện của khu vực FDI năm 2019 tăng so với cùng kỳ nhưng có thể thấy rằng, mức tăng đã suy giảm so với năm 2017 và 2018 (năm 2017 vốn thực hiện tăng 11% so với năm 2016, năm 2018 tăng 9%).
Về vốn đăng ký mới, cả nước có gần 4.000 dự án được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, tăng 27% số dự án so với cùng kỳ năm 2018.
Tổng vốn đăng ký cấp mới 16,7 tỷ USD, bằng 93% so với cùng kỳ năm 2018. Quy mô vốn đăng ký bình quân của dự án giảm từ 5,9 triệu USD năm 2018 xuống còn 4,3 triệu USD năm 2019.
Về vốn điều chỉnh, có 1.400 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2018. Tổng vốn đăng ký điều chỉnh 5,8 tỷ USD, bằng 76,4% so với cùng kỳ năm 2018.
Trong năm 2019, quy mô điều chỉnh mở rộng vốn của các dự án nhỏ (bình quân 4,2 triệu USD/lượt điều chỉnh, nhỏ hơn mức bình quân của năm 2018 là 6,5 triệu USD/lượt điều chỉnh) và không có dự án tăng vốn lớn như trong cùng kỳ năm 2018.
Về góp vốn, mua cổ phần, có 9.842 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị vốn góp 15,47 tỷ USD, tăng 56,4% so với cùng kỳ năm 2018 và chiếm 40,7% tổng vốn đăng ký.
Đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần có xu hướng tăng mạnh trong những năm gần đây và chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong tổng vốn đầu tư nước ngoài.
Cụ thể, năm 2017 đầu tư theo hình thức này chiếm 17,2% tổng vốn đăng ký, năm 2018 chiếm 28%, năm 2019 chiếm 40,7%.
Các nhà đầu tư nước ngoài tham gia góp vốn vào các doanh nghiệp trong nước chủ yếu vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với 46% tổng giá trị và kinh doanh bất động sản với 18%.
Xét theo lĩnh vực đầu tư, nhà đầu tư ngoại đã rót vốn vào 19 ngành lĩnh vực, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều nhất khi chiếm tỷ trọng lớn trong vốn đăng ký cả về đăng ký vào các dự án đầu tư mới, dự án đầu tư mở rộng và góp vốn, mua cổ phần.
Hoạt động kinh doanh bất động sản đứng thứ hai. Thứ ba là lĩnh vực bán buôn, bán lẻ.
Theo đối tác đầu tư, 125 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án FDI tại Việt Nam, trong đó, Hàn Quốc dẫn đầu.
Hồng Kông đứng thứ hai (trong đó có 3,85 tỷ USD mua cổ phần vào công ty TNHH Vietnam Beverage tại Hà Nội, chiếm 49%). Tiếp theo là Singapore, Nhật Bản, Trung Quốc...
Trong đó, đầu tư từ Trung Quốc, Hồng Kông có xu hướng tăng so với cùng kỳ do tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung (đầu tư từ Trung Quốc tăng gần 1,65 lần, từ Hông Kông tăng 2,4 lần so với cùng kỳ năm 2018).
Theo địa bàn đầu tư, nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 60 tỉnh thành phố, trong đó Hà Nội thu hút nhiều nhất (chủ yếu là theo phương thức góp vốn, mua cổ phần, chiếm 77%).
Theo sau là TP. HCM (cũng giống Hà Nội, đầu tư theo phương thức góp vốn, mua cổ phần chiếm tỷ trọng lớn 68% tổng vốn đăng ký của thành phố và 58% tổng số lượt góp vốn mua cổ phần của cả nước), Bình Dương, Đồng Nai, Bắc Ninh.
Xuất khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài, kể cả dầu thô đạt 181,4 tỷ USD, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2018 và chiếm 69% kim ngạch xuất khẩu. Xuất khẩu không kể dầu thô đạt 179 tỷ USD, tăng 4% so với cùng kỳ 2018 và chiếm 68% kim ngạch xuất khẩu.
Nhập khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài đạt gần 145,5 tỷ USD, tăng 2,5% so với cùng kỳ năm 2018 và chiếm 57% kim ngạch nhập khẩu.
Do đó, năm 2019, khu vực này đã xuất siêu gần 36 tỷ USD kể cả dầu thô và xuất siêu 33,8 tỷ USD không kể dầu thô.
Như vậy, thặng dư thương mại từ khu vực đầu tư nước ngoài là nguồn bù đắp cho phần nhập siêu 26 tỷ USD của khu vực doanh nghiệp trong nước, khiến cán cân thương mại của Việt Nam thặng dư 9,9 tỷ USD.
Năm 2019, số lượng các đoàn sang làm việc tìm hiểu cơ hội đầu tư tăng khá mạnh, tăng khoảng 30% so với cùng kỳ năm 2018. Các đối tác chủ yếu đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Hồng Kông, Singapore.
Một số dự án FDI lớn trong năm 2019
Dự án góp vốn, mua cổ phần của Beerco Limited (Hồng Kông) vào Công ty TNHH Vietnam Beverage, giá trị vốn góp 3,85 tỷ USD với mục tiêu chính là sản xuất bia và mạch nha ủ men bia tại Hà Nội.
Dự án Công ty TNHH Techtronic Tools (Hồng Kông), tổng vốn đầu tư đăng ký 650 triệu USD với mục tiêu xây dựng nhà máy sản xuất và trung tâm nghiên cứu phát triển sản xuất các phụ kiện, thiết bị điện cầm tay thông minh dùng trong ngành công nghiệp và dân dụng tại TP. HCM.
Dự án Tổ hợp vui chơi giải trí đa năng - trường đua ngựa (Hàn Quốc), tổng vốn đầu tư đăng ký 420 triệu USD với mục tiêu xây dựng Trường đua ngựa; tổ chức hoạt động đua ngựa; tổ chức đặt cược đua ngựa; thực hiện quyền xuất nhập khẩu, bán buôn bán lẻ hàng hóa; xây dựng, kinh doanh khách sạn và biệt thự 3 sao; xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình dân dụng khác tại Hà Nội.
Dự án LG Display Hải Phòng (Hàn Quốc) điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 410 triệu USD.
Dự án Công ty TNHH Wanna Explore Travel (Ai Cập), tổng vốn đầu tư đăng ký 300 triệu USD, đầu tư tại TP.HCM với mục tiêu thực hiện dịch vụ đại lý lữ hành - điều hành tour du lịch và hoạt động dịch vụ hỗ trợ trực tiếp khác cho vận tải hàng không.
Dự án chế tạo lốp xe Radian toàn thép ACTR (Trung Quốc), tổng vốn đầu tư đăng ký 280 triệu USD, đầu tư tại Tây Ninh với mục tiêu sản xuất lốp xe toàn thép TBR.
Dự án Nhà máy sản xuất màn hình LCD-Qisda Việt Nam (Đài Loan), tổng vốn đầu tư đăng ký 263 triệu USD, đầu tư tại Hà Nam với mục tiêu sản xuất màn hình tinh thể lỏng LCD.