Hàng loạt chính sách mới có hiệu lực từ tháng 3/2020

Bằng đại học không còn ghi hệ đào tạo chính quy hay tại chức

Thông tư 27 năm 2019 của Bộ Giáo dục và đào tạo quy định nội dung chính ghi trên văn bằng và phụ lục văn bằng giáo dục đại học sẽ có hiệu lực từ ngày 1/3/2020.

Một trong những điểm đáng chú ý của thông tư này là quy định không ghi thông tin về hình thức đào tạo như chính quy hay tại chức hay vừa làm vừa học… trong nội dung chính của văn bằng như quy định cũ.

Nội dung này sẽ được ghi trên phụ lục và kèm theo đó là các nội dung khác về chuyên ngành đào tạo, ngày nhập học, ngôn ngữ đào tạo, thời gian đào tạo, trình độ đào tạo theo Khung trình độ quốc gia Việt Nam.

Muốn nhập quốc tịch Việt Nam phải biết tiếng Việt

Nghị định 16/2020/NĐ-CP của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Quốc tịch Việt Nam ban hành ngày 3/2/2020, có hiệu lực từ ngày 20/3/2020. Theo đó, người muốn nhập quốc tịch phải đáp ứng các điều kiện.

Thứ nhất, phải biết tiếng Việt đủ để hòa nhập vào cộng đồng Việt Nam. Cụ thể, có khả năng nghe, nói, đọc, viết bằng tiếng Việt phù hợp với môi trường sống và làm việc của người xin nhập quốc tịch Việt Nam.

Thứ hai, phải đang thường trú tại Việt Nam và đã được cơ quan công an có thẩm quyền của Việt Nam cấp thẻ thường trú. Thời gian thường trú tại Việt Nam của người xin nhập quốc tịch Việt Nam được tính từ ngày người đó được cấp thẻ thường trú.

Thứ ba, có khả năng bảo đảm cuộc sống tại Việt Nam của người xin nhập quốc tịch Việt Nam được chứng minh bằng tài sản, nguồn thu nhập hợp của người đó hoặc sự bảo lãnh của tổ chức, cá nhân tại Việt Nam.

Ngoài ra, nghị định này cũng quy định trong trường hợp xin nhập quốc tịch Việt Nam nhưng vẫn muốn giữ quốc tịch nước ngoài thì phải đáp ứng các điều kiện như: có đủ điều kiện nhập quốc tịch Việt Nam; có công lao đặc biệt đóng góp cho Việt Nam và việc nhập quốc tịch Việt Nam nhưng vẫn giữ quốc tịch nước ngoài là có lợi cho Nhà nước Việt Nam; việc xin giữ quốc tịch nước ngoài của người đó khi nhập quốc tịch Việt Nam là phù hợp với pháp luật của nước đó; việc thôi quốc tịch nước ngoài dẫn đến quyền lợi của người đó ở nước ngoài bị ảnh hưởng…

Buộc thôi việc công chức vòi tiền người vi phạm

Đây là hình thức xử lý kỷ luật cao nhất đối với cán bộ, công chức, viên chức vi phạm trong quá trình xử lý vi phạm hành chính được quy định tại Nghị định số 19 năm 2020 của Chính phủ.

Theo đó, công chức, viên chức nói chung và cảnh sát giao thông nói riêng sẽ bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc nếu có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để sách nhiễu, đòi, nhận tiền, tài sản của người vi phạm; dung túng, bao che, hạn chế quyền của người vi phạm hành chính.

Ở hình thức kỷ luật nhẹ hơn, cán bộ, công chức, viên chức vi phạm có thể bị khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức hoặc cách chức.

Nghị định có hiệu lực từ 31-3-2020. Riêng các quy định về xử lý kỷ luật sẽ có hiệu lực từ ngày 1-7-2020.

Trợ cấp đối với nhà giáo chưa có phụ cấp thâm niên trong lương hưu

Đây là quy định mới tại Nghị định 14/2020/NĐ-CP, quy định về chế độ trợ cấp đối với nhà giáo đã nghỉ hưu chưa được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên trong lương và có hiệu lực từ ngày 15-3-2020.

Để được hưởng trợ cấp phải đáp ứng đủ 3 điều kiện: trực tiếp giảng dạy, giáo dục, hướng dẫn thực hành và tham gia đóng bảo hiểm xã hội từ 5 năm trở lên; nghỉ hưu trong khoảng thời gian từ ngày 1-1-1994 đến ngày 31-5-2011; đang hưởng lương hưu tại thời điểm ngày 1-1-2012. Trường hợp bị tạm dừng hưởng lương hưu thì được hưởng trợ cấp sau khi được hưởng lại lương hưu.

Mức trợ cấp được quy thành tiền và tính theo công thức: Số tiền trợ cấp = (Mức lương hưu tháng x 10%) x Số năm được tính trợ cấp

Trường hợp giáo viên đủ điều kiện hưởng trợ cấp nhưng chưa được hưởng trợ cấp mà từ trần từ 1-1-2012 trở về sau thì vợ, chồng, bố, mẹ, hoặc con có thể làm hồ sơ và nhận chế độ trợ cấp theo quy định.

Diện tích làm việc của giảng viên

Thông tư 03/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định tiêu chuẩn, mức sử dụng diện tích công trình sự nghiệp thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo.

Theo đó, diện tích làm việc của giáo sư, phó giáo sư, giảng viên chính, giảng viên được quy định như sau:

- Giáo sư cần có diện tích làm việc 18m2;

- Phó giáo sư cần có diện tích làm việc 15m2;

- Giảng viên cần có diện tích làm việc 10m2.

Thông tư cũng quy định 20 phòng học có 1 phòng chờ cho giảng viên. Diện tích chuyên dùng của phòng chờ là 3m2/giảng viên.

Quy định có hiệu lực từ ngày 27-3-2020.

Quy định mới về điều kiện thanh toán thuốc cho người có thẻ BHYT

Tại Thông tư 01/2020/TT-BYT ban hành ngày 16/1/2020, có hiệu lực từ ngày 1/3/2020, Bộ Y tế đã sửa đổi, bổ sung danh mục và tỷ lệ, điều kiện thanh toán thuốc thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế.

So với quy định tại Thông tư 30 năm 2018, điều kiện và tỷ lệ thanh toán của một số loại thuốc được thay đổi. Trong đó, về thuốc Liraglutide, Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán 30% cho người bệnh đái tháo đường tuýp 2 đáp ứng đồng thời các tiêu chí: tên 40 tuổi, BMI > 23, mắc đái tháo đường tuýp 2, có bệnh lý tim mạch hoặc tăng huyết áp; không kiểm soát đường huyết sau thời gian ba tháng; suy thận nồng độ CrCI < 59 ml/phút

Về tinh bột este hóa, Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán điều trị giảm thể tích tuần hoàn do mất máu cấp khi việc sử dụng dịch truyền đơn thuần không cải thiện lâm sàng; điều trị sốt xuất huyết Dengue nặng theo hướng dẫn chẩn đoán và điều trị sốt xuất huyết Dengue của Bộ Y tế.

Về thuốc Imatinib, Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán điều trị bệnh bạch cầu tủy mạn hoặc u mô đệm dạ dày ruột với mức thanh toán 80%, trước đây chỉ thanh toán 50%.

Nguồn: cafef.vn

Chat qua zalo