Hình thành các cơ chế ưu đãi để đón “đại bàng”
Ngày:21/10/2020 10:27:26 SA
Ngày 23/9, Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) và Ngân hàng HSBC ký kết biên bản ghi nhớ (MOU) về việc hợp tác nhằm thúc đẩy, thu hút đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài.
Một kế hoạch hợp tác có thể nói là khá sâu rộng, bao gồm cả việc xây dựng tài liệu xúc tiến đầu tư, xác định dự án ưu tiên để thúc đẩy đầu tư của các nhà đầu tư tiềm năng, nghiên cứu về xu hướng đầu tư các định hướng, chính sách thu hút đầu tư…, giữa một bên là cơ quan chịu trách nhiệm xây dựng định hướng, chính sách về thu hút đầu tư nước ngoài và một bên là một trong những tổ chức dịch vụ tài chính và ngân hàng lớn nhất thế giới.
Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài cho rằng, việc phối hợp với các ngân hàng trong thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt là để đón đầu làn sóng chuyển dịch là giải pháp “rất hiệu quả” hiện nay.
Cách đây 2 tuần, Cục Đầu tư nước ngoài cũng đã ký một MOU với Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) về tăng cường xúc tiến đầu tư Việt Nam - Nhật Bản.
Hơn thế, trong bối cảnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp khiến các chuyến bay quốc tế bị đứt đoạn, thì các cuộc xúc tiến đầu tư trực tuyến đã được tổ chức. Các cuộc làm việc trực tuyến song phương với các nhà đầu tư nước ngoài cũng liên tục được tổ chức.
Đó là một trong những lý do để 8 tháng qua, vẫn có gần 20 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài đăng ký đầu tư vào Việt Nam. Dòng vốn thậm chí còn đang chảy mạnh hơn, khi mới đây, Tập đoàn Pegatron công bố kế hoạch đầu tư 1 tỷ USD vào Việt Nam; Tập đoàn Milennium đang lên kế hoạch triển khai siêu dự án điện khí 15 tỷ USD tại Khánh Hòa; còn Exxon Mobil khẳng định vẫn tiếp tục đeo đuổi các kế hoạch đầu tư hàng tỷ USD tại Việt Nam…
“Rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài muốn đầu tư các dự án quy mô lớn, 500 triệu USD, 1 tỷ USD tại Việt Nam, nhưng vì đang trong quá trình đàm phán, nên chúng tôi chưa thể tiết lộ”, ông Đỗ Nhất Hoàng đã nói như vậy và cho biết, để chuẩn bị đón các nhà đầu tư lớn, đón dòng vốn đầu tư dịch chuyển, Việt Nam đang chuẩn bị sẵn sàng những gì mà nhà đầu tư cần, bao gồm cả mặt bằng, năng lượng, nhân lực…
Quan trọng hơn, các cơ chế ưu đãi để đón “đại bàng” cũng đang dần được hình thành. Thông tin cho biết, một bản đề án về định hướng, giải pháp thu hút dòng vốn đầu tư đang dịch chuyển để tái định vị và sắp xếp lại dây chuyền sản xuất và chuỗi cung ứng toàn cầu thời kỳ Covid-19 đã được đệ trình lên Chính phủ.
Chi tiết của bản đề án này chưa được tiết lộ, song nhiều khả năng, sẽ có những gói chính sách được “may đo” riêng cho từng đối tượng nhà đầu tư. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, cùng với việc chủ động tiếp cận các tập doàn có xu hướng tái định vị sản xuất để vận động họ vào Việt Nam đầu tư, thì Tổ công tác thúc đẩy hợp tác đầu tư nước ngoài sẽ nghiên cứu, tham mưu và đề xuất các gói ưu đãi phù hợp, làm căn cứ cho quá trình đàm phán với các nhà đầu tư này.
Kết nối “đại bàng - chim sẻ - chim ri”
Samsung chính là một “đại bàng” mà Việt Nam đã thu hút được. Cách đây 2 ngày, “đại bàng” này đã ký một MOU ba bên với Bộ Công thương, UBND tỉnh Bắc Ninh về việc hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tại Bắc Ninh, không chỉ trong nâng cao năng lực sản xuất, mà còn hỗ trợ họ trở thành nhà cung ứng cho Samsung.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhiều lần khẳng định, với các tập đoàn lớn, Dự án có ý nghĩa động lực, Chính phủ Việt Nam sẵn sàng dành cho các ưu đãi “vượt khung”. Điều này đã được quy định rất rõ tại Luật Đầu tư sửa đổi.
Dù việc này đã được thực hiện từ nhiều năm nay, song năm nay là năm đầu tiên, “ông lớn” Hàn Quốc quyết định ký MOU và hỗ trợ doanh nghiệp theo từng địa phương. Cách đây ít lâu, một MOU tương tự đã được Samsung ký với UBND tỉnh Hải Dương.
“Với triết lý đem đến cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân tại những nơi Samsung có hoạt động kinh doanh, chúng tôi hy vọng rằng, dự án không chỉ đem lại sự cải tiến ngoạn mục, góp phần nâng cao năng lực sản xuất cho các doanh nghiệp tỉnh Bắc Ninh, mà còn tạo cơ hội để nhiều doanh nghiệp Bắc Ninh ở đa dạng các lĩnh vực được tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu của Samsung”, ông Choi Joo Ho, Tổng giám đốc Samsung Việt Nam nói.
Với sự hỗ trợ của Samsung, từ chỗ chỉ có 4 doanh nghiệp Việt là nhà cung ứng cấp 1 cho Samsung vào năm 2014, con số đã tăng lên 42 doanh nghiệp vào cuối năm 2019 và dự kiến là 50 doanh nghiệp khi năm 2020 kết thúc.
Kết quả là khả quan, song Phó thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng mong muốn sẽ có nhiều hơn các doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của không chỉ Samsung, mà còn của các tập đoàn lớn khác. “Đây chính là hình mẫu mà các nhà đầu tư khác cần học tập”, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng nói.
Trên thực tế, trong định hướng thu hút đầu tư nước ngoài thời gian tới, Chính phủ Việt Nam rất coi trọng việc các tập đoàn nước ngoài có thể liên kết với doanh nghiệp trong nước. Đây là một điểm yếu cố hữu mà nhiều năm nay Việt Nam chưa khắc phục được.
Để giải quyết vấn đề này, bên cạnh tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ, Chính phủ chủ trương áp dụng các chính sách ưu đãi vượt trội cho các nhà đầu tư có cam kết cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi giá trị. Thậm chí, các chính sách ưu đãi cho “đại bàng” có thể cũng sẽ được áp dụng chung cho “chim sẻ”, tức là các doanh nghiệp vệ tinh đã theo “ông lớn” nước ngoài vào Việt Nam.
Liên quan đến vấn đề này, hồi đầu tháng 9/2020, khi phát biểu tại tọa đàm với Chính phủ Việt Nam, các doanh nghiệp Nhật Bản đã đề nghị được hưởng ưu đãi đầu tư theo “chuỗi”, bởi khi đầu tư ra nước ngoài, các doanh nghiệp Nhật Bản thường đầu tư cả cụm. Đề xuất này có thể sẽ sớm được hiện thực hóa, để Việt Nam có thể vừa thu hút được nhiều hơn “đại bàng”, “chim sẻ” và kết nối tốt hơn với “chim ri”.