Hoàn tất công tác chuẩn bị để chủ động nắm bắt cơ hội từ EVFTA

Ngày 12/2, Nghị viện châu Âu đã bỏ phiếu phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) với tỷ lệ phiếu ủng hộ lần lượt là 401/633 và 407/633.

Về phía Việt Nam, từ nay đến kỳ họp Quốc hội gần nhất, dự kiến vào tháng 5, Bộ Công thương sẽ hoàn thiện hồ sơ để trình Chủ tịch nước và Quốc hội xem xét thông qua; đồng thời chuẩn bị ban hành kế hoạch hành động để tận dụng EVFTA.

Lãnh đạo Bộ Công thương xác nhận, nếu EVFTA được Quốc hội Việt Nam thông qua và kịp làm thủ tục thông báo với Liên minh châu Âu thì có thể ngay từ ngày 1/7/2020, hiệp định sẽ chính thức có hiệu lực. Thời điểm này, các đơn vị chức năng phải đẩy nhanh hoàn tất công tác chuẩn bị để chủ động nắm bắt cơ hội của Hiệp định EVFTA

Ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên cho biết, theo quy định của Luật Điều ước quốc tế 2016, quy trình phê chuẩn Hiệp định EVFTA có 3 bước gồm: Bộ Công Thương trình hồ sơ phê chuẩn liên Chính phủ sau khi đã lấy ý kiến của các bộ, ngành; Chính phủ trình hồ sơ lên Chủ tịch nước; và Chủ tịch nước trình hồ sơ lên Quốc hội xem xét việc phê chuẩn.

"Trong công tác thực thi có hai nhiệm vụ lớn Bộ Công thương cần phải tiến hành ngay trong thời gian tới, đó là xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và xây dựng Dự thảo Chương trình hành động của Chính phủ, xây dựng Kế hoạch công tác của Bộ Công Thương về việc thực thi Hiệp định EVFTA", ông Thái nói.

Đối với xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, ông Lương Hoàng Thái đề xuất các đơn vị trong Bộ sớm soạn thảo các văn bản lấy ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp, người dân để chủ động sẵn sàng đưa các văn bản vào thực thi khi đã được phê chuẩn.

Đối với xây dựng Dự thảo Chương trình hành động của Chính phủ và Kế hoạch công tác của Bộ Công thương về việc thực thi Hiệp định EVFTA, phải có sự tham gia đồng bộ của các bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp để ban hành chính sách hiệu quả.

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh lưu ý 3 nhóm vấn đề lớn cần phải tập trung: Hoàn tất cơ sở pháp lý; Phối hợp với EU để thúc đẩy và vận hành Hiệp định; Tổ chức và triển khai Hiệp định trong năm 2020.

"Vụ Chính sách thương mại đa biên làm rõ cơ chế vai trò của các cơ quan đầu mối trong việc phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương hoàn thiện cơ chế, chính sách thực thi Hiệp định để báo cáo Thủ tướng. Nếu không cung cấp được chính sách pháp luật tốt thì chúng ta sẽ không thể kịp trong tháng 7 khi Hiệp định đi vào thực thi”,  Bộ trưởng yêu cầu.

Đối với lĩnh vực xuất nhập khẩu, Bộ trưởng yêu cầu trong công tác phê chuẩn cũng như thực thi Hiệp định sắp tới phải tạo mọi điều kiện tối đa cho doanh nghiệp, giảm thiểu thủ tục hành chính; cũng như đánh giá những tác động cụ thể tới từng nhóm mặt hàng, từng ngành nghề, đối tượng cụ thể, cũng như lợi thế cạnh tranh, cơ hội có thể tiếp cận từ Hiệp định...

Năm 2019, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và EU đạt trên 56,45 tỷ USD, tăng 1,11% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó xuất khẩu đạt trên 41,54 tỷ USD và nhập khẩu đạt 14,90 tỷ USD.

Các thị trường có giá trị xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD trong năm 2019 là Hà Lan (6,88 tỷ USD), Đức (6,56 tỷ USD), Anh (5,76 tỷ USD) Pháp (3,76 tỷ USD), Italia (3,44 tỷ USD), Áo (3,27 tỷ USD), Tây Ban Nha (2,72 tỷ USD), Bỉ (2,55 tỷ USD), Ba Lan (1,50 tỷ USD) và Thụy Điển (1,18 tỷ USD).

Dự kiến, khi EVFTA có hiệu lực, xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ tăng thêm khoảng 20% vào năm 2020, 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với không có Hiệp định. Xét về tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, xuất khẩu sẽ tăng trung bình 5,21-8,17% (năm 2019-2023), 11,12-15,27% (năm 2024-2028) và 17,98-21,95% (năm 2029-2033).

Nguồn: baodutu.vn

Chat qua zalo