Hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch Kiên Giang: Nỗ lực vượt khó

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Kiên Giang đã chủ động triển khai các hoạt động xúc tiến có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với tình hình thực tế, góp phần tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

Bà Nguyễn Duy Linh Thảo, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch Kiên Giang

Công tác xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch của Kiên Giang trong 6 tháng đầu năm nay có những điều chỉnh gì để phù hợp với tình hình thực tế, thưa bà?

Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động xúc tiến đầu tư, sản xuất, kinh doanh, tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm của doanh nghiệp trong tỉnh. Nhiều sự kiện xúc tiến tại các tỉnh, thành phố trong cả nước đã phải hủy hoặc tạm dừng tổ chức.

Tuy nhiên, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch Kiên Giang (Trung tâm) đã chủ động triển khai thực hiện một số nhiệm vụ xúc tiến có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với tình hình thực tế của đơn vị và tình hình dịch bệnh, đảm bảo đúng tiến độ kế hoạch đã đề ra. Cụ thể, Trung tâm tập trung nghiên cứu, cập nhật thông tin thị trường, triển vọng kinh tế thế giới, quan hệ kinh tế quốc tế trong và sau khủng hoảng tác động đến Việt Nam nói chung và tỉnh Kiên Giang nói riêng để phục vụ công tác quảng bá, xúc tiến.

"Kiên Giang tiếp tục triển khai đầu tư hạ tầng đường bộ kết nối với các điểm du lịch trong tỉnh; hoàn thiện kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ và đa dạng hóa sản phẩm thu hút du khách, nâng cao chất lượng dịch vụ. Tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển."

Song song đó, đẩy mạnh thương mại điện tử, nâng cao hiệu quả công tác thông tin tuyên truyền, quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng về hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch, ứng dụng công nghệ 4.0 để hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp tham gia các hoạt động xúc tiến, tìm kiếm cơ hội kết nối giao thương, mở rộng thị trường phát triển thương mại, thu hút đầu tư và quảng bá du lịch.

Bà có thể nói rõ hơn về các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch mà Trung tâm đã thực hiện?

Về xúc tiến đầu tư, Trung tâm đã tham gia phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tiến hành rà soát danh mục dự án kêu gọi đầu tư trên địa bàn tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2021- 2025. Phối hợp với các sở, ban, ngành và địa phương hướng dẫn, hỗ trợ các nhà đầu tư đến tìm hiểu, khảo sát thực tế các dự án kêu gọi đầu tư trên địa bàn tỉnh; giới thiệu thông tin về danh mục dự án kêu gọi hợp tác đầu tư tỉnh Kiên Giang đến nhà đầu tư trong và ngoài nước, các dữ liệu phục vụ cho nhà đầu tư được đăng tải trên website: www.kiengianginvest.com, phát hành các loại ấn phẩm nhiều ngôn ngữ, các chuyên đề truyền thông trên báo, đài truyền hình…

Chủ trì cùng Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh tham dự Khu gian hàng đầu tư phát triển công nghiệp Việt Nam tại Hội chợ Việt Nam Expo 2021, do Bộ Công thương tổ chức tại Hà Nội. Nhân cơ hội này, Giám đốc Trung tâm đã tham gia Talkshow “Xúc tiến đầu tư Việt Nam”, giới thiệu trực tiếp đến các cơ quan Đại sứ quán như Malaysia, Mexico, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Hy Lạp, Hà Lan, Romania, Argentina, Hàn Quốc… về chính sách, lĩnh vực ưu tiên kêu gọi và môi trường đầu tư của Kiên Giang. Tiếp theo là phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư tham gia buổi tọa đàm trực tuyến “Tái khởi động xúc tiến đầu tư vào Việt Nam hậu Covid-19” do Venable Management Services phối hợp cùng Tổng lãnh sự quán Ấn Độ tại TP.HCM tổ chức hồi giữa tháng 7.

Chúng tôi cung cấp dữ liệu xúc tiến đầu tư đến Văn phòng Xúc tiến đầu tư và thương mại Hàn Quốc (KOTRA) để giới thiệu các dự án kêu gọi đầu tư và sản phẩm thương mại của tỉnh qua kênh bản tin điện tử, website của KOTRA. Đồng thời, phối hợp cùng với KOTRA và Trung tâm Xúc tiến đầu tư phát triển công thương (Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công thương) xây dựng kế hoạch mở lớp tập huấn xúc tiến đầu tư cho các tỉnh, thành phố thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), kết hợp kêu gọi đầu tư Hàn Quốc vào các khu công nghiệp.

Ngoài ra, theo chỉ đạo của UBND tỉnh, Trung tâm đã tổ chức Hội nghị phân tích Chỉ số PCI tỉnh Kiên Giang năm 2020; chủ trì phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh và UBND các huyện/thành phố tổ chức 5 buổi tuyên truyền về Chỉ số PCI đến cộng đồng doanh nghiệp tại các huyện, thành phố: Rạch Giá, Châu Thành, Kiên Lương, Hà Tiên và Phú Quốc.

Về xúc tiến thương mại, Trung tâm thường xuyên kết nối với các tổ chức xúc tiến, các cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam và doanh nghiệp ở các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL, hiệp hội doanh nghiệp trong và ngoài nước… để giúp doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội kinh doanh, tăng cường đầu ra cho sản phẩm, như: phối hợp cung cấp thông tin về xuất khẩu sang thị trường Halal thế giới trong khuôn khổ triển khai kết quả Diễn đàn Tiềm năng thực phẩm Halal toàn cầu và cơ hội đối với Việt Nam, do Bộ Ngoại giao tổ chức. Trao đổi thông tin với các văn phòng cơ quan xúc tiến thương mại và đầu tư của các nước tại Việt Nam (Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Ba Lan...) và các cơ quan thương vụ Việt Nam ở nước ngoài để hỗ trợ hoạt động xúc tiến thương mại và giới thiệu các sản phẩm của tỉnh Kiên Giang đến các thị trường tiềm năng.

Bên cạnh đó, Trung tâm đã tham mưu UBND tỉnh phối hợp với Tổng lãnh sự quán Ấn Độ tại TP.HCM và chính quyền bang Odisha (Ấn Độ) tổ chức hội nghị trực tuyến “Hợp tác giữa Kiên Giang và bang Odisha trong lĩnh vực nông nghiệp và thủy sản”, nhằm giới thiệu những thông tin chung về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, các định hướng phát triển địa phương, những tiềm năng, cơ hội hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp và thủy sản của tỉnh Kiên Giang và bang Odisha. Tổ chức Chương trình kết nối giao thương trực tuyến giữa doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp, thủy sản tỉnh Kiên Giang với các doanh nghiệp đối tác bang Odisha về các sản phẩm mà hai bên quan tâm. Đây là cơ hội mở ra triển vọng về khả năng ký kết hợp đồng mua bán sản phẩm nông, thủy sản cho doanh nghiệp các bên trong tương lai.

Đối với thị trường trong tỉnh, Trung tâm đã phối hợp với siêu thị Co.opmart tổ chức đưa sản phẩm địa phương vào hệ thống siêu thị. Đưa thông tin sản phẩm thương mại OCOP, nhãn hiệu tập thể, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm đặc trưng của tỉnh phục vụ cho hoạt động xúc tiến; giới thiệu 220 sản phẩm thương mại và du lịch của các doanh nghiệp, hợp tác xã trên Cổng thông tin điện tử của Trung tâm (kiengiangpromotion.vn).

Hoạt động xúc tiến du lịch cũng được tăng cường với việc tổ chức đoàn khảo sát các sản phẩm du lịch mới tại các địa phương trong tỉnh (du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp nông thôn, du lịch văn hoá, du lịch tại chỗ...) kết hợp quảng bá du lịch; phát hành các ấn phẩm du lịch, phối hợp với các cơ quan báo đài Trung ương và địa phương thực hiện các chuyên đề, video clip quảng bá về du lịch Kiên Giang.

Theo các chuyên gia, du lịch là một trong những ngành chịu thiệt hại nặng nề nhất do Covid-19, nhưng cũng là ngành sẽ phục hồi nhanh nhất sau khi dịch bệnh được khống chế. Bà có thể cho biết, Kiên Giang có giải pháp gì trong kích cầu du lịch, vốn là ngành kinh tế quan trọng của địa phương ?

Trong 4 tháng đầu năm, lượng du khách đến Kiên Giang tăng cao so với cùng kỳ (tăng 381,9%). Tuy nhiên, do diễn biến phức tạp của đợt bùng phát Covid-19 lần thứ 4, nhiều chuyến bay đến Phú Quốc bị tạm dừng, nhiều tour đã đặt phải hủy, làm giảm rất lớn lượng du khách đến tỉnh. Tổng lượt khách du lịch trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm ước đạt trên 2,329 triệu lượt, giảm 3,66% so với cùng kỳ. Tổng doanh thu dịch vụ du lịch 2.683 tỷ đồng, giảm 33,99% so với cùng kỳ năm trước.

Để du lịch Kiên Giang phục hồi và phát triển trong thời gian tới, về phía Trung tâm sẽ tích cực phối hợp liên ngành trong hoạt động xúc tiến du lịch và nâng cao chất lượng hợp tác liên kết phát triển du lịch với các tỉnh, thành phố trong và ngoài nước. Xây dựng và hoàn thiện ấn phẩm, tài liệu thông tin du lịch, tham gia hội chợ triển lãm, nâng cấp và duy trì hiệu quả hoạt động truyền thông quảng bá hình ảnh du lịch địa phương trên mạng Internet, phát triển ứng dụng 4.0. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế để quảng bá, xúc tiến du lịch, đặc biệt tăng cường tổ chức các sự kiện bằng hình thức trực tuyến.

Tỉnh Kiên Giang đang khẩn trương hoàn thành chương trình kích cầu du lịch, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp dịch vụ du lịch tham gia. Xây dựng kịch bản và chủ động chuẩn bị các điều kiện cần thiết để đón khách du lịch trở lại theo mô hình “Hộ chiếu vắc-xin”. Trước mắt, nghiên cứu việc mở lại thị trường du lịch trong nước đối với người dân đã tiêm đủ 2 liều vắc-xin có nhu cầu du lịch và nhân rộng mô hình, tiến tới đón khách quốc tế từ các thị trường tiềm năng.

Chúng tôi đã xây dựng kịch bản đối với các hoạt động xúc tiến của tỉnh khi Covid-19 cơ bản được kiểm soát. Những việc sẽ bắt tay vào làm ngay đó là tham mưu UBND tỉnh tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch qua đường hàng không, với các hãng có đường bay đi và đến Kiên Giang, với kỳ vọng sẽ ký hợp tác theo thế mạnh của từng hãng với tỉnh Kiên Giang.

Tiếp theo, chúng tôi sẽ triển khai các quầy trưng bày các ấn phẩm thông tin về đầu tư, thương mại và du lịch tại các bến cảng, sân bay trên địa bàn tỉnh, cùng một số sự kiện nếu được khởi động lại như VITM, Ngày hội du lịch Việt Nam…

Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quảng bá, xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch, cũng như đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp trong hoạt động này. 

Thực hiện một hoạt động rất quan trọng nhằm cải thiện Chỉ số Năng lực cạnh tranh của tỉnh qua việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và tiếp thu hiến kế của cộng đồng doanh nghiệp, Trung tâm đã tham mưu UBND tỉnh tổ chức các hội nghị đối thoại với doanh nghiệp trong năm.

Chat qua zalo