Hội nghị diên hồng của Thủ tướng và cộng đồng doanh nghiệp
Ngày:06/05/2020 08:24:11 SA
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ đối thoại với doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tái khởi động kinh tế ứng phó với dịch COVID-19 vào ngày 9/5 tới đây.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đồng ý tổ chức Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp. Hội nghị dự kiến bắt đầu từ 8h sáng ngày 09/5 theo hình thức trực tuyến tại Hà Nội, các Bộ, cơ quan và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, truyền hình trực tiếp trên sóng Đài truyền hình Việt Nam.
Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp năm 2020 tổ chức theo hình thức trực tuyến, truyền hình trực tiếp trên sóng Đài truyền hình Việt Nam.
Đây là "Hội nghị Diên hồng" lần thứ 4 của Người đứng đầu Chính phủ đối thoại trực tiếp với cộng đồng doanh nghiệp. Đặc biệt hơn, Hội nghị năm nay được tổ chức trong bối cảnh đại dịch COVID-19 gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động của doanh nghiệp và đe doạ sự tăng trưởng của các nền kinh tế trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Hội nghị là sự khẳng định quyết tâm của Chính phủ tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tái khởi động nền kinh tế ứng phó với dịch COVID-19.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ KH&ĐT chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và các cơ quan liên quan tổ chức tốt Hội nghị, bảo đảm thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm.
Bên cạnh đó, chủ trì, phối hợp với Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, Đài truyền hình Việt Nam: Tuyên truyền về Hội nghị trước, trong, sau thời gian diễn ra Hội nghị; tạo chuyên mục trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tiếp nhận kiến nghị của doanh nghiệp trước, trong Hội nghị.
Đồng thời, tổng hợp các báo cáo chuyên đề, tham luận từ các Bộ, ngành, địa phương, hiệp hội doanh nghiệp và doanh nghiệp để chuẩn bị tài liệu, tư liệu của Hội nghị; tổng hợp ý kiến, kiến nghị thông qua kênh trực tuyến và của các đại biểu, doanh nghiệp dự Hội nghị hoàn thiện Chương trình hành động của Chính phủ triển khai các nhiệm vụ liên quan (sản phầm đầu ra của Hội nghị), báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 16/5/2020.
Trước đó, tại cuộc họp cho ý kiến về công tác chuẩn bị Hội nghị này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, mặt trận thứ nhất là “chống dịch như chống giặc”, mọi người dân là chiến sĩ trên mặt trận đó. Cùng với đó, phải có mặt trận thứ 2 là mặt trận phát triển kinh tế, trong đó, doanh nghiệp, doanh nhân là chiến sĩ.
“Chúng ta giữ cho mặt trận thứ 2 về kinh tế không bị đứt gãy, giữ được việc làm cho người lao động và có sự tăng trưởng cần thiết, là yêu cầu cấp bách hiện nay”, Thủ tướng nói. Đồng thời khẳng định sự cần thiết tổ chức hội nghị để phục hồi nền kinh tế sau dịch COVID-19 với chủ đề hướng vào tái khởi động nền kinh tế sau dịch.
Về sản phẩm sau hội nghị, Thủ tướng gợi ý, có thể là một quyết định về chương trình hành động tái khởi động nền kinh tế hoặc một nghị quyết nêu các biện pháp cần thiết thúc đẩy phát triển doanh nghiệp…
Tại hội nghị, cần có báo cáo về tình hình doanh nghiệp hiện nay và các định hướng lớn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc phát triển các loại hình doanh nghiệp, giữ nhịp độ phát triển.
Thủ tướng cho rằng, dịch COVID-19 ảnh hưởng đến nhiều đối tượng, trong đó mức độ thiệt hại đối với cộng đồng doanh nghiệp rất nặng nề, có những ngành bị ảnh hưởng rất lớn như du lịch, vận tải, dịch vụ ăn uống… Không chỉ các tập đoàn lớn, các doanh nghiệp Nhà nước mà cả doanh nghiệp tư nhân, hợp tác xã, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp khó khăn chồng chất.
"Trước tình hình ấy, nếu không nhìn thấy, không có sự động viên, khích lệ, hỗ trợ, tạo điều kiện của các cấp, các ngành, sự vươn lên của doanh nghiệp thì doanh nghiệp, nhân tố quan trọng đóng góp cho tăng trưởng, giải quyết việc làm, sẽ bị ảnh hưởng rất lớn", Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh.
Thủ tướng nêu rõ, việc đầu tiên trong giai đoạn hiện nay là bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân, nhưng nhiệm vụ thứ 2 rất quan trọng đối với Chính phủ là bảo vệ lực lượng sản xuất, trước hết là các loại hình doanh nghiệp để kinh tế không bị đổ gãy.
“Chúng ta đã có một số biện pháp hỗ trợ thì chúng ta tiếp tục lắng nghe có những biện pháp trong thời gian tới, những biện pháp như vậy đã bao quát chưa”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng lấy ví dụ về một giải pháp ít tốt kém mà Nhà nước làm được là tạo môi trường đầu tư kinh doanh tốt, “sự chậm trễ, cửa quyền, rườm rà, phức tạp sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển”. Cơ chế nào ràng buộc, gây khó, Thủ tướng đặt vấn đề và nhấn mạnh tinh thần là tìm mọi biện pháp để tháo gỡ, tạo thuận lợi cho mọi loại hình doanh nghiệp vươn lên, làm sao có dòng vốn mới đầu tư vào Việt Nam.
Trong khi đó, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) TS Vũ Tiến Lộc cho rằng, cộng đồng doanh nghiệp, các chiến sĩ trên mặt trận chống suy giảm kinh tế, rất trông đợi sự kiện này, để làm sao có thể tận dụng được “thời gian vàng” phục hồi kinh tế.
Tại Hội nghị đối thoại lần này, Đài truyền hình Việt Nam cũng được giao chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư truyền hình trực tiếp Hội nghị.
Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Chuẩn bị tham luận, giải đáp các ý kiến, kiến nghị của doanh nghiệp tại Hội nghị như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại thông báo số 156/TB-VPCP ngày 15/4/2020; chủ động xử lý các vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp theo thẩm quyền nhằm thúc đẩy sản xuất kinh doanh, hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi sau dịch COVID-19.
Nguồn: Enternews.vn