Hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa Việt Nam - Đức sẽ mở rộng trong thời gian tới
Ngày:05/12/2020 11:24:35 CH
Ông Doãn Hoàng Minh, Phó Vụ trưởng Vụ châu Âu, Bộ Ngoại giao phát biểu tại Diễn đàn
Kim ngạch thương mại và đầu tư còn khiêm tốn
Tại Diễn đàn Kinh tế và Thương mại Việt - Đức diễn ra ngày 12/11 tại Hà Nội, ông Doãn Hoàng Minh, Phó Vụ trưởng Vụ châu Âu, Bộ Ngoại giao, đánh giá sự phát triển trong quan hệ Việt Nam - Đức trong 4 năm qua luôn đi cùng với triển khai chính sách đối ngoại rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa, độc lập tự chủ, chủ động tích cực hội nhập quốc tế của Việt Nam, đặc biệt sau khi Việt Nam tiến hành công cuộc đổi mới theo hướng làm sâu sắc quan hệ với các đối tác lớn, đối tác chiến lược. Bên cạnh đó, việc hai bên thiết lập quan hệ đối tác chiến lược từ năm 2011 cho thấy trụ cột phát triển quan hệ hai bên rất mạnh mẽ, đặc biệt là trụ cột kinh tế - thương mại - đầu tư đã đạt được những thành tựu nổi bật.
Theo ông Doãn Hoàng Minh, quan hệ kinh tế thương mại Việt - Đức có hai đặc tính quan trọng nổi bật. Thứ nhất, mối quan hệ này được xây dựng dựa trên nền tảng mối quan hệ chính trị rất vững chắc giữa hai nước với 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và sau đó được nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược. “Thứ hai, cả hai nền kinh tế có độ mở rất lớn, hội nhập sâu rộng với khu vực và quốc tế và tính cạnh tranh giữa hai nền kinh tế là không nhiều, mà mang tính bổ trợ nhiều hơn. Các mặt hàng xuất nhập khẩu hai bên, cũng như nhu cầu về đầu tư của hai bên cũng mang tính bổ trợ cho nhau”, ông Minh nhấn mạnh.
Trong những năm qua quan hệ thương mại - đầu tư giữa Việt Nam và EU và cụ thể giữa Việt Nam và Đức có bước phát triển mạnh mẽ. Đức là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại châu Âu, chiếm tới 19% xuất khẩu của Việt Nam sang EU và cũng là cửa ngỏ để hàng hóa Việt Nam đi các thị trường khác của châu Âu.
Kim ngạch thương mại song phương Việt - Đức những năm qua tuy không có mức tăng đột biến, nhưng tăng ổn định những năm qua. Năm 2019 kim ngạch thương mại song phương đạt hơn 10 tỷ USD, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Đức chiếm đến 6,5 tỷ USD.
Trong nửa đầu năm 2020, dù chịu tác động của dịch Covid-19, nhưng do hai nền kinh tế có tính bổ trợ cao, cho nên giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang Đức vẫn tăng trưởng dương.
Dù kim ngạch xuất nhập khẩu hai bên mới chiếm tỉ trọng khiêm tốn trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Đức, nhưng ông Doãn Hoàng Minh cho rằng, Đức luôn coi Việt Nam là thị trường tiềm năng mới nổi ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và là bạn hàng quan trọng nhất là trong bối cảnh Việt Nam một trong số ít quốc gia ở Đông Nam Á và châu Á - Thái Bình Dương có hiệp định thương mại tự do với EU.
Nhìn vào hoạt động đầu tư của Đức vào Việt Nam, ông Doãn Hoàng Minh đánh giá Đức luôn coi Việt Nam là thị trường có tiềm năng phát triển nhanh và có sức hấp dẫn về thu hút đầu tư, có lẽ chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ. Tính đến tháng 8/2020, Đức có 370 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đầu tư 2 tỷ USD; đứng thứ 4 trong các quốc gia thành viên EU, sau Hà Lan, Anh và Pháp; đứng thứ 18 trong tổng số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam.
Về đặc điểm của vốn đầu tư Đức vào Việt Nam, tuy tổng mức đầu tư không lớn nhưng các dự án đầu tư của Đức có chất lượng tốt và khẳng định được thế mạnh của cường quốc công nghiệp này. Hiện có hơn 300 tập đoàn lớn của Đức đang đầu tư tại Việt Nam với tổng số vốn đầu tư lên tới 2,3 tỷ USD, trong đó có những tên tuổi lớn như Siemens, Messer, Mercedes-Benz, Deutsche Bank, Bosch… Các dự án của Đức phân bố tương đối đồng đều ở các tỉnh thành trên cả nước. Đặc biệt, tại TP. Hồ Chí Minh, phía Đức có hai dự án nổi bật là Ngôi nhà Đức và tuyến metro số 2.
Ở chiều ngược lại, phía doanh nghiệp Việt Nam cũng quan tâm nhiều đến thị trường Đức, tuy quy mô đầu tư kinh doanh của họ tại Đức còn khiếm tốn. Đến nay doanh nghiệp Việt Nam đã có 36 dự án đầu tư sang Đức với tổng vốn đầu tư khoảng 250 triệu USD, tiêu biểu là dự án chi nhánh Vietinbank tại Đức được cấp phép năm 2011 với tổng vốn đăng ký khoảng 200 triệu USD. Tuy các dự án chưa nhiều và mức vốn đầu tư chưa cao nhưng đã thể hiện được sự quan tâm đặc biệt của doanh nghiệp Việt Nam đến thị trường Đức.
Đặt kỳ vọng vào những thuận lợi
Trong các thuận lợi để thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế Việt - Đức, cần nhắc đến đầu tiên là việc hai nền kinh tế đều hội nhập sâu rộng với khu vực và quốc tế. Ông Doãn Hoàng Minh cho biết: “Hai nước đều ủng hộ tự do hóa thương mại theo hướng mở rộng dựa trên các quy định pháp luật”. Trong khi căng thẳng thương mại giữa các nước lớn và xu hướng bảo hộ đang gia tăng, việc hai nước không có mâu thuẫn về vấn đề thâm hụt thương mại, tiền tệ thì rõ ràng đây là điểm rất thuận lợi cho trao đổi thương mại và đầu tư giữa hai bên.
Ngoài ra, sau khi hai nước nâng quan hệ lên cấp đối tác chiến lược vào năm 2011, thì các cơ chế hợp tác giữa hai Chính phủ, các địa phương và doanh nghiệp hai bên đã được thiết lập và đi vào thực thi có hiệu quả.
Dẫn chứng cho điều này, ông Doãn Hoàng Minh đơn cử việc hai bên thiết lập cơ chế “fast track” vào năm 2019 nhằm trao đổi nhanh, bàn và tháo gỡ các vướng mắc trong quá trình thực hiện các dự án. Hai bên cũng đã ký các bản ghi nhớ về hợp tác kinh tế, ví dự như bản ghi nhớ về hợp tác kinh tế nhân chuyến thăm của Bộ trưởng Kinh tế và Năng lượng Đức Peter Altmaier hồi tháng 3/2019.
Hơn nữa, tháng 6/2020 vừa qua, được sự đồng ý của Chính phủ hai nước, Bộ Công thương và Bộ Kinh tế và Năng lượng Đức đã ký biên bản ghi nhớ về việc thành lập ủy ban kinh tế hỗn hợp, dự kiến sẽ có sự tham gia đông đảo của nhiều bộ ngành, doanh nghiệp hai bên để trao đổi biện pháp, hướng đi cụ thể thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế thương mại giữa hai nước.
Điểm thuận lợi nữa cần nhắc đến là hai nền kinh tế có tính bổ trợ lẫn nhau. Các mặt hàng xuất khẩu của hai nước không bị song trùng và không cạnh tranh lẫn nhau. Ngoài ra, Việt Nam còn có lợi thế để hợp tác với Đức trong cung ứng lao động, đáp ứng cho nhu cầu lao động lớn của thị trường Đức, đặc biệt trong các ngành chế tạo, điện tử, nhà hàng - khách sạn, du lịch…
Bên cạnh đó, “chúng ta có cộng đồng người Việt tại Đức khá đông đảo, khoảng 150.000 người. Nhiều trong số này có quan hệ mật thiết, gắn bó hiểu biết xã hội sở tại của Đức và hiểu biết quan hệ hợp tác thương mại và đầu tư của hai nước. Đây là cầu nối giúp phát triển sự đa dạng, độc đáo trong mối quan hệ hợp tác giữa hai nước”, ông Minh lưu ý.
Hiệp định EVFTA cũng sẽ là yếu tố thuận lợi để thúc đẩy hợp tác kinh tế Việt - Đức trong thời gian tới. Chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2020, EVFTA là hiệp định chất lượng cao, không đơn thuần là giảm và xóa bỏ các dòng thuế đối với hàng hóa nhập khẩu của hai bên, mà còn hướng Việt Nam đến tiêu chuẩn cao về thương mại và đầu tư quốc tế.
Đặc biệt, theo đại diện Vụ châu Âu, Bộ Ngoại giao, sự quan tâm và những điều chỉnh chính sách đối ngoại của hai bên cũng trở nên thuận lợi hơn cho doanh nghiệp hai bên trong đẩy mạnh giao thương và đầu tư.
Cụ thể, phía Việt Nam luôn coi trọng EU là đối tác ưu tiên hàng đầu và trong EU, Đức cũng là đối tác ưu tiên hàng đầu của Việt Nam. Trong chính sách chung về thu hút và tạo thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài, Việt Nam có hướng tạo thuận lợi hơn nữa cho các hoạt động đầu tư thương mại từ châu Âu, đơn cử như đầu tư từ Đức - quốc gia có thế mạnh ở các ngành công nghiệp chế tạo với hàm lượng công nghệ cao và lĩnh vực năng lượng tái tạo phù hợp với xu hướng chung của thế giới trong thời gian tới.
Về phía Đức, quốc gia này đã chủ động đưa nhiều đoàn doanh nghiệp sang tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Chính phủ Đức cũng có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, ông Minh cho biết. Hơn nữa, về mặt chiến lược, vào tháng 9/2020 vừa qua, Chính phủ Đức đã công bố định hướng về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và khẳng định coi trọng hợp tác với ASEAN, trong đó có Việt Nam.
“Định hướng này không chỉ thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đức với khu vực, tầm nhìn của Đức về các vấn đề an ninh, phát triển nói chung mà có thể mở đường cho những can dự cụ thể về kinh tế của Đức trong thời gian tới”, ông Minh nhận định.