Hưng Yên: Hỗ trợ phát triển sản xuất công nghiệp
Ngày:12/05/2020 02:03:23 CH
Dịch Covid-19 đã gây thiệt hại không nhỏ đến các doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh. Để chủ động hỗ trợ, kịp thời tháo gỡ những khó khăn cho các doanh nghiệp nhằm ổn định sản xuất, kinh doanh và giúp các doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay, tỉnh đã chỉ đạo các ngành liên quan chủ động triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp.
Sản xuất sụt giảm
Theo báo cáo kết quả sản xuất công nghiệp 4 tháng đầu năm của Sở Công Thương, chỉ số sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh tuy vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng, nhưng thấp hơn so với cùng kỳ năm trước. Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, hoạt động sản xuất các sản phẩm công nghiệp bị ảnh hưởng lớn, các doanh nghiệp phải giãn ca, giảm bớt số lao động làm việc trong các phân xưởng, dẫn đến sản lượng giảm.
Trong 4 tháng qua, sản lượng ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi chỉ bằng 80% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, diễn biến của dịch bệnh đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, xuất khẩu của ngành dệt may trên địa bàn tỉnh. Qua tổng hợp của ngành Công Thương, trong 4 tháng qua, ngành dệt may sản xuất được 97,1 triệu sản phẩm, bằng 98,4% so với cùng kỳ năm trước. Bà Hoàng Thị Thủy, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần may Hưng Phát T&M (Phù Cừ) cho biết, trong thời gian qua, công ty hoạt động sản xuất trong tình trạng cầm chừng, luân phiên công nhân làm việc theo hình thức giãn ca. Đến nay, các đơn hàng của công ty cơ bản đã hết, nếu diễn biến dịch bệnh ở các nước đối tác chưa có dấu hiệu khả quan, đơn hàng sẽ không thực hiện được, công ty sẽ phải tạm ngừng sản xuất.
Qua báo cáo của Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh cho thấy, nhiều doanh nghiệp trong các khu công nghiệp nói riêng và trên địa bàn tỉnh nói chung đang chịu tác động tiêu cực từ dịch bệnh Covid-19. Hoạt động sản xuất cầm chừng do không nhập được nguyên phụ liệu từ các nước đối tác, không xuất được đơn hàng. Trong khi đó, việc nhập khẩu nguyên liệu thay thế, các phụ liệu, linh kiện từ các quốc gia khác ngoài Trung Quốc đã được các doanh nghiệp tính đến, song giá thành cao và thời gian vận chuyển hàng chậm. Hầu hết các doanh nghiệp đang sản xuất theo đơn đặt hàng, nên việc chậm tiến độ giao hàng đã xảy ra. Nhiều doanh nghiệp công suất hoạt động giảm từ 30-50% so với cùng kỳ năm trước. Trước thực trạng này, các doanh nghiệp đều mong chờ dịch bệnh qua nhanh để sớm khôi phục sản xuất.
Ông Hiroyuki Yamashita, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Kyocera Việt Nam cho biết: Công ty đi vào hoạt động từ năm 2013 tại Khu công nghiệp Thăng Long II, chuyên sản xuất linh kiện gốm điện tử, thiết bị viễn thông, chế tác đồ trang sức. Hiện công ty tạo việc làm cho trên 1.600 lao động. Dịch bệnh Covid-19 đã làm ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất của công ty. Để bảo đảm tiến độ sản xuất, chúng tôi rất mong Chính phủ Việt Nam, UBND tỉnh Hưng Yên, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh tạo điều kiện để các chuyên gia Nhật Bản của công ty chúng tôi sớm được cấp phép lao động trở lại.
Gỡ khó cho doanh nghiệp
Thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp theo chỉ đạo của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương, tỉnh đã sớm chỉ đạo các ngành, địa phương liên hệ với các doanh nghiệp để kịp thời nắm bắt khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trên địa bàn; hỗ trợ nhà đầu tư khẩn trương hoàn thiện các thủ tục đầu tư các dự án thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật để giúp nhà đầu tư nhanh chóng khởi công, triển khai thực hiện dự án, phục vụ tăng trưởng kinh tế của tỉnh; tích cực phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức khảo sát nhanh các doanh nghiệp trong một số ngành, lĩnh vực sản xuất để đánh giá tác động làm cơ sở tham mưu với UBND tỉnh phối hợp với các bộ, ngành Trung ương để tìm hướng giải quyết, hỗ trợ kịp thời.
Ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh cho biết: Hiệp hội đã tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng để hỗ trợ doanh nghiệp chủ động và nỗ lực duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo đảm quyền lợi của người lao động; tích cực tái cơ cấu bộ máy, tìm kiếm thị trường và nguồn cung ứng nguyên vật liệu mới, hạn chế thấp nhất việc lệ thuộc vào một thị trường. Hiệp hội cũng đề nghị Chính phủ sớm có chính sách bổ sung đặc biệt nhằm giúp đỡ các doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp nhiều khó khăn.
Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh Hưng Yên tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung nghiên cứu, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn và dịch vụ ngân hàng phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh có hiệu quả. Các tổ chức tín dụng tập trung khảo sát, nắm bắt nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp; triển khai chương trình kết nối ngân hàng và doanh nghiệp… chủ động về nguồn vốn để mở rộng đầu tư tín dụng, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, cũng như xem xét, giải quyết các đề nghị của khách hàng.
Đồng chí Nguyễn Văn Thơ, Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, sở tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp: Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn, các địa phương kịp thời hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực hiện tốt các biện pháp phòng dịch, không để người lao động trong ngành nhiễm bệnh, lây lan ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh. Phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, địa phương triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp của Chính phủ, của tỉnh nhằm hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục, vượt qua những tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19 như: Giãn nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ vay; giảm lãi suất; gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất;... giải ngân các gói hỗ trợ tài chính cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 để góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh. Rà soát, đánh giá tác động của dịch bệnh đối với sản xuất công nghiệp của tỉnh cũng như các chuỗi sản xuất công nghiệp; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Bộ Công Thương, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố để đề xuất các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, định hướng chuyển đổi nguồn cung ứng nguyên liệu, vật tư sản xuất, nhất là nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc cho các lĩnh vực dệt may, da giày, điện tử... Hỗ trợ, kết nối các doanh nghiệp của tỉnh với các doanh nghiệp trong nước để hình thành các chuỗi sản xuất mới chủ động hơn, ít phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung, cầu.
Nguồn: Baohungyen.com.vn