Hưng Yên: Khởi sắc thu hút đầu tư nguồn vốn trong nước

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh (khóa XVIII) định hướng: Thu hút đầu tư là một trong 3 khâu đột phá của tỉnh, là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt trong phát triển kinh tế thời kỳ 2016 – 2020. Do đó, cùng với thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), thu hút vốn đầu tư trong nước trên địa bàn tỉnh đạt kết quả khởi sắc. Nguồn lực đầu tư trong nước đã thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tăng nguồn thu ngân sách, tạo việc làm cho lao động địa phương.

Hưng Yên thu hút đầu tư

Sản xuất tại Công ty cổ phần Tiên Hưng (Tiên Lữ)

Với lợi thế về vị trí địa lý nằm ở trung tâm đồng bằng Bắc bộ, địa hình bằng phẳng, tỉnh ta thuận lợi để xây dựng nhà xưởng, thực hiện các dự án phát triển sản xuất, kinh doanh. Để các nhà đầu tư trong nước biết và đến tìm hiểu cơ hội đầu tư, công tác tuyên truyền về lợi thế đầu tư tại địa bàn tỉnh được đẩy mạnh với nhiều hình thức phong phú và hiệu quả.

Đồng chí Trịnh Văn Diễn, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: “Trong thu hút đầu tư, tỉnh luôn quan tâm đến những dự án thiết thực, phù hợp với điều kiện thực tế, thu hút đầu tư một cách có chọn lọc, không chạy theo số lượng. Hưng Yên đặc biệt coi trọng việc tạo môi trường đầu tư thuận lợi, an toàn và tin cậy cho các nhà đầu tư”. Tỉnh tiếp tục áp dụng hàng loạt cơ chế “mở”, hàng loạt chính sách ưu đãi bảo đảm theo quy định của pháp luật dành cho nhà đầu tư. Các cơ chế ưu đãi được tỉnh xây dựng và thực hiện khá cụ thể, phù hợp với đặc thù, tính chất của dự án đầu tư, nơi thực hiện dự án đầu tư, phù hợp với ngoài khu công nghiệp, trong khu công nghiệp.

Theo số liệu tổng hợp của Sở Kế hoạch và Đầu tư, kết quả thu hút dự án vốn đầu tư trong nước đạt kết quả tích cực. Trong 2 tháng đầu năm 2020, toàn tỉnh thu hút mới được 7 dự án đầu tư trong nước, số vốn đăng ký đạt 487 tỷ đồng. Tính đến hết tháng 2.2020, toàn tỉnh có 1.456 dự án vốn đầu tư trong nước còn hiệu lực với tổng số vốn đăng ký là 133.074 tỷ đồng, trong đó: ngoài khu công nghiệp là 1.261 dự án, trong khu công nghiệp là 195 dự án. Đến nay khoảng 75% số dự án đi vào hoạt động, tạo việc làm cho khoảng 10 vạn lao động. Các doanh nghiệp chấp hành nghiêm túc nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước. Trong năm 2019, thu ngân sách nhà nước khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đạt trên 3.592 tỷ đồng. Đây là kết quả đáng phấn khởi, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Thời gian qua, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành triển khai các giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, tăng cường phối hợp thực hiện nhiệm vụ phát triển, cải thiện môi trường đầu tư, xây dựng cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 45/KH – UBND ngày 29.3.2019 Kế hoạch hành động triển khai Nghị quyết số 02/NQ – CP ngày 1.1.2019 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh tỉnh Hưng Yên năm 2019 và định hướng đến năm 2021. Theo đó các sở, ngành, địa phương thực hiện các giải pháp tiếp tục nâng cao chất lượng môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, phấn đấu cải thiện điểm số và xếp hạng của chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh. Năm 2019, tỉnh đưa vào hoạt động Trung tâm phục vụ hành chính công, tiếp tục xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, năng động, phục vụ tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp, tạo động lực để tăng cường thu hút đầu tư; tạo thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo. Đồng thời, tỉnh công khai quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, minh bạch môi trường đầu tư; đơn giản hóa các thủ tục đầu tư; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư. Một trong những biện pháp để thu hút nguồn vốn đầu tư đó là tỉnh đã xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư vào các ngành, lĩnh vực như: Phát triển công nghiệp hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước, dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Đặc biệt, tỉnh quan tâm thu hút các dự án có quy mô lớn và vừa, sản phẩm cạnh tranh, tham gia chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu, có giá trị gia tăng cao.

Để thuận lợi cho các nhà đầu tư trong nước, tỉnh đã hoàn thành nhiều quy hoạch, đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, khu, cụm công nghiệp bảo đảm đồng bộ về giao thông, điện, cấp thoát nước, dịch vụ viễn thông; hỗ trợ doanh nghiệp trong đầu tư mở rộng sản xuất, đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa để tạo nên những sản phẩm cạnh tranh, có chất lượng cao. Đồng thời công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quỹ đất chưa sử dụng nhằm minh bạch hóa việc tiếp cận nguồn lực đất đai, mặt bằng sản xuất, bảo đảm cơ sở cho việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, hỗ trợ khảo sát địa điểm.

Ông Nguyễn Đức Cường, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thuận Đức (Kim Động) chia sẻ: “Trong quá trình thực hiện dự án đầu tư vào địa bàn Hưng Yên, doanh nghiệp luôn được tỉnh và các ngành chức năng, chính quyền địa phương tạo điều kiện thuận lợi. Đến nay, công ty có mức tăng trưởng khá, luôn thực hiện đầy đủ chính sách, nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước”. Qua tìm hiểu được biết, Công ty cổ phần Thuận Đức đi vào hoạt động từ năm 2007, sản xuất bao bì dệt chất lượng tốt, giá rẻ, bảo vệ môi trường. Đến hết năm 2019, công ty có tổng nhân sự gần 1,4 nghìn người. Thu nhập bình quân người lao động đạt 8,9 triệu đồng/người/tháng. Công ty cổ phần Thuận Đức là một minh chứng trong số hàng trăm doanh nghiệp thực hiện thành công các dự án phát triển sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

Những con số về kết quả thu hút đầu tư nguồn vốn trong nước góp phần khẳng định đây là hướng đi đúng, là khâu đột phá để phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời minh chứng thời gian qua các cấp ủy, chính quyền triển khai thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh tích cực và đạt kết quả cao. Để nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh tiếp tục đi vào đời sống, thời gian tới, ngành chức năng cần nâng cao hiệu quả xúc tiến đầu tư, khuyến khích các hoạt động xúc tiến đầu tư mang tính liên ngành, liên vùng, theo dự án và đối tác trọng điểm. Hướng dẫn, trợ giúp các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án hoặc thu hồi chấm dứt hoạt động dự án không hiệu quả; tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư khác vào tiếp cận và đầu tư. Tiếp tục xây dựng danh mục các dự án kêu gọi thu hút đầu tư, có sắp xếp thứ tự ưu tiên gắn với các chính sách hỗ trợ đầu tư đối với từng nhóm, trong đó chú trọng tìm kiếm, vận động, thu hút các nhà đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đã được quy hoạch; các dự án lớn, hàm lượng công nghệ cao, đóng góp nhiều cho ngân sách và thân thiện với môi trường. Thực hiện cơ chế phối hợp, gắn kết giữa các doanh nghiệp với các trường đại học, trung tâm đào tạo nghề và thực hiện các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, kịp thời đáp ứng nhu cầu lao động của các doanh nghiệp. Đẩy mạnh thực hiện Đề án cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư thuận lợi, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) giai đoạn 2016 – 2020.

Nguồn: Báo Hưng Yên

Chat qua zalo