Hưng Yên tạo môi trường thuận lợi phát triển công nghiệp

Các Khu công nghiệp (KCN) tập trung, cụm công nghiệp (CCN) tiếp tục phát triển theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực, thu hút nhiều dự án lớn, công nghệ tiên tiến. Đây tiếp tục là hướng phát triển của công nghiệp Hưng Yên trong thời gian tới.

Những điểm sáng của ngành công nghiệp

Giám đốc Sở Công thương Hưng Yên Nguyễn Văn Thơ phấn khởi cho biết: Sau gần ba năm triển khai Nghị quyết số 07-NQ/TU về “Chương trình phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến 2025” sản xuất công nghiệp của tỉnh Hưng Yên đã bước vào giai đoạn mới, tăng trưởng cao. Một số nhóm hàng chủ lực của tỉnh như: Dệt may, điện tử… nằm trong chuỗi sản phẩm toàn cầu. Khu công nghiệp Thăng Long II đã cơ bản được lấp đầy, với nhiều dự án có vốn đầu tư lớn, công nghệ cao tạo nên bức tranh mới của ngành công nghiệp tỉnh Hưng Yên.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 18, tiếp tục khai thác hiệu quả tiềm năng phát triển công nghiệp, tạo nền tảng vững chắc cho phát triển kinh tế - xã hội, Tỉnh ủy Hưng Yên ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 4-10-2016 về “Chương trình phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến 2025”.

UBND tỉnh đã cụ thể hóa nghị quyết và chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai: Chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2016 - 2020; quy định về “Rút ngắn thời gian tiếp cận điện năng trên địa bàn tỉnh”; phát triển các thị trường khu vực thời kỳ 2015-2020, tầm nhìn đến năm 2025; đề án nâng cao năng lực cạnh tranh các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh; Chương trình khuyến công địa phương tỉnh Hưng Yên đến năm 2020; quy định một số cơ chế chính sách hỗ trợ đầu tư, phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hưng Yên.

Đây là động lực đưa hoạt động sản xuất công nghiệp của tỉnh Hưng Yên trở lại thời kỳ tăng trưởng cao, cụ thể: Giá trị sản xuất công nghiệp (GTSXCN) các năm 2016, 2017 tăng hơn 9%; năm 2018 đạt hơn 119 nghìn tỷ đồng, tăng 10,93%; bốn tháng đầu năm 2019 GTSXCN ước đạt 44 nghìn tỷ đồng, tăng 10,54% so với cùng kỳ (năm 2015 GTSXCN đạt 84.807 tỷ đồng). Cùng với sự tăng trưởng GTSXCN, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) duy trì ở mức khá cao và thể hiện rõ sự tiến bộ hằng năm: Năm 2015 đạt 8,68%, năm 2016 đạt 9,05%, năm 2017 đạt 9,54%, năm 2018 đạt 10,93%, kế hoạch năm 2019 đạt 10,97%. Đây là thành tựu lớn đã giúp quy mô ngành công nghiệp của tỉnh Hưng Yên phát triển gấp nhiều lần so đầu những năm 2000.

Thu hút vốn đầu tư phát triển công nghiệp ở tỉnh Hưng Yên đạt kết quả khá, năm 2017 thu hút được 255 dự án đầu tư mới, có 86 dự án đi vào hoạt động; năm 2018, thu hút được 157 dự án, có 59 dự án đi vào hoạt động. Có nhiều dự án công nghệ cao, giá trị sản xuất lớn đi vào hoạt động: Dự án sản xuất máy điều hòa không khí của Công ty cổ phần Daikin Conditioning Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký 82,5 triệu USD; Dự án sản xuất thiết bị vệ sinh và các phụ kiện của Công ty TNHH TOTO Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký 281 triệu USD; dự án nhà máy sản xuất bảng mạch in dùng cho các thiết bị điện tử của Công ty TNHH Mektec Manufacturing Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký 100 triệu USD; dự án Nhà máy chế biến sữa của Công ty cổ phần thực phẩm dinh dưỡng Nutifood Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 1.600 tỷ đồng; dự án Nhà máy tôn mạ mầu của Công ty TNHH một thành viên Hòa Phát với tổng vốn đầu tư đăng ký 2.400 tỷ đồng...

Một số ngành, lĩnh vực có bước phát triển mạnh mẽ, nhiều sản phẩm công nghiệp của tỉnh tiếp tục khẳng định được vị thế trên thị trường, đã có thêm nhiều sản phẩm tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Một số doanh nghiệp đã trở thành nhà cung cấp linh kiện, phụ kiện cho các doanh nghiệp, tập đoàn lớn, như: Công ty TNHH dây và cáp điện Ngọc Khánh, Công ty TNHH 4P, Công ty cổ phần Technokom, Công ty TNHH bao bì Việt Hưng; Công ty cổ phần dệt kim Hanosimex…

Kết cấu hạ tầng kỹ thuật cho phát triển công nghiệp như điện, đường giao thông, thông tin liên lạc,... được quan tâm đầu tư cải tạo, xây dựng mới; nhất là hệ thống lưới điện bảo đảm phục vụ tốt nhu cầu phát triển công nghiệp. Đầu tư phát triển các KCN, CCN có nhiều tiến bộ. Một số KCN, CCN được mở rộng lấp đầy; điển hình là KCN Thăng Long II, có quy mô hơn 345 ha, được đầu tư theo mô hình KCN hiện đại, đồng bộ, bảo vệ môi trường, đã thu hút được 96 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng đầu tư đăng ký khoảng 2,5 tỷ USD, đóng góp lớn vào GTSXCN, nâng cao sử dụng hiệu quả tài nguyên. Các công trình xã hội phục vụ người lao động tại các KCN, khu vực tập trung nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp đã và đang được đầu tư xây dựng nhằm bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động.

Công nghiệp phát triển với nhiều chỉ tiêu chủ yếu đã đạt, gần đạt so với Nghị quyết đề ra, góp phần quan trọng đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh Hưng Yên tăng hơn 8% trong năm 2016, 2017 và đạt 9,64% năm 2018, đồng thời đưa tỷ trọng công nghiệp, xây dựng chiếm 51,56% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh; kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng khá cao, đạt hơn 4,2 tỷ USD năm 2018; thu ngân sách từ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của tỉnh chiếm tỷ trọng lớn, khoảng 80% trong tổng thu ngân sách của tỉnh, là nhân tố quyết định đưa tỉnh Hưng Yên trở thành tỉnh tự cân đối thu chi ngân sách.

Xây dựng, mở rộng khu công nghiệp, đón dự án có công nghệ hiện đại

Đại hội Đảng bộ tỉnh Hưng Yên lần thứ 18 xác định: Tập trung thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp có giá trị gia tăng cao, hiện đại là khâu đột phá phát triển kinh tế. Để thực hiện thành công nhiệm vụ trên, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hưng Yên Trịnh Văn Diễn cho biết: Điểm nhấn trong thực hiện Nghị quyết 07-NQ/TU, tỉnh Hưng Yên đã lập xong quy hoạch và trình Chính phủ phê duyệt khu công nghiệp và đô thị dịch vụ Lý Thường Kiệt rộng 3.000 ha vào quy hoạch tổng thể các khu công nghiệp của tỉnh Hưng Yên đến năm 2020 và bổ sung vào quy hoạch phát triển các khu công nghiệp Việt Nam đến năm 2020. Khu công nghiệp và đô thị dịch vụ Lý Thường Kiệt có tám khu công nghiệp, cảng thông quan nội địa, dịch vụ logistics và khu đô thị sinh thái, nhà ở cho công nhân.

Khu công nghiệp và đô thị dịch vụ Lý Thường Kiệt đi vào hoạt động sẽ tạo nên sự phát triển đột phá về công nghiệp và nền kinh tế của tỉnh Hưng Yên trong nhiều năm tiếp theo. Tiếp tục mở rộng Khu công nghiệp Thăng Long II lên 550 ha để đón những dự án đầu tư có công nghệ tiên tiến, công nghệ cao. Đồng thời, tập trung nguồn lực đầu tư đường trục bắc - nam, mở rộng tuyến đường nối giữa đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với đường cao tốc cầu Giẽ - Ninh Bình… tạo điều kiện thuận lợi cho lưu thông hàng hóa ở khắp các địa phương, khu, cụm công nghiệp với các đô thị, hải cảng, sân bay, cửa khẩu ở khu vực Bắc Bộ.

Cùng với đó, tỉnh Hưng Yên sẽ rà soát các khu cụm công nghiệp; xây dựng lại danh mục các dự án kêu gọi thu hút đầu tư, có sắp xếp thứ tự ưu tiên gắn với các chính sách hỗ trợ đầu tư đối với từng nhóm, chú trọng tìm kiếm, vận động, thu hút các nhà đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng các KCN, CCN đã được quy hoạch; các dự án lớn, hàm lượng công nghệ cao, đóng góp nhiều cho ngân sách và thân thiện với môi trường. Thực hiện tốt đề án cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư thuận lợi, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2016 - 2020. Đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng mô hình Chính phủ điện tử với cấp độ phù hợp với điều kiện thực tiễn của tỉnh; tăng số lượng các thủ tục thực hiện trực tuyến cấp độ 3, từng bước mở rộng thực hiện trực tuyến cấp độ 4 với các thủ tục hành chính phù hợp, tạo thuận lợi tối đa cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp. Nâng cao chất lượng chương trình xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư của tỉnh, tăng cường hoạt động xúc tiến xuất khẩu.

Khuyến khích liên kết các cơ sở sản xuất nhỏ thành các cụm, nhóm cơ sở để tăng khả năng huy động vốn phát triển thành mạng lưới vệ tinh cho các ngành công nghiệp của tỉnh. Thực hiện cơ chế phối hợp, gắn kết giữa các doanh nghiệp với các trường đại học, trung tâm đào tạo nghề và thực hiện các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho các hoạt động đào tạo nghề gắn với doanh nghiệp, kịp thời đáp ứng nhu cầu lao động của các doanh nghiệp. Hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ mới, ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất… Bằng các giải pháp đồng bộ, nhất là tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư, tin rằng Hưng Yên sẽ hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu về phát triển công nghiệp Đại hội Đảng bộ tỉnh Hưng Yên lần thứ 18 đề ra, sớm trở thành tỉnh công nghiệp. 

Nguồn: nhandan.com.vn

Chat qua zalo