IIP VIETNAM ĐỀ XUẤT XÂY DỰNG KHU CÔNG NGHIỆP RIÊNG CHO NGÀNH DỆT MAY - HƯỚNG ĐI MỚI HỨA HẸN SỰ BỨT TỐC CỦA NỀN KINH TẾ VIỆT NAM
Ngày:29/06/2020 09:49:42 SA
CƠ HỘI TỪ CÁC HIỆP ĐỊNH THƯƠNG MẠI: NGÀNH DỆT MAY LÊN NGÔI
Thời gian gần đây, Việt Nam đã ký kết hàng loạt hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA), trong đó có Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và mới đây nhất là FTA với Liên minh châu Âu (EVFTA).
Thực thi hai hiệp định này, ngành dệt may Việt Nam có cơ hội rất lớn để thúc đẩy xuất khẩu vào các thị trường của CPTPP và EVFTA. Thậm chí, dệt may còn là ngành được xác định là sẽ hưởng lợi nhiều nhất. Chẳng hạn, với EVFTA, sau khi hiệp định này có hiệu lực, hàng dệt may vào EU sẽ được giảm ngay về 0% khoảng 42,5% số dòng thuế; số còn lại sẽ giảm dần về 0% trong 5-7 năm. Thuế suất như vậy là cơ hội để hàng dệt may Việt Nam tăng cường vào EU.
Nhưng thách thức nằm ở chỗ, cả với CPTPP lẫn EVFTA, quy định về xuất xứ hàng hóa đối với mặt hàng này rất chặt. Với EVFTA, nguyên tắc được áp dụng là “từ vải trở đi”, còn với CPTPP, thậm chí còn là “từ sợi trở đi”. Nếu sợi nguyên liệu, vải nguyên liệu không được sản xuất từ các nước thành viên CPTPP, EVFTA, thì không có thuế suất ưu đãi gì hết. Trong khi đó, Việt Nam vẫn đang phải phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc.
Để được hưởng thuế suất ưu đãi, Việt Nam buộc phải chủ động được nguồn nguyên liệu đầu vào cho sản xuất hàng dệt may. Nhưng bất cập nằm ở chỗ, các địa phương lại chẳng mặn mà chào đón các dự án đầu tư trong lĩnh vực này vì lo ngại ô nhiễm môi trường. Thế nên, nguyên liệu thiếu vẫn hoàn thiếu. Và điều đó cũng đồng nghĩa với việc, Việt Nam khó có thể đáp ứng được các quy định về xuất xứ để được hưởng thuế suất ưu đãi.
IIP VIETNAM ĐỀ XUẤT THÀNH LẬP KHU CÔNG NGHIỆP RIÊNG CHO NGÀNH DỆT MAY
IIP VIETNAM với sứ mệnh xúc tiến đầu tư đã, đang và sẽ kết nối với nhiều Nhà Đầu tư trên thế giới đầu tư vào Việt Nam trong đó có các Nhà đầu tư lớn trên thế giới về lĩnh vực dệt may. Tuy nhiên một vấn đề đặt ra là ô nhiễm môi trường, hàng loạt các địa phương đều tỏ ra e dè và không mặn mà khi IIP VIETNAM đề xuất thành lập một khu công nghiệp chuyên biệt để các Nhà đầu tư nước ngoài về đầu tư ngành Dệt may.
Trên thực tế, theo thông tin của IIP VIETNAM, để đón đầu cơ hội thị trường của CPTPP, nhất là vào thời điểm hiệp định này vẫn có sự tham gia của Mỹ, với tên gọi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đã đầu tư xây dựng các khu công nghiệp dệt may và triển khai các dự án quy mô lớn tại Việt Nam.
Một ví dụ điển hình là Tập đoàn Texhong (Hồng Kông) đã triển khai Dự án Khu công nghiệp và nhà máy xơ sợi ở Khu công nghiệp Hải Hà (Quảng Ninh). Ngoài ra, còn một loạt dự án lớn khác, như Dệt Pacific Crystal đầu tư tại Khu công nghiệp Nam Sách và Khu công nghiệp Lai Vu (Hải Dương); Dự án nhà máy sản xuất sợi và vải Xindadong Textiles Dung ở Quảng Ngãi; hay Eclat Fabric Việt Nam tại Bà Rịa - Vũng Tàu…
Và “danh chính ngôn thuận” thì hiện mới chỉ có Khu công nghiệp dệt may Phố Nối (tỉnh Hưng Yên) chính thức được thành lập năm 2006 để tập trung các dự án công nghiệp dệt may. Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý về chủ trương Đề án xây dựng Khu công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may tại Khu công nghiệp Phong Điền (Thừa Thiên Huế).
Ngoài ra, dù chưa có quy hoạch tổng thể phát triển khu công nghiệp dệt may, nhưng có một số khu công nghiệp được thành lập để thu hút các dự án công nghiệp dệt may, như Khu công nghiệp Rạng Đông và Khu công nghiệp Bảo Minh (Nam Định), Khu công nghiệp Tam Thăng (Quảng Nam), Khu công nghiệp Bình An (Bình Dương)…
Tuy vậy, đây vẫn chỉ là các khu công nghiệp được phát triển một cách tự phát. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, để đảm bảo sát với tình hình thực tế, cần xác định được nhu cầu và có giải pháp phát triển các dự án công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may ở mức độ nhất định, tránh việc phát triển tràn lan, tự phát. Chưa kể, các dự án này phải có công nghệ hiện đại, bảo đảm về môi trường.
Trên tinh thần “dọn tổ đón Đại Bàng” mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu, đây là một cơ hội và thách thức lớn cho ngành Công nghiệp Việt Nam nói chung và Dệt may nói riêng, trong bối cảnh này, theo IIP VIETNAM việc thí điểm thành lập các khu công nghiệp riêng dành cho ngành dệt may, da giày, hóa chất, “quy tụ” các dự án trong lĩnh vực này vào các khu công nghiệp tập trung chính là phương án hợp lý để Việt Nam vẫn vừa thu hút được các dự án đầu tư trong lĩnh vực này, giải bài toán xuất xứ nguyên liệu hàng hóa, đồng thời vẫn xử lý tốt các vấn đề về môi trường và đặc biệt đảm bảo được an sinh xã hội, tạo đà bứt tốc cho nền kinh tế nước nhà.
Ngoài ra do lĩnh vực dệt may có ảnh hưởng nhất định tới môi trường nên các khu công nghiệp trọng điểm, ưu tiên phát triển ngành dệt may nên được quy hoạch tập trung phát triển tại các khu vực cách xa đô thị lớn và gắn với tiềm năng cung cấp nguồn nguyên liệu và thị trường. Việc phát triển khu công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may và thu hút đầu tư vào khu công nghiệp chỉ nên được thực hiện khi các dự án đảm bảo các điều kiện về công nghệ và môi trường theo quy định của pháp luật.