IPP AirCargo đề xuất được kích hoạt việc chuẩn bị thành lập hãng bay chuyên biệt

“Ông vua hàng hiệu” Nguyễn Hạnh muốn tiến hành ngay việc chuẩn bị các thủ tục để thành lập hãng hàng không chuyên biệt vận chuyển hàng hóa và sẽ thực hiện các chuyến bay vào năm 2022.

Nếu được cấp có thẩm quyền chấp thuận, Công ty cổ phần IPP Air Cargo do "ông vua hàng hiệu" Hạnh Nguyễn làm chủ tịch sẽ khai thác 5 tàu bay chở hàng ngay trong năm đầu hoạt động

Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần IPP Air Cargo vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ xin hỗ trợ việc thành lập hãng hàng không chuyên biệt vận tải hàng hóa.

Theo đó, ông Nguyễn Hạnh – Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần IPP Air Cargo kiến nghị Thủ tướng cho phép Công ty cổ phần IPP Air Cargo đượ chuẩn bị các thủ tục để thành lập hãng hàng không chuyên biệt vận chuyển hàng hóa trong thời gian này và sẽ thực hiện các chuyến bay vào năm 2022 (tuỳ theo tình hình dịch bệnh) để doanh nghiệp có cơ sở xúc tiến việc đàm phán, ký hợp đồng mua máy bay Boeing, xúc tiến các cuộc gặp cấp cao với phía Mỹ để giúp cân bằng cán cân thương mại hai chiều giữa Mỹ và Việt Nam.

Chủ tịch Công ty cổ phần IPP Air Cargo cũng muốn Thủ tướng chỉ đạo Bộ GTVT hướng dẫn, thẩm định các thủ tục cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không nhằm đáp ứng các điều kiện an toàn bay theo quy định hiện hành. 

Ông Nguyễn Hạnh cho biết là Công ty cổ phần IPP Air Cargo đã nhận được văn bản số 6782/BGTVT-VT ngày 13/7/2021 của Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kiến nghị của Công ty cổ phần IPP Air Cargo, trong đó kiến nghị chưa xem xét cho phép thành lập hãng hàng không mới trong giai đoạn hiện nay (bao gồm cả việc thành lập hãng hàng không chuyên chở hàng hóa) với lý do đây là một trong các biện pháp hạn chế tối đa khả năng mất cân đối cung/cầu của thị trường, gây ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững của ngành hàng không do ảnh hưởng của đại dịch Covid.

Theo ông Nguyễn Hạnh, đại dịch Covid đã gây ra khủng hoảng kinh tế toàn cầu nhưng cũng là cơ hội cho các ngành nghề mới phát triển, việc thay đổi xu thế, thói quen tiêu dùng của người dân toàn thế giới dẫn tới các doanh nghiệp phải chấp nhận và thích nghi với bối cảnh mới. 

Cũng do đại dịch Covid dẫn tới chi phí vận tải tăng cao kỷ lục, trong đó cước vận tải biển tăng gấp 6 lần năm 2020 và có thể tiếp tục tăng kéo theo giá cước vận chuyển hàng không tăng đột biến, thực tế trong khu vực cho thấy nhu cầu thuê tàu bay charter để chở hàng tăng vọt, rất khó khăn mới thuê được tàu bay để giải phóng hàng hóa tồn đọng. Điều này dẫn tới chi phí hàng hóa, nguyên vật liệu tăng cao, ảnh hưởng đến xuất nhập khẩu, nguy cơ lạm phát, ảnh hưởng đến sự phát triển của nền kinh tế. 

Liên quan đến việc Bộ GTVT cho biết, tính đến 28/6/2021 các hãng hàng không đã hoàn đổi 9 tàu bay sang chở hàng theo hình thức tháo ghế hành khách để chở hàng trên khoang, lãnh đạo Công ty cổ phần IPP Air Cargo cho rằng, hình thức tháo ghế hành khách để chở hàng cũng chỉ là tạm thời, chưa phải là một hình thức vận tải hàng hóa chuyên nghiệp.

Khi thị trường hàng không hồi phục (năm 2022) thì việc các hãng hàng không hiện tại quay lại phục vụ hành khách sẽ vẫn có khoảng trống trong vận chuyển hàng hóa. Ngoài ra việc vận chuyển hàng hóa bằng tàu bay chuyên biệt là một mảng kinh doanh khác so với vận chuyển hành khách, đòi hỏi bộ máy hoạt động, quy trình vận hành hoàn toàn khác.

Do đó, các hãng hàng không hiện tại muốn vận chuyển hàng hóa cần phải xây dựng hệ thống riêng dành cho hàng hóa. Việc tận dụng tàu bay chở khách để chở hàng sẽ liên quan đến nhiều vấn đề như bảo hiểm, hiệu quả tài chính và an toàn hàng không ... 

“Việt Nam là nền kinh tế thị trường, việc các hãng cạnh tranh thị phần, có thành công và thất bại, đó sẽ do thị trường điều tiết. Việc bảo hộ các hãng hàng không để dẫn tới không cấp phép bay cho các hãng mới sẽ gây bất lợi đối với hình ảnh của nền kinh tế thị trường của Việt Nam trên thế giới”, ông Nguyễn Hạnh đánh giá.

Theo Chủ tịch Công ty cổ phần IPP Air Cargo, chiến lược của đơn vị này là thành lập một hãng hàng không chuyên biệt vận chuyển hàng hóa cạnh tranh với mục tiêu góp phần tăng giá trị cạnh tranh của các hãng hàng không hàng hóa của Việt Nam trên các đường bay quốc tế, giúp kết nối các cảng hàng không quốc tế trong nước để hoàn thiện mạng đường bay nội địa cũng như để góp phần vào sự phát triển chung của ngành hàng không Việt Nam. Hiện trung bình 83% thị trường vận chuyển hàng hóa của Việt Nam bị các hãng vận chuyển nước ngoài chiếm lĩnh. Hãng hàng không IPP Air Cargo mong muốn được thành lập để phân định lại thị trường hàng hóa của Việt Nam trên các chặng bay quốc tế, đang bị mất vào tay các hãng vận chuyển lớn như UPS, DHL, FEDEX...

Theo ông Nguyễn Hạnh, doanh nghiệp này thấu hiểu sự khó khăn của các hãng hàng không hiện tại và áp lực quản lý thị trường của Bộ GTVT, vì vậy Công ty sẵn sàng chia sẻ với các hãng bay trong bối cảnh hiện nay và sẽ chỉ cất cánh khi thị trường hàng không phục hồi (dự kiến năm 2022) như báo cáo của Bộ GTVT.

Chat qua zalo