Khả năng giữ chân các tập đoàn đa quốc gia của Việt Nam so với Trung Quốc, Ấn Độ, Mexico, Indonesia...
Ngày:14/10/2020 10:02:12 SA
Trong Báo cáo năng lực cạnh tranh đầu tư toàn cầu 2019/2020: Xây dựng lại niềm tin của nhà đầu tư trong thời điểm không chắc chắn, Ngân hàng Thế giới đã thực hiện một cuộc khảo sát với 2.400 giám đốc kinh doanh làm việc cho các tập đoàn đa quốc gia (MNE) tại 10 quốc gia thu nhập trung bình trong đó có Việt Nam. Kết quả khảo sát đã chỉ ra rất nhiều điểm mạnh, điểm yếu của Việt Nam so với các đối thủ trong cuộc đua thu hút FDI.
1. MNE hoạt động tại Việt Nam xuất khẩu nhiều hơn phục vụ thị trường nội địa
Khi được hỏi "Trong năm tài chính trước, bao nhiêu phần trăm doanh thu của công ty bạn là từ xuất khẩu?", có tới 74% CEO các công ty đa quốc gia trong lĩnh vực sản xuất tại Việt Nam trả lời có. Trong khi tại Ấn Độ, con số này chỉ là 30%. Ở Trung Quốc là 48% và ở Thái Lan là 38% đáp án có cho câu hỏi này.
Trong lĩnh vực dịch vụ, số lượng doanh nghiệp chủ yếu xuất khẩu lại cao ở Ấn Độ và Thái Lan, trong khi ở Trung Quốc chỉ 21% và Việt Nam là 29%.
2. Đầu vào cho quá trình sản xuất tại Việt Nam phụ thuộc nguồn nước ngoài
Đầu vào của hoạt động sản xuất và cả dịch vụ của MNE tại Việt Nam cũng phải nhập khẩu nhiều hơn so với các quốc gia khác, từ Mexico, Malaysia đến Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan. Trung Quốc là quốc gia nơi doanh nghiệp ít phải nhập khẩu nguyên liệu đầu vào nhất.
3. Áp lực cạnh tranh của MNE tại Việt Nam chủ yếu đến từ công ty nước ngoài khác, không phải nội địa
Trả lời câu hỏi: "Trong 3 năm gần nhất, mặt hàng chủ chốt của công ty bạn tăng, giảm hay giữ nguyên thị phần tại quốc gia đầu tư?". 66% doanh nghiệp Ấn Độ trả lời thị phần của họ tăng, Việt Nam đứng thứ 3 với 55%.Đối với MNE tại Việt Nam, áp lực cạnh tranh lớn nhất đến từ các công ty nước ngoài khác, chiếm tới 61% (bao gồm cả công ty hoạt động tại Việt Nam và ở nước ngoài). Chỉ có 24% đến từ công ty trong nước và 5% đến từ hàng nhập khẩu.
Áp lực cạnh tranh với doanh nghiệp nội địa ở Việt Nam là thấp nhất trong số 10 quốc gia. Trong khi đó, áp lực cạnh tranh với doanh nghiệp nội địa ở Trung Quốc và Ấn Độ là rất cao, áp lực cạnh tranh đến từ doanh nghiệp nước ngoài khác là tương đối thấp.
4. 91% doanh nghiệp đa quốc gia sẽ còn gắn bó với Việt Nam trong 3 năm tới
Khảo sát cho thấy, 46% MNE hoạt động tại Việt Nam cho biết sẽ mở rộng kinh doanh, 45% sẽ duy trì hoạt động, 1% sẽ thu hẹp hoạt động và 8% có ý định rời Việt Nam trong 3 năm tới.
Số liệu cũng cho thấy không có nhiều doanh nghiệp tại Trung Quốc muốn mở rộng hoạt động (chỉ chiếm 17%). Nhưng có tới 73% doanh nghiệp cho biết họ sẽ duy trì hoạt động ở Trung Quốc và gần như 0% muốn thoái lui khỏi quốc gia tỷ dân này.
Kết quả của Việt Nam trong câu hỏi này có phần khả quan lớn Thái Lan và Malaysia, nhưng lại kém hơn Indonesia. Đối thủ đáng gờm của Việt Nam cũng có thể sẽ là Ấn Độ khi có tới 97% công ty hoạt động tại đây sẽ mở rộng hoạt động hoặc ít nhất là duy trì. Chỉ có 1% muốn thu hẹp hoạt động.
5. 3 điểm khó của MNE tại Việt Nam: phê duyệt đầu tư, tỷ lệ nội địa hóa và ràng buộc với lao động nước ngoài
Doanh nghiệp ở cả 10 quốc gia đều cho rằng quy trình phê duyệt đầu tư là trở ngại lớn nhất đối với doanh nghiệp nước ngoài. Về trở ngại lớn thứ hai, trong khi có tới 6 quốc gia trục trặc về ràng buộc giá, công nghệ, sản phẩm thì doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam lại gặp khó về yêu cầu nội địa hóa. Ràng buộc thứ ba tại Việt Nam là các quy định với người lao động nước ngoài.