Khánh Hòa: Nỗ lực cải thiện môi trường đâu tư kinh doanh và thu hút đầu tư

Năm 2020, cả nước nói chung và tỉnh Khánh Hòa nói riêng phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức bởi dịch COVID-19.

Trong đó, Khánh Hòa là địa phương chịu tác động lớn với tổng sản phẩm giảm đến 10,52% với 9/16 chỉ tiêu kinh tế xã hội không đạt kế hoạch. Tuy nhiên, với nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp, trong năm trên địa bàn tỉnh thu hút đến 25 dự án với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 7.700 tỷ đồng.

Khu kinh tế Vân Phong đang từng bước chuyển mình, ngày càng thu hút nhiều nhà đầu tư lớn

Điểm sáng trong phòng chống dịch COVID-19

Năm 2020, tình hình dịch bệnh Covid-19 được xem như gam màu tối bao phủ hầu hết đến tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân cả nước. Trong đó, tỉnh Khánh Hòa được xem là tỉnh chịu ảnh hưởng lớn nhất.

Là địa phương đầu tiên trong cả nước ghi nhận trường hợp người Việt Nam bị mắc Covid-19, cùng với hạn hán, mưa bão đã tác động tiêu cực đến sản xuất và đời sống của nhân dân. Lần đầu tiên trong nhiều năm qua, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa (theo giá so sánh 2010) năm 2020 ước được 46.948,48 tỷ đồng, giảm 10,52% so năm 2019; 9/16 chỉ tiêu kinh tế xã hội không đạt kế hoạch. Đáng chú ý, du lịch được xem là “mỏ vàng” của Khánh Hòa nhưng doanh thu năm 2020 cũng chỉ được 5.097,66 tỷ đồng, giảm đến 81,21% so cùng kỳ năm trước.

Ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa chia sẻ: Trong điều kiện hiện nay của tỉnh, bên cạnh thuận lợi cũng còn nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư của doanh nghiệp, đặc biệt là ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Ngoài ra, tỉnh còn gặp nhiều khó khăn sau quá trình thanh tra, kiểm tra của Trung ương, phát hiện những sau phạm cần chấn chỉnh trong việc thực hiện thủ tục đầu tư, nhiều dự án trên địa bàn. Việc rà soát quá trình cấp phép đầu tư, thủ tục xây dựng, đất đai của rất nhiều dự án... đã làm ảnh hưởng đến tiến độ hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, sự đồng hành của các doanh nghiệp, nhà đầu tư cùng với chính quyền tỉnh Khánh Hòa, năm 2020 toàn tỉnh đã thu hút được 25 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký đầu tư là 7.701,7 tỷ đồng. Trong khi năm 2019, tỉnh cũng chỉ thu hút được 13 dự án với tổng vốn đăng ký đầu tư là 4.717,3 tỷ đồng. Điểm sáng này sẽ tạo động lực cho phát triển kinh tế trong các năm tới. Ông Tuân cho biết thêm.

Chủ động mời cơm doanh nghiệp

Cũng theo ông Tuân, UBND tỉnh Khánh Hòa đang từng bước thống nhất các bước nhằm tháo gỡ các khó khăn của các dự án đầu tư. Trong năm 2021 và thời gian tới, Lãnh đạo UBND tỉnh sẽ tiếp tục tập trung chỉ đạo cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, cắt giảm các điều kiện kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ nút thắt trong sản xuất kinh doanh, tạo động lực cho doanh nghiệp phát triển theo Kế hoạch hành động của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 01/01/2020 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020 trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa tại Quyết định số 414/QĐ-UBND ngày 24/02/2020.

Khánh Hòa nỗ lực đối thoại với các doanh nghiệp để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc

Ông Nguyễn Khắc Định, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa cho rằng, đã qua thời nhà đầu tư phải “cầu cạnh” UBND tỉnh để xin dự án. “Khánh Hòa vẫn là nơi đầu tư hấp dẫn, nhưng các tỉnh khác họ thay đổi rất mạnh mẽ về tư duy và môi trường đầu tư nên doanh nghiệp họ có nhiều lựa chọn. Tôi cho rằng giai đoạn mà các nhà đầu tư phải cầu cạnh lãnh đạo để có dự án đã qua rồi. Giờ là lúc lãnh đạo tỉnh phải mời cơm doanh nghiệp để kêu gọi họ đầu tư vào tỉnh nhà", ông Định nói.

Theo ông Định, muốn làm được như vậy tất cả bộ máy của tỉnh phải quyết liệt trong việc thay đổi tư duy, áp dụng linh hoạt các chính sách, chủ trương và cải cách hành chính mạnh mẽ hơn nữa để thu hút các nhà đầu tư.

Để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp, bà Đặng Thị Thu Nguyệt, Trưởng Đại diện VCCI tại Khánh Hòa cho rằng: Lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa cần chỉ đạo quyết liệt hơn nữa để đơn giản hóa các thủ tục hành chính, thúc đẩy các cơ quan chức năng triển khai các gói hỗ trợ, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhanh gọn và hiệu quả để thu hẹp khoảng cách từ chính sách đến thực thi, để các chính sách hỗ trợ bám sát được thực tiễn, đáp ứng nguyện vọng và sự tin trông đợi của phần lớn các doanh nghiệp địa phương.

Gần đây, chính quyền Tỉnh đã có những chỉ đạo và điều hành rất quyết liệt, xúc tiến xây dựng và triển khai các chương trình hành động cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh,… Với tinh thần đó, tin tưởng trong thời gian tới năng lực cạnh tranh và môi trường kinh doanh của tỉnh thực sự thông thoáng, thuận lợi cho doanh nghiệp. Và để làm tốt hơn vấn đề này, bà Nguyệt đề nghị chính quyền Tỉnh tiếp tục quyết liệt chỉ đạo gắt gao, sâu sát đến các Sở, Ban, ngành phối hợp, đồng hành với VCCi Khánh Hòa, với các doanh nghiệp địa phương, khẩn trương triển khai các giải pháp, chương trình hành động hỗ trợ doanh nghiệp thiết thực và hiệu quả tạo động lực, tiếp thêm sức mạnh cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn, khôi phục và phát triển quá trình sản xuất kinh doanh bền vững.

Chat qua zalo