Khánh Hòa tìm cách gỡ khó cho các cụm công nghiệp

Hiện nay 5 CCN, gồm: Diên Phú, Diên Phú - VCN (huyện Diên Khánh); Đắc Lộc, Trảng É 1 (TP. Nha Trang); CCN và chăn nuôi Khatoco Ninh Ích (thị xã Ninh Hòa) đã được đầu tư hạ tầng kỹ thuật tương đối hoàn chỉnh. Tuy nhiên, những CCN này đang gặp một số khó khăn nhất định.

Theo báo cáo của Công ty TNHH một thành viên Bất động sản Khatoco (chủ đầu tư CCN Trảng É), hiện nay, CCN Trảng É 1 đã hoàn thành việc bồi thường giải tỏa. Các hạng mục san nền, làm đường giao thông, hệ thống thoát nước mưa, cống thoát lũ, cấp nước, cây xanh, điện, hệ thống xử lý nước thải… cơ bản hoàn thành.

Đối với CCN Trảng É 2, trong 44,6 ha đã bồi thường giải tỏa đợt 1 được 20,36 ha. Dự kiến, trong quý I/2020 sẽ triển khai bồi thường giải tỏa đợt 2 với 13 ha. Trong năm 2020, sẽ đầu tư một số hạng mục hạ tầng kỹ thuật như: san nền, đường giao thông, mương thoát lũ, nước mưa, cấp điện trung thế và chiếu sáng dọc đường chính...

Phần hạ tầng Cụm Công nghiệp Diên Phú - VCN đã được hoàn tất.
Phần hạ tầng Cụm Công nghiệp Diên Phú - VCN đã được hoàn tất.

Đối với CCN Đắc Lộc, được phê duyệt từ năm 2018, thời gian thực hiện trong 2 năm (2018-2019), nhưng đến nay, UBND TP Nha Trang vẫn chưa thực hiện xong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng để bàn giao cho Sở Công Thương triển khai thực hiện dự án.

Dự án này cũng còn vướng ở công trình cổng ra vào CCN, do Nghị định số 68/2019 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình ra đời nên dự án phải điều chỉnh tổng mức đầu tư cho phù hợp với quy định. UBND tỉnh đã có công văn đề xuất việc hướng dẫn triển khai nghị định này lên Bộ Xây dựng, nhưng đến nay chưa nhận được phúc đáp. Do đó, công trình phải tạm dừng triển khai cho đến nay, và đơn vị liên quan vẫn đang đề nghị UBND tỉnh sớm chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn này.

Còn tại CCN Diên Phú, sau hơn 6 năm đưa vào khai thác thì một số công trình công ích trọng điểm trong CCN bị xuống cấp trầm trọng, như trạm xử lý nước thải với nhiều hạng mục hư hỏng nặng, hồ sinh học ô nhiễm nặng… cộng với sự hoang vu tại CCN do thiếu nhà đầu tư "nhòm ngó" đã “vô hình chung” biến nơi này trở thành bãi chăn bò, gây trở ngại cho nhà đầu tư mới hướng đến và ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất của một số doanh nghiệp đang sản xuất tại đây.

Lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa kiểm tra công trình xử lý nước thải tại cụm công nghiệp
Lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa kiểm tra công trình xử lý nước thải tại cụm công nghiệp Trảng É

Các CCN khác cũng gặp khó khăn như CCN Diên Phú-VCN đang gặp khó khăn bởi các công trình hạ tầng trong dự án; CCN và chăn nuôi Khatoco - Ninh Ích (CCN Ninh Ích) do Khatoco làm chủ đầu tư lại đối mặt với vấn đề thiếu nước trầm trọng. Nước để phục vụ cho CCN được lấy từ đập Ba Hồ nên mùa nắng hay mùa mưa đều không ổn định.

Theo báo cáo của Khatoco, CCN Ninh Ích hiện nay mới có 2 dự án đi vào hoạt động là: Công ty Kinh doanh đà điểu - cá sấu Khatoco (trại cá sấu 8,11 ha, nhà máy thuộc da 2,36 ha) và Xí nghiệp May Khatoco (2,57 ha). Diện tích đất xây dựng nhà xưởng mới lấp đầy 68,4%. Hiện nay, còn 6,02 ha Khatoco đang kêu gọi hợp tác đầu tư, phát triển ngành dệt may, song vì thiếu nước nên nhiều nhà đầu tư không dám hợp tác.

Do bị giới hạn số lượng ngành nghề nên thời gian qua, CCN Diên Phú - VCN chưa thu hút được các nhà đầu tư thứ cấp. Mới đây, UBND tỉnh Khánh Hòa đã đồng ý để chủ đầu tư xem xét bổ sung những ngành nghề phù hợp vào CCN nhằm tháo gỡ khó khăn trước mắt.

Để tháo gỡ khó khăn, Công ty Cổ phần Đầu tư VCN (chủ đầu tư CCN Diên Phú-VCN) đã kiến nghị UBND tỉnh Khánh Hòa bổ sung thêm 34 ngành nghề được phép sản xuất kinh doanh trong CCN. Trong đó, đáng chú ý là các ngành nghề chế biến thực phẩm như: Thịt, rau, sữa; các ngành sản xuất đồ uống, trang phục, thủy tinh, thuốc và đồ cao su.

Ngoài ra, các lĩnh vực điện tử, sản xuất máy móc chuyên dụng và công nghiệp nặng cũng được đề xuất bổ sung nhằm tăng thêm sức thu hút các doanh nghiệp lớn, nâng cao năng lực cạnh tranh của địa phương cũng như lấp đầy các CCN hiện nay của tỉnh Khánh Hòa.

Ông Lê Hữu Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa trong chuyến đi khảo sát gần đây đã chỉ đạo Sở Công Thương phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư xây dựng và hoàn thành Quy chế quản lý, thu hút đầu tư thứ cấp vào các CCN. Bên cạnh đó, tham khảo kinh nghiệm của các tỉnh: Đồng Nai, Bình Dương để có những tháo gỡ kịp thời cho các CCN.

“Các vấn đề về xây dựng tường rào cũng như xây dựng hồ sinh học của CCN Diên Phú cần nhanh chóng lên kế hoạch để đưa vào bố trí vốn giai đoạn 2020; phối hợp cùng các ban, ngành liên quan để thực hiện đúng theo quy định của pháp luật. Thời gian tới, UBND tỉnh sẽ lên lịch họp tháo gỡ khó khăn cụ thể cho từng CCN”, ông Hoàng cho biết. 

Nguồn: Baodautu.vn

Chat qua zalo