“Khẩu vị” M&A mới của doanh nghiệp Hàn Quốc

Xu hướng mua bán - sáp nhập (M&A) của doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam sẽ diễn ra mạnh mẽ, tập trung vào những lĩnh vực tiềm năng và tiếp tục dẫn dắt thị trường trong thời gian tới.

Ông Hong SUn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Korcham)

Vai trò dẫn dắt

Theo Báo cáo M&A thị trường Việt Nam những năm gần dây do Diễn đàn M&A Việt Nam (MAF) thực hiện, các doanh nghiệp, nhà đầu tư Hàn Quốc liên tục có mặt trong Top 10 thương vụ M&A quy mô lớn. Các doanh nghiệp Hàn Quốc có mặt tại Việt Nam từ 30 năm trước và xu hướng đầu tư trong từng giai đoạn cũng có sự thay đổi.

Ban đầu, doanh nghiệp Hàn Quốc lựa chọn đầu tư vào các lĩnh vực thâm dụng lao động như dệt may, da giày…; sau đó, chuyển sang lĩnh vực điện tử. Làn sóng đầu tư thứ ba chủ yếu tập trung vào ngành hàng tiêu dùng, bán lẻ và sản xuất, chế tạo (chế tạo ô tô). Làn sóng đầu tư thứ tư của các doanh nghiệp Hàn Quốc lại hướng đến tài chính, ngân hàng, chứng khoán với các lĩnh vực cụ thể như tài chính cá nhân, tài chính tiêu dùng, hoạt động thẻ, công nghệ ngân hàng...

Covid-19 bùng phát khiến hoạt động M&A của doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam ít nhiều chịu ảnh hưởng. Do phải thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, nhà đầu tư hạn chế tiếp xúc, thẩm định, đàm phán... Quá trình thực hiện, triển khai, hoàn tất giao dịch M&A đều chịu tác động nhất định bởi đại dịch.

Các nhà đầu tư, doanh nghiệp Hàn Quốc cũng gặp phải những khó khăn nhất định và phải thay đổi chiến lược phù hợp với bối cảnh dịch bệnh vẫn còn tiếp diễn, nhưng vẫn có xu hướng đẩy mạnh hoạt động M&A tại Việt Nam. Những doanh nghiệp Việt giàu tiềm năng (quy mô vừa và lớn, có thị phần nhất định và có vai trò dẫn dắt một số ngành quan trọng) đều đang nằm trong “tầm ngắm” và kế hoạch M&A của các nhà đầu tư nước ngoài nói chung, nhà đầu tư Hàn Quốc nói riêng.

Cụ thể, có 5 lĩnh vực được dự báo thu hút sự quan tâm đặc biệt của các doanh nghiệp, nhà đầu tư Hàn Quốc thông qua kênh M&A trong giai đoạn tới.

Một là, sản xuất hàng tiêu dùng, thực phẩm, đồ uống và bán lẻ. Đây là những ngành có thị trường tiêu thụ lớn, tốc độ tăng trưởng cao, nên rất dễ hiểu khi doanh nghiệp trong những ngành này trở thành mục tiêu M&A hàng đầu của các nhà đầu tư.

Hai là, lĩnh vực bất động sản. Với tỷ suất lợi nhuận lớn, hiệu quả dài hạn, bất động sản luôn là kênh thu hút đầu tư trong nước và ngoài nước. Đương nhiên, các nhà đầu tư Hàn Quốc cũng không đứng ngoài “cuộc chơi”.

Ba là, lĩnh vực nông nghiệp. Việt Nam là nước có thế mạnh về nông nghiệp và làn sóng đầu tư vào nông nghiệp đã xuất hiện trong mấy năm gần đây. Sau giai đoạn đầu tư, các doanh nghiệp trong ngành này sẽ có sự phân hóa rõ rệt. Các doanh nghiệp lớn trong ngành nông nghiệp có xu hướng phát triển chuỗi giá trị, không chỉ đầu tư vào trồng trọt hay chăn nuôi, mà còn phát triển cả lĩnh vực chế biến, phân phối, bán lẻ… Điều này tất yếu phát sinh nhu cầu phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho đối tác và chuyển nhượng vốn giữa các nhà đầu tư.

Bốn là, lĩnh vực dược phẩm, chăm sóc sức khỏe. Thời gian qua, nhiều thương vụ M&A trong lĩnh vực dược phẩm, chăm sóc sức khỏe đã được thực hiện. Thế giới Di động, FPT Retail, Digiwold - những công ty chuyên phân phối điện máy đã có tín hiệu chuyển hướng sang phân phối dược phẩm thông qua việc mua lại các chuỗi cửa hàng dược phẩm. Các bệnh viện tư nhân cũng sẽ là mục tiêu M&A bởi nhu cầu khám chữa bệnh của người dân ngày càng tăng…

Năm là, lĩnh vực viễn thông, công nghệ. Trong đó, sự kỳ vọng dành cho Viettel với vai trò người mua và phát triển thị trường viễn thông tại nhiều nước trên thế giới. Ngoài ra, chủ trương tái cấu trúc VNPT và cổ phần hóa MobiFone cũng sẽ là cơ hội lớn cho các nhà đầu tư.

Hướng đi mới

Thực tế cho thấy, dù trong hoàn cảnh nào, các nhà đầu tư khôn ngoan, nhiều kinh nghiệm thương trường cũng đều có thể nhanh chóng thích nghi, tìm ra hướng đi và các kênh đầu tư hiệu quả. Vì vậy, bất chấp tình hình kinh tế đang gặp nhiều khó khăn do Covid-19, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn có xu hướng thực hiện các giao dịch góp vốn, mua cổ phần.

Đơn cử, trong lĩnh vực bất động sản, các nhà đầu tư có tiềm lực về vốn chủ động lựa chọn chính thời điểm này để đầu tư. Họ tìm mua các bất động sản đang chịu áp lực nợ, hay những dự án tại vị trí đắc địa trước đây không có nhu cầu chuyển nhượng, nhưng giờ đây, do chủ đầu tư cần nguồn tiền mà đưa ra chào bán…

Trong năm nay, các dự án tòa nhà văn phòng, dự án phức hợp căn hộ và thương mại dịch vụ là những phân khúc được các nhà đầu tư rất quan tâm. Riêng dòng sản phẩm khách sạn, tuy không có sức hút mạnh mẽ như hai phân khúc trên, nhưng cũng vẫn được các nhà đầu tư “để mắt tới” nếu ở vị trí đắc địa. Tuy nhiên, giá trị của các sản phẩm này sẽ bị giảm nếu chào bán trong thời điểm này.

So với các nước trong khu vực, thị trường M&A Việt Nam hấp dẫn và còn nhiều tiềm năng phát triển nhờ kinh tế vĩ mô tăng trưởng ổn định, nhiều thỏa thuận hợp tác song phương và đa phương có hiệu lực, tốc độ tăng trưởng dân số và đô thị hóa cao... Các nhà đầu tư nội, tuy không có mặt trong các thương vụ M&A giá trị lớn, nhưng cũng đang từng bước chuyển mình để làm chủ các thương vụ nhờ lợi thế về tiếp cận quỹ đất, am hiểu thị trường...

Về cơ sở pháp lý, những chuyển động chính sách trong thời gian gần đây như sửa đổi, bổ sung một số luật quan trọng (Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán); lần đầu tiên, Bộ Chính trị ban hành nghị quyết về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài; ký kết các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA)… sẽ mở ra cơ hội lớn để Việt Nam tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài, trong đó có dòng vốn đầu tư thông qua hình thức M&A.

Để tạo sự bứt phá cho thị trường M&A tại Việt Nam, Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư cần có quyết tâm, thay đổi mạnh mẽ hơn nữa nhằm cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh, khơi thông dòng vốn trong nước và quốc tế vào lĩnh vực M&A.

Về triển vọng trong thời gian tới, thị trường M&A tại Việt Nam có nhiều tín hiệu lạc quan và dự báo sẽ thu hút được dòng vốn lớn.

Chat qua zalo